Tờ The Independent dẫn số liệu từ Tổ chức cứu trợ trẻ em của Anh cho hay sau trận động đất và sóng thần hôm 11.3, có 10.000 trẻ em Nhật mất nhà cửa. Trong số đó, nhiều em đã và đang phải trải qua thời tiết giá lạnh, không thức ăn, không nơi trú ẩn. Và cũng không ai biết bao nhiêu đứa trẻ mồ côi bị bỏ lại phía sau. Mất mát và tổn thương quá lớn: nhà cửa tiêu tan, bạn bè biến mất, cha mẹ không còn, người thân mất tích. “Chúng tôi thấy nhiều đứa trẻ tuyệt vọng, túm tụm quanh những chiếc đèn dầu hay chui rúc trong những tấm chăn”, ông Ian Woolverton thuộc tổ chức trên kể với AFP.
|
Dù đã được giáo dục và huấn luyện về thảm họa từ rất sớm, tâm hồn mong manh của trẻ em Nhật vẫn không thể vượt qua được thảm họa quá khủng khiếp lần này. Nhiều em đã bộc lộ các triệu chứng tổn thương tâm lý như la hét, hoảng sợ, gặp ác mộng và trở nên lầm lì, xa lánh mọi người.
Anh Atsushi Takahashi, 36 tuổi, kể đứa con trai 2 tuổi của mình chưa đêm nào ngủ yên kể từ sau ngày 11.3 tang tóc, nhất là khi Nhật tiếp tục hứng mấy trăm trận dư chấn. Đứa trẻ tội nghiệp liên tục la hoảng: “Đất bị rung. Con không thích nơi này”. “Những lúc như vậy, tôi chỉ biết ôm chặt lấy cháu và trấn an rằng mọi việc sẽ ổn”, Takahashi ngậm ngùi nói với AFP. Trong khi đó, người già cố gắng vực dậy tinh thần cho cháu mình bằng cách kể cho chúng nghe những khó khăn mà họ từng trải qua trong Thế chiến 2. “Chúng ta phải sống, phải đứng dậy. Chúng tôi muốn truyền tinh thần này cho bọn trẻ”, ông Shigenori Kikuta, 72 tuổi, nói.
Cậu bé kiên cường
Bên cạnh đó, vẫn còn những câu chuyện cảm động về những đứa trẻ kiên cường trong bi kịch. Chẳng hạn như chuyện về cậu bé 9 tuổi từ chối phần thực phẩm mà một cảnh sát người Nhật gốc Việt cho riêng mình để bỏ vào thùng cứu trợ chung đang làm con tim nhiều người thổn thức. Hay chuyện cậu bé Toshihito Aisawa, cũng 9 tuổi, ngày nào cũng đi khắp các trại tạm cư trong thành phố Ishinomaki, tỉnh Miyagi, để tìm người thân. Toshihito một mình mang các tờ giấy ghi tên bà, cha mẹ và hai em họ đi khắp nơi để hỏi thông tin. Tờ Asahi Shimbun dẫn lời Toshihito kể rằng hôm 11.3, gia đình em đang trên đường đi lánh nạn động đất thì chiếc xe bị bức tường nước nuốt chửng. Cậu bé dùng tay không đập vỡ kính xe rồi nắm lấy người anh họ Yuto, 13 tuổi, trườn ra ngoài. “Nhưng lúc đó có thứ gì đó quét vào người và đẩy em đi”, Toshihito nhớ lại và khi đó cậu chỉ nghe tiếng kêu cứu của Yuto và bà mỗi lúc một xa dần.
Toshihito sau đó được một người đàn ông cứu sống khi đang nằm bất tỉnh trên một tấm gỗ. Em được đưa đến nhà một người bạn của gia đình tên Mitsunari Kitahara. Vừa khỏe lại, em lập tức bắt đầu hành trình đơn độc tìm gia đình. Mãi gần một tuần sau, hôm 17.3, Toshihito mới gặp lại anh họ Yuto, vốn cũng chỉ tìm thấy cha 4 ngày sau thảm họa. Đó cũng là lần đầu tiên gương mặt cậu bé 9 tuổi tươi lên một chút, nhưng nỗi buồn vẫn hằn sâu khi cha mẹ em vẫn bặt vô âm tín. “Cháu (Toshihito) vừa phụ dọn cơm tối và làm rau cải. Tôi chắc rằng cháu rất đau lòng nhưng tôi chưa bao giờ thấy cháu khóc”, Asahi Shimbun dẫn lời ông Kitahara kể.
Văn Khoa
Bình luận (0)