Lời từ biệt của Eva

21/03/2011 09:37 GMT+7

Với chiếc máy ảnh chụp bằng phim đen trắng Kodak, Eva Lindskog đã ghi lại những góc nhỏ cuộc sống miền Bắc, đặc biệt ở Hà Nội sau năm 1975. Các bức ảnh ấy vừa được trưng bày tại triển lãm ảnh “Còn & mất” tại 39 Lý Quốc Sư (Hà Nội) từ ngày 18 đến 28-3.

Đến Việt Nam năm 1975, những bức ảnh đầu tiên Eva Lindskog chụp được là hình ảnh người dân Hải Phòng đứng ở ngã tư đường xem bản đồ chiến sự giải phóng Tây nguyên, một cô gái rất trẻ đứng bên khẩu pháo đang chĩa thẳng lên bầu trời...

Bà nói: “Đó là những hình ảnh hết sức lạ lẫm, ở Thụy Điển tôi chưa từng gặp những cô gái trong những bộ trang phục thời chiến kiểu như vậy”.

 
Năm cô gái và chiếc xe đạp có biển số  - Ảnh: Eva Lindskog

Trong buổi khai mạc triển lãm, rất nhiều người sinh ra trong thời gian đó đã tìm đến Eva Lindskog để chia rẻ rằng: “Tôi từng có mặt ở địa điểm đó lúc bà chụp bức ảnh”.

Họ chia sẻ với Eva những kỷ niệm bên những khẩu pháo, bên chiếc xe đạp hay cảm giác thèm ăn một que kem mỗi lần đi qua phố Tràng Tiền... Và người phụ nữ Thụy Điển 64 tuổi cười, đáp lại bằng giọng Hà Nội rất chuẩn, như thể họ đã cùng sống, cùng chia sẻ với nhau từng món đồ được phân phối trong thời kỳ gian khó đã xa.

Những bức ảnh của Eva Lindskog gợi nhớ về thời của những chiếc xe đạp có gắn biển số, những chuyến tàu điện mà lũ trẻ con “bu” kín, “treo” mình vắt vẻo cuối toa tàu...

Bà chụp Nhà hát lớn Hà Nội trầm ngâm phía sau dòng xe đạp hối hả trên phố, hiệu sửa xe, quán hàng trên phố cổ, chợ Đồng Xuân, vài người đàn ông ngồi ăn, đĩa đồ ăn đặt ngay trên lớp gạch vỉa hè với chú thích bên cạnh là “cơm bụi”...

Có một bức ảnh gợi lại ký ức của rất nhiều người - bức ảnh năm cô gái đứng dưới hiên một ngôi nhà mái tranh, phía trước dựng một chiếc xe đạp.

Đứng trước bức ảnh được chụp trong khoảng thời gian từ năm 1987-1988 này, một người phụ nữ hơn 50 tuổi kể lại hồi ức của mình: “Đó là thời bao cấp, mọi thứ đều phân phối. Gắn với mỗi biển số của xe đạp là một tấm giấy chứng nhận, có chiếc giấy đó mới được mua các loại phụ tùng như xích, lốp... Nếu ai được một suất phân phối chiếc lốp nhưng không có giấy chứng nhận thì cũng không được mua. Ngày đó tôi có một chiếc xe đạp, bạn bè nhớ biển số xe hơn nhớ người, đi đâu chỉ cần nhìn biển số xe là biết chủ nhân đã có mặt...”.

Chia sẻ về những bức ảnh của mình, Eva Lindskog nói: “Tôi thích chụp ảnh để lưu giữ lại một khoảnh khắc của cuộc sống vì biết rằng phút giây đó sẽ trôi qua và mãi mãi không còn nữa. Những bức ảnh của tôi hi vọng sẽ để lại cho thế hệ trẻ ở Việt Nam và Thụy Điển nhớ cha mẹ họ đã sống như thế nào”.

20 bức ảnh đen trắng trong triển lãm “Còn & mất” cũng là lời chào từ biệt của Eva Lindskog trước khi bà trở về Thụy Điển. Nhưng Eva Lindskog nói nhất định bà sẽ trở lại “quê mẹ thứ hai” của mình.

Eva Lindskog nói tiếng Việt bằng giọng Hà Nội dù bà đã chuyển vào TP.HCM sống nhiều năm nay. “Đi đâu tôi cũng giới thiệu mình là người Hà Nội, Hà Nội giống như quê mẹ thứ hai của tôi vậy”.

 
Eva Lindskog và Lê Thiết Cương  - Ảnh: V.Dũng

Eva Lindskog đến Hà Nội lần đầu vào tháng 3-1975. Bà học văn hóa và tiếng Việt trước khi làm quản lý dự án nâng cao điều kiện sống cho công nhân làm việc tại Nhà máy giấy Bãi Bằng (Phú Thọ).

Từ năm 1998 đến nay, Eva Lindskog làm cố vấn tại Viện Môi trường Stockholm - Trung tâm châu Á (Thụy Điển) về sự ảnh hưởng, phát triển của văn hóa xã hội tại Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan.

Eva Lindskog từng được biết đến qua hai triển lãm Việt Nam 80.00 (2007) và Một Hà Nội khác (2009). Đã sống ở Việt Nam hơn 20 năm, bà nói chuyện hồn hậu như một người phụ nữ Việt Nam đích thực.

Bên cạnh 20 bức ảnh đen trắng của Eva Lindskog, triển lãm còn giới thiệu 20 bức ảnh màu của Lê Thiết Cương. Ảnh của Lê Thiết Cương đầy khắc khoải với hình ảnh chiếc máy chữ cũ kỹ còn sót lại trên phố cổ, biển hiệu bán thuốc lào bên cạnh một hiệu sửa xe đạp.

Có lẽ chất hoài niệm trong từng bức ảnh là cái duyên khiến Lê Thiết Cương cùng Eva Lindskog tổ chức triển lãm ảnh này.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.