Kỳ họp thứ 9, QH khóa XII: Tiếp tục tìm cách giãn dân thủ đô

23/03/2011 01:06 GMT+7

Đã qua khá nhiều phiên thảo luận tại các phiên họp TVQH cũng như tại kỳ họp thứ 8 trước đó, song những cơ chế đặc thù dành riêng cho thủ đô Hà Nội theo bản dự thảo mới nhất mà Ủy ban TVQH đã chỉnh lý trình ra phiên họp QH sáng 22.3 vẫn chưa thuyết phục được nhiều ĐBQH.

 

ĐBQH thảo luận tại hội trường chiều 22.3 - Ảnh: Ngọc Thắng

Đều là người 2 lần nhấn nút phát biểu trong phiên thảo luận, cả ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) lẫn ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đều không tán thành quy định hạn chế dân nhập cư bằng giải pháp hành chính nêu trong dự luật.  

Theo ĐB Nguyễn Minh Thuyết, quy định về quản lý cư trú trong dự luật sẽ không giải quyết được vấn đề quá tải dân cư ở thủ đô hiện nay, bởi những người lao động tự do nhập vào Hà Nội rất nhiều, người ta không cần hộ khẩu, cho nên dù có đặt ra quy định hộ khẩu như thế này thì không giải quyết được vấn đề về sức ép dân số. “Chúng tôi xin nói con cháu các bà đồng nát hôm nay, ngày mai nó có thể là các nhà khoa học, có thể là các nhà văn, nghệ sĩ, các nhà quản lý, có những đóng góp xuất sắc cho thủ đô. Chúng ta phải nhìn lại dân số thủ đô bao nhiêu % là gốc Hà Nội? Rất ít, toàn các nơi khác đến và rất xuất sắc, đóng góp tốt cho thủ đô”, ông bày tỏ quan điểm.   

Viện Kiểm sát tham gia các vụ án dân sự

Thảo luận về sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng tại nghị trường sáng 22.3, đa số các ĐBQH đều cho rằng nên để Viện Kiểm sát tham gia tất cả các vụ án dân sự, thay vì chỉ tham gia khi xét thấy cần thiết như quy định nêu trong Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự trình tại phiên họp. Trong trường hợp vẫn giữ quy định như dự thảo luật thì phải quy định rõ trong luật những vấn đề nào Viện Kiểm sát được tham gia, thay vì giao cho Viện trưởng Viện KSND tối cao quy định, để tránh tùy tiện.

ĐB Thuyết cho rằng để giải quyết vấn đề này, cần đưa ra những giải pháp như mở rộng đô thị để kéo giãn dân ra và đô thị mở rộng phải đầy đủ điều kiện, hay phải thu phí giao thông, thu phí môi trường đối với tất cả các trường hợp tạm trú ở thủ đô từ 3 tháng trở lên, hạn chế lưu thông xe thô sơ ở một số tuyến đường nhất định có thể theo giờ; rồi phát triển những dịch vụ xây dựng thương mại thu gom phế thải… “Làm như vậy người lao động giỏi sẽ tham gia vào những dịch vụ đó và những người nào không tồn tại được sẽ chuyển đi nơi khác, như thế mình mới giải quyết được vấn đề dân cư”, ông Thuyết nói.   

“Trong điều kiện kinh tế thị trường nhiều thành phần kinh tế, chúng ta không thể quản lý nhập cư dân số bằng hộ khẩu”, ĐB Trần Du Lịch cũng đồng quan điểm. “Nếu như trong khu vực trung tâm chúng ta không muốn tăng dân số mà chúng ta cứ chỗ nào cũng xây cao ốc, văn phòng, trung tâm thương mại… thì tự nhập cư sẽ tăng”, ĐB này khuyến cáo.    

Liên quan đến vấn đề hạn chế nhập cư, ĐB Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an TP Hà Nội, cho rằng quy định về quản lý cư trú trong dự luật là “khả thi và cần thiết”, bởi vì mật độ dân số của Hà Nội hiện nay tăng rất cao. Hơn nữa, không phải chỉ có quy định này để làm giảm áp lực về nhập cư của Hà Nội mà phải sử dụng nhiều biện pháp đồng bộ khác. “Từ 1.1.2008 Hà Nội đã mở rộng hợp nhất với Hà Tây, mở rộng địa giới hành chính, lúc đầu có 6,4 triệu người đăng ký hộ khẩu thường trú, nhưng đến cuối năm 2010 thì riêng đăng ký thường trú đã tăng lên nửa triệu, hiện xấp xỉ 7 triệu người được đăng ký hộ khẩu thường trú”, ông Nhanh dẫn chứng.

Kết luận phiên thảo luận, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết Chính phủ cũng như cơ quan TVQH đều thấy rằng để quản lý tốt dân cư đúng như các ĐBQH nêu là phải đồng bộ nhiều giải pháp, quan trọng nhất là những giải pháp kinh tế xã hội, vấn đề phát triển hạ tầng, vấn đề quy hoạch ngoại ô…, còn quản lý hành chính chỉ là một trong những giải pháp.

Nguyệt Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.