Vai trò của acid béo omega 3: Trong chế độ ăn hiện nay con người có xu hướng tiêu thụ mất cân bằng theo hướng nhiều acid béo omega 6 hơn omega 3. Thông thường chúng ta tiêu thụ rất nhiều thực phẩm chứa acid béo omega 6 (có nhiều trong các loại dầu ăn như dầu đậu nành, dầu bắp, dầu hạt hướng dương...) đặc biệt là trong bối cảnh mọi người đều thay mỡ động vật bằng dầu thực vật, trong khi đó tiêu thụ ít thực phẩm chứa nhiều acid béo omega 3 (có nhiều trong rau lá xanh, dầu hạt cải, đặc biệt có nhiều trong các loại cá biển như cá ngừ, cá mòi, cá hồi, cá thu, cá trích...).
Chế độ ăn mất cân bằng trong tỉ lệ acid béo omega 6/omega 3 làm tăng cường giải phóng các hóa chất gây viêm làm tăng nặng bệnh hen suyễn vốn là một bệnh có cơ chế viêm tại đường hô hấp. Để phòng và điều trị, người bệnh hen nên giảm lượng thực phẩm chứa nhiều acid béo omega 6 và tăng thực phẩm giàu omega 3 như nêu trên. Hoặc cũng có thể bổ sung bằng viên dầu cá (chứa nhiều acid béo omega 3).
Giảm cân nếu béo phì: tuy bằng chứng y học chưa mạnh nhưng có rất nhiều nghiên cứu chứng minh mối tương quan giữa béo phì và bệnh hen suyễn. Đặc biệt gần đây nhiều nghiên cứu đã chứng minh bệnh béo phì và bệnh đái tháo đường có cơ chế viêm. Viêm cũng là cơ chế chính trong bệnh hen suyễn. Do đó các hóa chất gây viêm phát sinh do mất cân bằng mô mỡ trong bệnh béo phì cũng có ảnh hưởng làm nặng thêm bệnh hen suyễn. Vì thế lời khuyên đối với người hen suyễn là giảm cân nếu thừa cân hoặc béo phì.
Vai trò của các chất dinh dưỡng chống oxy hóa (hay còn gọi là chống lão hóa): sự mất cân bằng giữa các chất oxy hóa và chống oxy hóa trong cơ thể có ảnh hưởng đến các phản ứng viêm trong cơ thể bao gồm ảnh hưởng đến tính thấm thành mạch, co giãn cơ trơn, sự bài tiết chất nhầy... Do đó để phòng và điều trị hen suyễn, người bệnh cần tăng cường các chất dinh dưỡng có tính chống oxy hóa bao gồm glutathione, vitamin C, vitamin E, beta-caroten là tiền chất vitamin A... Những chất này có nhiều trong các loại trái cây (nho, bưởi, mận, dâu, cam, thơm...), rau quả và rau mầm, trái cây khô, các loại đậu, hạt...
Vai trò của chất manhê: manhê có tác dụng giúp giãn cơ trơn và kháng viêm. Do đó người bệnh hen nên ưu tiên dùng thực phẩm giàu manhê gồm rau lá xanh, cà chua, các loại đậu (đặc biệt là đậu đen, đậu trắng, đậu nành), hạt (đặc biệt là hạt bí, hạt dẻ, hạt điều), chuối, ngũ cốc nguyên cám, sữa và chế phẩm từ sữa, atisô.
Vai trò của các chất methylxanthines: đây là một nhóm thuốc có tác dụng điều trị hen qua cơ chế làm giãn phế quản và có tác dụng kháng viêm nhẹ. Chất này trong tự nhiên có trong các thực phẩm nhiều cafein bao gồm trà, cà phê, nước ngọt coca cola, sôcôla... Người bệnh hen suyễn sử dụng vừa phải các thực phẩm chứa methylxanthines cũng góp phần ổn định bệnh.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)