Shop "dã chiến" đắt khách sau thảm họa

23/03/2011 19:20 GMT+7

(TNO) Thật khó tưởng tượng được rằng việc buôn bán có thể phát đạt trong bối cảnh hoang tàn sau thảm họa ở Nhật trong lúc này.

Song trên thực tế, nhu cầu mua sắm của người dân Nhật đang tăng mạnh. Và nhiều tiểu thương trong đó có cô Sayuri Miyakawa đã chộp lấy cơ hội này, theo AFP hôm 23.3.

Qua nhiều ngày sau khi trận sóng thần kinh hoàng biến cửa hàng tạp hóa sát biển của Sayuri tại tỉnh Kesennuma thành đống củi trôi giạt trên sóng nước, cô đã bắt tay vào việc kinh doanh trở lại dù không có cửa hàng nữa, và thậm chí là chẳng có tiền mặt hay sản phẩm gì.

Trong bối cảnh nửa triệu người đang khốn khó trong các trung tâm sơ tán tạm bợ dọc bờ biển miền đông bắc, hiện có một nhu cầu rất lớn về thực phẩm, nhiên liệu và thuốc men.

Mỗi ngày, những nạn nhân sống sót cố đi tìm nguồn nhu yếu phẩm tiếp tế để bổ sung vào một số thứ sơ sài mà mình đang có.

 
Một cụ già cầm chai rượu sake khi đang nhặt nhạnh những thứ còn sót lại tại một cửa hàng bị sập ở TP Ishinomaki, tỉnh Miyaki - Ảnh: AFP


Không phương tiện đi lại, không xe hơi và không nhiên liệu, họ chỉ còn lựa chọn nhỏ như trên.

Và đó là đối tượng khách hàng mà cô Sayuri nhắm đến.

Sáu ngày sau thảm họa kép, Sayuri đã có thể mở được một cửa hàng "dã chiến" nho nhỏ bao gồm sô-cô-la, trái cây và nước uống đóng chai, cũng như các mặt hàng giá trị được bày biện trong những cái thùng đặt ngay trên đường, tại địa điểm cửa hàng tạp hóa của Sayuri tọa lạc trước đây.

"Tôi không biết chắc khi nào mới thật sự có thể mở cửa kinh doanh trở lại. Nhưng tôi đến đây hôm nay bởi vì nghĩ rằng mọi người cần thực phẩm. Chắc là họ không thể đợi nguồn thực phẩm tiếp tế theo khẩu phần được", Sayuri nói với AFP.

 
Nhu cầu mua sắm các nhu yếu phẩm ở Nhật đang tăng cao sau thảm họa - Ảnh: AFP


Gần 1 tiếng đồng hồ sau, mọi thứ ở cửa hàng "dã chiến" của Sayuri đã được bán sạch, ngoại trừ ít bột gạo, loại thực phẩm cần phải có nước và nhiên liệu để chế biến.

Mấy ngày kế tiếp, Sayuri cố tìm đặt xe tải nhỏ chở tới thêm ít đồ hộp và thực phẩm tươi. Và tất cả đều được bán chạy đến nỗi cô không cần phải mở các kiện hàng được đóng gói sẵn.

Nhưng không phải chỉ riêng mình Sayuri, một số tiểu thương khác cũng đang bắt tay vào việc kinh doanh "dã chiến" tương tự. Họ bán từ dụng cụ cần thiết đến quần áo.

Tuy nhiên, một trở ngại mà họ sớm gặp phải đó là việc thiếu tiền mặt vì bán ở lề đường thì làm sao thanh toán qua thẻ ATM được.

Do vậy, khi đến các tạp hóa tạm bợ nói trên mua hàng, khách phải chuẩn bị trước tiền lẻ.

Theo AFP, bốn ngày sau trận động đất 11.3, Ngân hàng Kesennuma Shinkin đã cố gắng mở hai trong số 12 chi nhánh dù không có điện.

Không máy vi tính, nhân viên ngân hàng phải lấy sổ tay để kiểm tra danh sách tài khoản của khách để tạo điều kiện cho họ rút tiền mặt. Còn những khách hàng không có thẻ chứng minh dán ảnh thì được tra hỏi cẩn thận để xác nhận lý lịch cũng như số dư tài khoản.

Trí Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.