Tính đến hết tháng 12.2010, Hà Nội có tới 112 trung tâm ngoại ngữ, tin học có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, Phòng Giáo dục có yếu tố nước ngoài (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho biết: hiện vẫn còn không ít cơ sở đang hoạt động trong lĩnh vực này nhưng chưa đăng ký với Sở GD-ĐT, chỉ khi cần xin giấy phép lao động cho người nước ngoài hoặc có... sự cố liên quan đến đào tạo bị phát hiện thì các cơ sở này mới đến Sở GD-ĐT để tiến hành xin đăng ký hoạt động và thành lập trung tâm.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, trong số hàng trăm trung tâm ngoại ngữ có yếu tố nước ngoài thì số trung tâm thực sự có chất lượng, có uy tín chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Để thu hút học viên, hầu hết các trung tâm đua nhau đưa ra nhiều hình thức quảng cáo bắt mắt và hấp dẫn. Nội dung các tờ quảng cáo thường thấy như là “giáo án thường xuyên được cập nhật” hay “đội ngũ giáo viên giàu kinh nghiệm, giáo viên bản ngữ”, “sau khóa học, học viên được dự thi cấp chứng chỉ có giá trị vĩnh viễn”…
Các thẻ giảm giá học phí, thẻ học bổng cũng là hình thức được các trung tâm chuộng dùng. Mức giảm thì trung bình từ 20%, 30% đến 50%, cá biệt giảm đến 70% học phí cho một số khóa học.
|
Trong đó thì lời quảng cáo “100% giáo viên bản ngữ” luôn là yếu tố đánh trúng vào tâm lý của phụ huynh học sinh, đặc biệt là phụ huynh có con ở cấp nhỏ tuổi. Ai cũng kỳ vọng vào việc con mình có giáo viên là người bản ngữ dạy thì sẽ phát âm chuẩn ngay từ đầu.
Tuy vậy, nếu cẩn thận lắm họ cũng chỉ có thể chọn cho con mình những trung tâm đã hoạt động lâu năm, chưa có “điều tiếng” gì đáng kể; chứ hoàn toàn không có cơ hội được mục sở thị hồ sơ nghiệp vụ của giáo viên tại trung tâm này.
Tại hội thảo, ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm ngoại ngữ Việt - Anh đã đưa ra một thông tin gây “sốc”: không có một trung tâm nào có giáo viên là người bản ngữ mà lại có bằng cấp, chứng chỉ sư phạm theo đúng tiêu chuẩn. “Đây là điều không tưởng. Chỉ có thể chọn được những giáo viên người nước ngoài có ngữ âm tốt, nhân thân tốt để mời giảng dạy tại các trung tâm”, ông Tuấn nói.
Không chỉ có thế, cũng theo ông Tuấn, việc thay đổi giáo viên liên tục cũng là điều không thể tránh khỏi. Do không có hợp đồng lao động dài hạn nên giáo viên người nước ngoài chỉ có thể làm việc trong 3 tháng, hết hạn visa, họ lại về nước hoặc phải sang một nước nào đó lân cận rồi lại xin visa trở lại Việt Nam để giảng dạy.
Ở một khía cạnh khác, bà Lù Thị Hồng Nhâm, Giám đốc Trung tâm Đức Anh đề xuất: hiện nay mỗi trung tâm quan niệm về chất lượng đào tạo một cách khác nhau mà không có chuẩn để đánh giá chất lượng. Điều này dẫn tới tình trạng có những trung tâm ngoại ngữ gắn mác "quốc tế" nhưng chưa được kiểm định về chất lượng.
Theo ông Nguyễn Tiến Trường, Trưởng phòng Giáo dục có yếu tố nước ngoài, trong năm nay Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ xây dựng bộ tiêu chí để đánh giá chất lượng của các trung tâm ngoại ngữ loại này. Ông Trường cho biết: những người chưa có bằng cấp, chứng chỉ sư phạm là người nước ngoài tham gia giảng dạy ngoại ngữ thì chỉ được gọi là tình nguyện viên chứ không thể gọi là “giáo viên”.
Còn ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội thì khẳng định: đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để tiến hành kiểm tra định kỳ và đột xuất các trung tâm. Nếu trung tâm nào không đảm bảo điều kiện và chất lượng sẽ bị đình chỉ hoặc bị thu hồi giấy phép hoạt động.
Tuệ Nguyễn
Bình luận (0)