Mây phóng xạ không ảnh hưởng đến Việt Nam

25/03/2011 01:13 GMT+7

Thông báo từ Bộ KH-CN tối qua cho biết, đám mây phóng xạ di chuyển từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 chưa ảnh hưởng tới VN vào hôm nay 25.3 như một số dự báo đưa ra trước đó.

Tại Đà Lạt, kết quả đo nồng độ các nhân phóng xạ trong bụi khí tính đến hôm qua cho thấy chưa có bất cứ một dị thường nào. Vào lúc 18 giờ chiều qua, ông Nguyễn Nhị Điền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, cho biết: “Đám mây phóng xạ đã tiệm cận gần với lãnh thổ VN. Chiếu theo đường thẳng, có thể đám mây đã nằm trong lãnh thổ VN. Nhưng rất khó để nói chính xác thời điểm nào trong ngày mây phóng xạ sẽ bay vào đất liền bởi còn phụ thuộc rất nhiều vào hướng gió”.

Theo ông Điền, phạm vi ảnh hưởng khi mây phóng xạ đổ bộ vào đất liền nằm trong dải từ TP.HCM xuống mũi Cà Mau. Tuy nhiên, so với những ngày trước, hướng gió hôm qua đã chuyển từ đông sang đông nam nên trong ngày hôm nay 25.3, dù có hướng vào đất liền, mây phóng xạ cũng bị đẩy ra phía biển Thái Bình Dương. “Nếu mây phóng xạ không vào đất liền, chúng tôi chỉ xem trên mô hình tính toán để nói rằng nó đã bay qua bờ biển VN”, ông Điền nói.

Dự báo của Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt gần với dự báo mà Trung tâm Dữ liệu quốc gia VN trong mạng lưới của Tổ chức Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBTO) đặt tại Viện Năng lượng nguyên tử VN đưa ra chiều cùng ngày. Cụ thể, theo hình ảnh mô phỏng đám mây phóng xạ cho vùng Đông Nam Á, đám mây phóng xạ hiện đang có một hướng di chuyển xuống phía tây nam đối với vị trí của Nhà máy điện Fukushima 1. Ngày hôm nay 25.3, mây phóng xạ bao trùm lên phía nam quần đảo Philippines. Trên vùng biển Đại Tây Dương, đám mây phóng xạ lan rộng hơn và tại biển Thái Bình Dương. Trong vài ngày tới, đám mây phóng xạ sẽ đến khu vực châu u.

 Trước lo ngại mây phóng xạ ảnh hưởng tới sức khỏe con người, ông Nguyễn Nhị Điền khẳng định: “Là cơ quan khoa học, chúng tôi có trách nhiệm theo dõi để báo cho cơ quan quản lý biết, chứ không có nghĩa báo để dân chúng lo sợ. Khi mây đến VN, hoạt động phóng xạ thấp dưới mức cho phép, không ảnh hưởng tới sức khỏe, chính vì thế người dân không cần có sự chuẩn bị đặc biệt để ứng phó”.

Ông Đặng Thanh Lương, Phó cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, cũng cho rằng người dân không nên quá lo lắng, mọi sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường, không nên quá kiêng khem hạn chế đi lại, hạn chế ăn uống, cũng không nên tự ý mua muối i-ốt về uống...

 Bộ KH-CN cũng khẳng định các trạm quan trắc của VN đã chuẩn bị sẵn sàng để có thể cảnh báo sớm mức độ phóng xạ trong các đám mây khi chúng tới VN.

Thu Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.