Một số cơ sở dược ở nước ta cũng đang nghiên cứu sản xuất những chế phẩm có nguồn gốc từ rùa dùng chữa ho lâu ngày, chữa sốt rét và dùng trong cao huyết áp...
Thomas, một nhà khoa học Anh, đã thủy phân mai rùa và phát hiện có chứa các acid amin glycocole (19,36 %), alamin (2,95%), leuxin (3,6%), tyrosin (13,59 %), acid glutamic, histidin, lysine, acginin… là những dược chất có giá trị cao trong phòng và trị bệnh.
Một nhóm nhà nghiên cứu ở Tô Châu (Trung Quốc) cũng đã dùng dịch tiết mai rùa để làm giảm hiện tượng chảy máu do trĩ, chống lại hiện tượng giảm bạch cầu do hóa trị liệu. Nghiên cứu cũng cho thấy máu rùa có chức năng ức chế tế bào ung thư.
Theo tạp chí Nhật Bản Hanako Materia Medica, thịt rùa có tác dụng bổ dưỡng, chống động kinh, tâm thần hoảng loạn... Nhân dân một số vùng tại Nhật xếp rùa vào hàng thực phẩm bổ dưỡng, tăng cuờng sức khỏe, tăng sức dẻo dai trong lao động và tình dục, được các thủy thủ rất tin dùng. Thịt rùa còn được giới y học Trung Quốc dùng để phòng và trị virus thủy đậu, động kinh, ngọc hành sưng đau…
Theo y học cổ truyền của Việt Nam, thịt rùa có vị ngọt mặn, tính đại hàn, không độc vào kinh can, thận, tì, tâm nên có tác dụng điều trị các bệnh như: hen suyễn, tim mạch, tăng huyết áp, ho lâu ngày, suy dinh dưỡng trẻ em, thiếu máu, suy nhược, hội chứng mãn kinh, ngực sườn đau tức, mất ngủ, ra mồ hôi trộm, trĩ… Trong ẩm thực Việt Nam, các món ăn chế biến từ rùa rất phong phú. Dễ gặp nhất là các món rùa hầm, rùa hấp, cháo rùa, rùa om, canh rùa và cả xúp rùa…
Tuy vậy, vì rùa có tính đại hàn nên người có chân tay lạnh hay đi ngoài lỏng thì không nên dùng, không phối hợp với những thức ăn lạnh khác (rau cải, lá dâu, sò, nghêu…). Các sản phẩm của rùa có tính hoạt huyết cao nên những người có tiền sử xuất huyết dạ dày, đường ruột, phụ nữ rong kinh, rong huyết… không nên dùng.
Khi chế biến thịt rùa, cần làm tăng độ nhiệt (như om, rang…) hoặc thêm gia vị như gừng, hạt tiêu để giảm bớt tính hàn. Khi mổ rùa, không để mật bị vỡ dây vào thịt.
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)