Công bố hàng trăm bức thư tình của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - Kỳ 2: Yêu một người tên hoa hướng dương

28/03/2011 23:39 GMT+7

Năm 25 tuổi (1964), nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lên Blao dạy học, ở đó ông viết nhiều bức thư gửi về một người - người mà ông gọi bằng tên riêng là: dao - ánh - hướng - dương (viết thường như tên một loài hoa) đang nở…

 

 NS Trịnh Công Sơn thời yêu “hoa hướng dương Dao Ánh”
- Ảnh do gia đình nhạc sĩ TCS cung cấp

Cũng từ Huế, dao - ánh - hướng - dương hồi âm, gửi đến ông những tờ thư “ướt từng giọt nến” đọng lại, vì thư viết về khuya, dưới ánh sáng của đèn sáp trắng, có bức ép vài chiếc lá long não nhặt được trước nhà ông ở đường Nguyễn Trường Tộ (Huế). Nhận được, ông trả lời: “Ngọn lá long não vẫn còn màu nâu đỏ” và hồi tưởng: “Anh phải bắt đầu nhớ lại một Ánh của lần đầu xa nhà, Ánh của hôm ở quán cà phê, Ánh ở bãi biển và Ánh của những ngày tháng sau này (…) Ánh ơi, anh đã ghi trên từng bao thư Ánh gởi lên đây cho anh: tournesol 1, tournesol 2, tournesol 3. Ôi những lời yêu dấu kia là đời sống (của anh) đó Ánh ạ (…) Bình hoa hồng trước mặt anh có những cánh hoa đều đặn thật đẹp. Anh vẫn thường nghĩ đến hình ảnh một người con gái cầm nhánh hoa hồng buổi chiều đi trên hè phố một mình. Hè phố thì vắng. Hè phố dẫn về một giáo đường. Buổi chiều người con gái tay cầm nhánh hoa hồng, đầu cúi gập trên những hàng ghế gỗ nhà thờ… mang khuôn mặt của Ánh. Của Ánh. Của Ánh”. Tiếp đó là: “tấm carte visite với hình vẽ cái hoa hướng dương và hàng chữ Ngô Vũ Hướng Dương đề ở dưới anh đã dựng ở kệ sách trên đầu giường (thư Blao 21.10.1964).

Vài ngày sau, vào 26.10 năm ấy, ông viết: “Ánh ơi, bỗng nhiên anh thấy nhớ Ánh mênh mông… Sao con đường không ngắn hơn để anh có thể quay về đó thường xuyên nhìn thấy Ánh. Nhìn Ánh cười, Ánh buồn, Ánh nói, Ánh đi. Nhìn chiếc nơ màu nâu nhạt đã có lần cài sau tóc. Giờ này Huế có mưa không. Mùa đông đã về chưa cho bàn tay Ánh lạnh như một đêm mưa nào anh đã giữ bàn tay Ánh và bảo lạnh vô cùng. Ánh ơi anh còn gọi đến bao giờ như thế. Cầu mong Ánh bình an và thản nhiên như núi rừng, mặt trời và tournesol - hoa hướng dương” (thư Blao 26.10.1964).

Khi đi các vùng cao khác, như Dran (Đơn Dương), ông vẫn nhớ, vẫn gọi: “Dao Ánh, Dao Ánh, Dao Ánh. Anh từ Blao 2 giờ lên đến đây lúc hơn 5 giờ, suốt con đường đó bụi hoa tournesol mọc vàng hai bên. Rừng núi mùa này hoa vàng đó sáng rực. Sao không là sinh nhật Ánh. Anh có ý nghĩ muốn thay đổi ngày sinh của Ánh đó. Ánh có bằng lòng không. Đây rất gần Đà Lạt, chỉ đi có 30 phút thôi. Anh đến đây thì anh Cường (họa sĩ Đinh Cường) chưa về. Anh leo lên căn nhà gỗ sàn – chung quanh là núi cao, là mây mù, là suối reo, là giá rét, là quạnh quẽ. Anh ngồi trong căn phòng riêng của anh Cường, xung quanh là những bức tranh mang hình ảnh màu sắc của núi đồi này mới lên xong. Và cơn mưa xám mù chợt đến… Ánh ơi, Ánh ơi. Anh nhớ Ánh lắm, nhớ lắm. Làm sao cho Ánh  có thể biết được điều đó… Mùa hoa vàng tournesol huy hoàng trên khắp vùng cao nguyên. Anh cười nói với chúng như cười nói với Ánh - hướng - dương đêm (thư Dran 11.11.1964).

Nhiều lúc viết liên tục, trong nhiều ngày, mỗi ngày viết nhiều lần. Vào buổi trưa, buổi chiều, và cả trước khi đi ngủ nữa: “Ánh ơi, khuya đã khuya hơn… nhớ muôn trùng muôn trùng đó Ánh”. Thức dậy thấy “hoa mặt trời và hoa hồng cắm chung ở chiếc lọ nhỏ đã héo rũ cả. Mai anh sẽ hái một hoa mới cắm vào. Ánh vắng viết thư cho anh có đến gần một tháng. Anh ngỡ như một hình phạt dành cho kẻ tử tội không biết được lý do… Cơn mưa vừa ngưng. Mây đã trắng hơn từng cuộn và trăng nhỏ tuổi hơn Ánh. Thời kỳ trăng đẹp nhất là trăng bằng tuổi Ánh - 16 tuổi (thư Blao 14.12.1964).

Khi Dao Ánh bước sang tuổi 17 (1965), Trịnh Công Sơn viết: “Ánh ơi, tâm hồn anh có những lúc thanh thản xanh như chồi non, có lúc đen - điu - vực - thẳm. Anh cũng cố gắng viết nhạc đúng như thế. Mỗi lần viết xong một bản thấy như mình nhẹ nhàng, như vừa trút bớt những ưu tư nặng nề trên vai, trên đầu xuống. Anh vừa viết xong một bản nữa: Tuổi buồn của em, anh nghĩ đến Ánh ngày chủ nhật đi đến nhà thờ, tay cầm  một nhánh hồng nhung, nhà thờ chủ nhật thì vắng bởi vì đó là nhà thờ của riêng anh tạo ra…” (thư Blao 21.1.1965).

Năm Dao Ánh 18 tuổi (1966), Trịnh Công Sơn viết: “điều quan trọng nhất là Ánh đã yêu anh! Như thế là quá đủ. Khi yêu người ta ngẫu nhiên như đã chọn lựa. Và thái độ chọn lựa dù muốn dù không đã tiềm ẩn một ý chí tự do. Đó cũng là dấu hiệu một phát hiện của trưởng thành. Sống rồi sẽ chín muồi dần, sẽ đơn giản. Tất cả  những điều đó sẽ nở ra trong chính mình một cách hồn nhiên như hoa cỏ. Điều đáng vui mừng là chúng mình đang có nhau, đang cần nhau, đang yêu nhau. Anh thì mỗi ngày mỗi nhớ  nhiều hơn. Và như thế cũng đã an tâm để đủ sống, đủ vui, đủ tin yêu trong hiện tại. Buổi trưa thật yên tĩnh. Trời như giục bàn chân chạy rong suốt ngày ngoài đường… Anh vừa học được cách viết bằng chữ nho tên của Ánh. Và cũng nhờ thế anh biết được vì sao Ánh thích hoa mặt trời (hoa hướng dương) và bài Xin mặt trời ngủ yên lại tình cờ có câu: “Ôi nhân loại, mặt trời trong tôi”. Lúc viết bản này anh đã có câu trên, vì anh nghĩ là Ánh thích hoa mặt trời và mặt trời là nơi hoa hướng dương nhìn về đó. Nên anh đã đem mặt trời nhốt vào trong anh (để Ánh luôn hướng đến). Hãy nhớ anh mỗi ngày như anh đã nhớ em”.

 

 Minh họa của họa sĩ Đinh Cường cho nhạc phẩm Tuổi đá buồn với chữ viết của TCS ghi tặng: “Bản của ngô vũ dao ánh tournesol - mùa xanh trên đỉnh sương - ngô vũ dao ánh hằng muôn nghìn hằng muôn nghìn, muôn nghìn xa xưa. Trịnh Công Sơn”

(còn tiếp)

Giao Hưởng - Dạ Ly (giới thiệu)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.