Tiêm kích tàng hình của Nhật Bản

30/03/2011 12:22 GMT+7

(TNTS) Tokyo vừa quyết định tự thiết kế sản xuất máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 mang tên Shinshin. Theo kế hoạch, vào năm 2014, chiếc Shinshin mẫu sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên.

Vào cuộc

Do quan ngại việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quốc phòng, cũng như tình hình tại bán đảo Triều Tiên luôn không ổn định, nên Nhật Bản thể hiện quyết tâm tự chế tạo tiêm kích. Đây là bài toán kép, vừa để củng cố sức mạnh của mình, vừa để ít phụ thuộc vào việc nhập khẩu vũ khí, khí tài từ Mỹ.

Trong vài chục năm qua, nền quốc phòng của Nhật Bản luôn phụ thuộc vào Mỹ. Các loại vũ khí mới đều phải nhập từ bên kia bờ đại dương, đặc biệt là trong lĩnh vực phòng không - không quân. Nền công nghiệp quốc phòng của xứ Phù tang hầu như không tồn tại từ sau Thế chiến II. Chỉ có hai hãng là Mitsubishi Heavy Industries và Kawasaki thỉnh thoảng nhận các đơn đặt hàng một số loại vũ khí do Mỹ thiết kế.

 
Mitsubishi F-15J - Ảnh: Wikimedia

Sở dĩ có chuyện như vậy là do điều 9 hiến pháp Nhật Bản được phê chuẩn năm 1947 cấm nước này tham gia vào các cuộc đụng độ quân sự và có quân đội thường trực. Cũng chính vì thế mà lực lượng tự vệ Nhật không được phép thực thi các sứ mạng mang tính quốc tế. Trong tình thế như vậy, Nhật Bản dựa vào nhập khẩu vũ khí, khí tài để củng cố nền quốc phòng và chi rất ít cho công nghiệp quốc phòng trong nước.

Vào tháng 7.2010, sau khi việc đàm phán mua F-22 của Mỹ thất bại, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã đặt hàng hãng Mitsubishi Heavy Industries 50 tiêm kích F-2A với tổng chi phí là 5,5 tỉ USD. Như vậy, đơn giá của 1 máy bay F-2A cao gần gấp đôi 1 chiếc F-16 và lên tới gần 110 triệu USD/chiếc.

Kết quả là giờ đây, không lực Nhật Bản chỉ có 53 chiếc tiêm kích Mitsubishi F-2A (thực chất là chiếc F-16 Fighting Falcon do Lockheed Martin cấp phép sản xuất tại Nhật); 92 chiếc Mitsubishi F-4EJ Kai (bản sao chiếc F-4 Phantom II thuộc hãng McDonnell Douglas và 152 chiếc Mitsubishi F-15J (bản sao chiếc F-15 Eagle của Boeing). Máy bay vận tải của Nhật kể cả trực thăng hầu hết đều là những mẫu thiết kế của Mỹ nhưng do các hãng của Nhật sản xuất.

Cũng cần lưu ý một điểm, trong khi nhập khẩu vũ khí, Nhật Bản vẫn cần có các nhà máy để phục vụ công tác nâng cấp, hoàn thiện các loại vũ khí đã mua, đáp ứng yêu cầu của nền quốc phòng. Tuy việc này tốn kém hơn so với việc nhập khẩu vũ khí, khí tài hoàn chỉnh trực tiếp từ Mỹ, nhưng bù lại nó tạo ra nhiều việc làm cho người Nhật, kích thích đầu tư vào nền kinh tế và nuôi sống hàng chục nhà máy.

Vào năm 2004, Nhật Bản quyết định sẽ tự thiết kế chiếc tiêm kích thế hệ thứ 5 mang tên ATD-X Shinshin với công nghệ "tàng hình". Quyết định này chỉ mang tính phô trương quảng bá công nghệ cao của xứ sở mặt trời mọc. Bởi khi đó Tokyo không có kế hoạch sẽ biên chế ATD-X Shinshin cho quân đội nước mình. Vị trí đặc biệt trong không lực Nhật được ưu tiên dành cho chiếc F-22 Raptor do hãng Lockheed Martin sản xuất. Chính phủ Nhật và Mỹ đã đàm phán để mua bán chiếc tiêm kích thế hệ thứ 5 này.


Mitsubishi F-2A - Ảnh: Wikimedia 

Sau vài năm đàm phán, vào năm 2009, Mỹ từ chối bán chiếc F-22 Raptor. Bởi từ năm 2006, Quốc hội Mỹ cấm bán chiếc tiêm kích thế hệ thứ 5 đầu tiên của mình cho nước ngoài vì lo ngại sẽ bị đánh cắp các công nghệ then chốt. Do vậy vào năm 2006, tiến trình thiết kế ATD-X Shinshin được thúc đẩy và nếu thành công nó có thể được biên chế vào quân đội Nhật Bản.

Chạy đua

Các thông tin về chiếc tiêm kích thế hệ thứ 5 của Nhật Bản hiện được giữ khá kín. Giới thạo tin chỉ biết được vài thông số kỹ thuật về nó, còn ngay cả tính năng kỹ thuật hiện vẫn là điều bí ẩn.

Vào tháng 4.2010, Chính phủ Nhật Bản thông báo mời thầu cung cấp động cơ phản lực dành cho ATD-X Shinshin. Hiện chưa biết hãng nào sẽ trúng thầu, nhưng Mitsubishi, đơn vị đảm trách thiết kế Shinshin cần động cơ để lắp cho 2 chiếc hình mẫu của loại này.


Mitsubishi F-4EJ Kai - Ảnh: Airlines 

Theo yêu cầu, Shinshin sẽ sử dụng động cơ vectoring lực đẩy 3-D từ 44-89 kN, có ba bộ cánh quạt trên mỗi ống phun động cơ. Đây chính là loại động cơ được sử dụng lần đầu tiên khi lắp đặt cho chiếc X-31 của Rockwell vào năm 1990. Bên cạnh đó, hãng Mitsubishi khá quan tâm 3 loại động cơ General Electric F404, Snecma M88-2 và Volvo Aero RM12 được trang bị cho 3 loại tiêm kích tương ứng là Boeing F/A-18 Super Hornet, Dassualt Rafale và Saab JAS 39 Gripen. Tuy nhiên cả 3 loại tiêm kích vừa nêu lại không có động cơ vectoring như chiếc X-31. Các động cơ nhập khẩu sẽ được lắp đặt cho hình mẫu ATD-X Shinshin, còn loại động cơ XF5-1 do hãng Ishikawajima-Harima Heavy Industries của Nhật Bản sản xuất sẽ được sử dụng cho các loại tiêm kích khác.

Ngoài sử dụng công nghệ tàng hình, ATD-X Shinshin sẽ được trang bị hệ thống kiểm soát bay bằng ánh sáng, bằng cách thay thế cáp sợi quang học thông thường, có thể truyền dữ liệu nhanh hơn và tránh khỏi nhiễm từ, nhiễu điện từ. Radar của chiếc tiêm kích này sẽ quét bằng kỹ thuật số (AESA), được gọi là "cảm biến đa chức năng RF", có thể thực hiện nhiều công đoạn tác chiến kể cả chống tiến công điện tử (ECM), thực hiện đo xa điện tử (ESM), chức năng truyền thông và có khả năng điều khiển vũ khí  EMF - Weapon. Một tính năng khác được gọi là "tự phục hồi hệ thống điều khiển bay" (SRFCC, Self Repairing Flight Control Capability), cho phép máy bay tự động phát hiện trục trặc trong hệ thống điều khiển và tự phục hồi…

Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự phương Tây, nếu như Tokyo quyết tâm hiện thực hóa dự án Shinshin, chiếc tiêm kích này sẽ được biên chế vào quân đội Nhật Bản vào khoảng năm 2018 - 2020.

Vừa qua, không lực Hàn Quốc tuyên bố sẽ liên kết với Indonesia để sản xuất chiếc tiêm kích "4+" KF-X. Còn Trung Quốc vào đầu năm 2011 lần đầu tiên thử nghiệm chiếc tiêm kích "tàng hình" J-20. Và mới đây Mỹ quyết định khôi phục dự án máy bay ném bom tầm xa. Riêng Nga cách đây không lâu thử nghiệm chuyến bay đầu tiên chiếc tiêm kích thế hệ thứ 5 của mình.  Như vậy, với việc Tokyo thể hiện ý chí tự sản xuất tiêm kích, dường như thế giới nói chung và khu vực Đông Á nói riêng đang nóng lên với cuộc chạy đua vũ trang.

Ngữ Tử Yên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.