Trong chuyến đi công tác ở Vĩnh Bình, Vĩnh Thạnh (Cần Thơ) mới đây, chúng tôi được một nông dân nhiệt tình mời cơm. Chưa kịp từ chối thì ông đã vội kéo tay, vồn vã: “Thấy mấy chú ở xa đến, có mấy món ăn cây nhà lá vườn đặc biệt lắm”.
|
Có mặt khắp các chợ
Nguy cơ gây mất cân bằng sinh thái Theo tài liệu khoa học, cá lau kính hay còn gọi là cá tì bà, cá cọ bể, tên khoa học là Hypostomus punctatus; có nguồn gốc từ Nam Mỹ, được nhập vào VN qua đường kinh doanh cá cảnh. Sau khi phát tán ra môi trường tự nhiên chúng phát triển rất nhanh. Một con cá mỗi lần đẻ 5.000-6.000 trứng, gặp điều kiện thuận lợi một con có thể đạt đến chiều dài 50cm. Chúng có khả năng cạnh tranh thức ăn với các loài khác và gây mất cân bằng sinh thái. |
Khi nghe chúng tôi tấm tắc khen, chủ nhà là ông Ba Thanh chỉ cái thùng đựng mấy con cá lau kính bật mí: “Tất cả đều làm từ nó đấy, mấy hôm trước vét ao bắt được tới mấy trăm ký. Bạn hàng đến mua hết, gia đình tui chừa lại một mớ dành ăn và lai rai. Hiện giờ nó giống như... đặc sản rồi, bán đầy ở các chợ”.
Tìm hiểu tại các chợ, loại cá này được bán khá nhiều với giá chỉ 12.000-15.000 đồng/kg. “Nhờ rẻ và ngon nên không chỉ dân nhậu mà bà con mình thường mua làm thức ăn hằng ngày” - mấy chị bạn hàng cá cho hay. Ngoài ra, còn có nhiều điểm chuyên làm sẵn cá lau kính để bán lẻ và giao cho mối đem bỏ ở các chợ, quán ăn, quán nhậu.
Tại khu vực Thới Thạnh, Thới Thuận, Thốt Nốt (Cần Thơ), khoảng năm nay bên đường vào cầu Chùa xuất hiện một điểm buôn bán tương đối sôi động.
Từ sáng sớm đến chiều hàng đống bao tải đựng cá lau kính được tập kết về, sau đó lột da, bỏ đầu, cắt vây... rồi đem đi tiêu thụ. Chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền, một chủ vựa tại đây, cho biết mỗi ngày bán được vài trăm ký.
Tại ĐBSCL mấy năm nay cá lau kính nhiều vô kể. Chúng ngày càng sinh sôi và có mặt khắp sông rạch, trong các ao nuôi cá, thậm chí ở mương lạch trên đồng ruộng. Nhiều ghe cào trên sông Hậu cho biết có những đường cào bắt được toàn cá lau kính. Trước kia họ đều vứt bỏ, nay ai cũng gom lại đem ra chợ bán.
Người dân ở Phú Tân (An Giang) kể mấy năm trước do thua lỗ nên hàng loạt ao nuôi cá tra đành bỏ hoang. Gần đây, bà con bèn làm vệ sinh ao để thả nuôi lại cá giống và mỗi ao thường bắt được cá lau kính số lượng tới hàng trăm ký, thậm chí cả tấn.
“Không hiểu sao nó có rất nhiều trong ao nuôi cá tra. Mỗi khi thu hoạch cá bán cho doanh nghiệp đều có bạn hàng đến chực mua cá dạt, sẵn họ mua luôn cá lau kính” - ông Nguyễn Văn Cường, ấp Hòa An, xã Hòa Lạc, cho hay.
Món nhậu “độc chiêu”, món ăn giá rẻ
Chuyện cá lau kính trở thành món ăn, món nhậu khoái khẩu nghe cũng khá thú vị. Ông Ba Thanh kể tình cờ mấy bợm nhậu thiếu mồi bèn tò mò nướng vài con làm thử, nào ngờ thấy ngon hơn cả thịt gà. Từ phát hiện ấy họ thường tìm cá lau kính để... lai rai. Sau đó họ tạo ra thêm vài món nhậu khác như: luộc nước dừa, hấp sả, hấp bia... món nhậu “độc chiêu” ấy được đông đảo người dân biết đến, rồi dần dà nhiều hộ đã chế biến cá lau kính làm thức ăn trong bữa cơm gia đình.
“Thịt nó bùi, giữa thời buổi giá cả đắt đỏ thế này mỗi ký thịt heo, cá đều từ năm bảy chục ngàn đồng, kể ra có nó cũng đỡ cho cánh dân nghèo”, ông Ba Thanh nói.
Giới sành ăn cho hay từ khi biết thịt cá lau kính ngon người ta sử dụng làm chả và nhiều quán ăn, quán nhậu hằng ngày mua về chế biến ra nhiều món ăn nhưng thường giấu dưới tên khác. Không ít điểm bán bún cá, cháo cá có pha thêm thịt của chúng, nhưng do ăn thấy ngon nên chẳng ai phát hiện.
Gần đây, vài quán nhậu bình dân bắt đầu xuất hiện món cá lau kính hấp sả, nướng trui... và coi đấy là đặc sản. Trong một số đám tiệc không ít gia chủ chịu chơi còn làm thêm vài món cá lau kính cho bạn bè thưởng thức. Lâu nay dân nhậu vẫn tán tụng thêm nào là cá lau kính sinh sản mạnh nên có tác dụng... bổ dương, trị nhức mỏi, đau lưng.
Ngoài ra, chúng còn được nông dân sử dụng làm thức ăn chăn nuôi. Những ao cá tra khi thu hoạch bắt được nhiều cá lau kính bà con phân ra loại lớn bỏ cho bạn hàng ở chợ, còn loại nhỏ để lại. “Giá thức ăn công nghiệp tăng cao, giá cá biển cũng từ 6.000 đồng/kg. Tính ra dùng cá lau kính làm thức ăn cho heo, cá cũng có lợi hơn rất nhiều” - bà Lê Thị Hiền, nuôi cá tra ở Mỹ An Hưng B, Lấp Vò (Đồng Tháp), giải thích.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)