Theo Phó thủ tướng, Chính phủ đã giao Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) lập kế hoạch và xây dựng cơ sở kỹ thuật cho việc ứng phó sự cố của dự án nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận; giao Bộ KH - CN chủ trì phối hợp UBND tỉnh Ninh Thuận và các cơ quan xây dựng đề án nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của nước ngoài và cơ quan năng lượng quốc tế để xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố hạt nhân cấp quốc gia và cấp tỉnh.
Ngoài việc yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt quy trình xây dựng, vận hành, bảo dưỡng nhà máy điện hạt nhân để đảm bảo an toàn tuyệt đối; đặc biệt chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực để có thể ứng phó với mọi tình huống, Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ KH-CN, Bộ Công thương và EVN nghiên cứu, rút kinh nghiệm sự cố hạt nhân tại Nhật Bản trong quá trình lập dự án đầu tư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2; đồng thời giao Bộ Công thương trong quá trình chỉ đạo thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đảm bảo an ninh năng lượng cần tính toán đề xuất cơ cấu hợp lý các loại nguồn điện để tránh tình trạng thiếu hụt trầm trọng khi xảy ra sự cố với một loại nguồn cung cấp.
Theo Phó thủ tướng, dự kiến Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 sẽ tiến hành tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi và hồ sơ phê duyệt địa điểm từ quý 3/2011 đến quý 3/2012, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và hồ sơ phê duyệt địa điểm vào tháng 7.2013; lựa chọn nhà thầu vào tháng 2.2014 và dự kiến khởi công vào tháng 12.2014; vận hành thương mại tổ máy số 1 năm 2020 và tổ máy 2 năm 2021. Thời điểm khởi công Nhà máy Ninh Thuận 2 dự kiến vào tháng 5.2015, vận hành tổ máy số 1 năm 2021 và tổ máy 2 năm 2022.
Sau khi nghe báo cáo giải trình, thay mặt Đoàn chủ tọa phiên họp, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu kết luận: Trong Nghị quyết về đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, QH đã xác định phải chọn công nghệ hiện đại nhất, đã được kiểm chứng bảo đảm tuyệt đối an toàn. QH yêu cầu Chính phủ “phải tính toán thiết kế chương trình theo tiêu chuẩn cấp đặc biệt, nghiên cứu đánh giá đầy đủ về tác động của các đứt gãy, kiến tạo địa chất, các hiện tượng biến đổi khí hậu, nước biển dâng ở khu vực triển khai dự án... Đồng thời, yêu cầu trước khi xây dựng tổ máy đầu tiên, Chính phủ phải báo cáo QH kết quả chuẩn bị”.
Theo Phó chủ tịch QH, căn cứ vào tình hình thực tiễn chuẩn bị triển khai dự án, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ và tình hình thực tế, “QH sẽ xem xét và có quyết định phù hợp”.
Không lập Ủy ban Điều tra về Vinashin
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng thay mặt Chính phủ báo cáo thêm về nội dung xử lý những sai phạm tại Vinashin, sau khi một số ĐBQH còn nhiều băn khoăn xoay quanh nội dung này. Ông cho biết Bộ Công an đã tiến hành điều tra, khởi tố và bắt tạm giam những cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế tại tập đoàn này. Đến nay, công tác điều tra đang được tiếp tục củng cố chứng cứ để xử lý nghiêm minh, kịp thời, khách quan, đúng luật. Liên quan đến nội dung này, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết chiều 28.3, Ủy ban TVQH “đã họp, thảo luận và cân nhắc kỹ, thấy rằng vấn đề này đã và đang được các cơ quan có trách nhiệm của Đảng và Nhà nước xem xét xử lý giải quyết theo thẩm quyền. Vì vậy, Ủy ban TVQH đề nghị QH không lập Ủy ban lâm thời để điều tra”. |
Nguyệt Minh
Bình luận (0)