Ông Thạch Phal ở xã Lương Hòa B (Châu Thành, Trà Vinh) có 2 thửa ruộng lúa hơn một tháng tuổi bị thiệt hại nặng vì hạn, mặn, phải bơm chuyền hàng trăm mét ống mới lấy được một ít nước cứu lúa Ảnh: Tiến Trình |
Lúa chết khô
Hạn mặn đã chụp xuống các cánh đồng ở Trà Vinh khiến lúa chết “vàng đồng”; trong đó H.Trà Cú bị tổn thất nặng nề nhất. Nhiều nơi nhà nông nản lòng bỏ mặc cho lúa chết, bởi có gắng sức cứu chữa thì lúa vẫn cứ chết.
Dọc theo các cánh đồng Ngãi Xuyên, Tập Sơn... chỉ nghe tiếng thở dài của nhà nông. Những trà lúa trổ vàng đồng đã tới ngày gặt nhưng vắng tanh bóng người. Những cánh đồng lúa lép hạt rộng thinh, chim trời không buồn bay đến phá. Một số đám ruộng người ta mặc sức lùa gà vịt vào cho chúng... mót được hột nào hay hột đó.
Trên cánh đồng ấp Bà Tây C, xã Tập Sơn, nông dân Thạch Na kiên nhẫn gặt từng bó lúa vàng đọt. Thạch Na cho biết anh làm ruộng 10 năm nhưng chưa thấy năm nào lúa chết khô như thế này. Hạt lúa không ngậm sữa, mọc lên thẳng đọt, lúa thấy trĩu bông nhưng rờ vào bông không có hột. Anh Na than cầm bó lúa vầy nhưng kiếm vài hột chắc hạt rất khó. Anh có 6 công đất nhưng vụ này thu được chưa tới 1 công. Trong khi đó chi phí cho mỗi công lúa, gồm phân bón, thuốc trừ sâu, lúa giống... không dưới 1 triệu đồng.
Cánh đồng ở xã Tập Sơn còn buồn hơn. Chị Thạch Thị Thại ôm thau lúa buồn so nói năm này cầm chắc nợ nần. Vụ này chị Thại làm 30 công, tới ngày thu hoạch chị chỉ biết nhìn ruộng lúa mà... thở dài. Trong khi cùng kỳ năm rồi, 1 công lúa thu được 750- 900 kg. Chị kể, lúc lấy nước từ kinh tưới lúa, thấy nước xanh lè, chị phát hoảng, vội tát nước trở ra. Mấy nông dân khác nói chị làm chuyện vô ích, bởi nước mặn đã ngấm vào đất, vào cây lúa thì tát nước ra làm gì uổng công. Năm nay 1 công lúa chị thu được chưa tới 100 kg. “Biết lúa hư nhưng bấm bụng gặt đại, về nhà đem chà ra được hột gạo nào hay hột đó”, chị Thại nói.
Phòng Nông nghiệp H.Trà Cú cho biết, năm nay lúa vụ 3 ở huyện này sạ trên 10 ngàn ha, nhưng do độ mặn tăng nhanh nên hạt lúa bị nhiễm mặn chết trên 70% và con số thiệt hại chưa dừng ở đó.
Rau màu xơ xác
Ông Huỳnh Đông Hà, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thới Thạnh (H.Thạnh Phú, Bến Tre) buồn bã nói rằng nước mặn đã bức tử gần hết diện tích bắp lai của người dân trong xã. “Đến giờ thì toàn bộ diện tích 77 ha bắp bị nước mặn tấn công, thiệt hại từ 30 - 100% năng suất”, ông Hà nói.
Vùng Thới Thạnh không có nước ngầm, nguồn nước chính để nhà máy bơm xử lý đúng theo tiêu chuẩn nước sạch cấp cho dân được lấy từ hệ thống kênh Hương Mỹ - Vàm Đồn. Tuy nhiên, hệ thống kênh trục này chưa hoàn chỉnh nên mặn đã xâm nhập mạnh. Mặt khác, năm nay nước mặn xâm nhập sớm vào nội đồng là do 1 trong 3 cửa cống Cái Bần bị hư nhưng phía đơn vị quản lý chỉ sửa tạm cửa cống bằng gỗ. Mỗi khi đỉnh triều đầu tháng và giữa tháng dâng cao là nước mặn tha hồ theo cửa cống sửa tạm này tràn vào bên trong. Không chỉ rau màu, cây ăn trái bị ảnh hưởng, mà gia súc, gia cầm cũng cùng chung cảnh ngộ. Trong khi đó, những nhà vườn trồng cây cảnh và cây giống ở H.Chợ Lách (Bến Tre) cũng đang đau đầu vì hàng triệu cây cảnh không có nước ngọt để tưới.
Ông Huỳnh Văn Lâm (ở ấp Mỹ Lợi, xã Nhơn Mỹ, Kế Sách, Sóc Trăng) cũng đang sốt ruột vì ruộng dưa hấu đã gần 10 ngày nay “khan” nước. Ông Lâm thuê 24 công đất trồng dưa hấu, nhưng gần nửa tháng nay, nước mặn đã có mặt trong con kênh tưới tiêu của nhiều hộ dân ở đây. Do đã có nhiều kinh nghiệm, nên khi thấy có nước đổi màu trong vắt, những hộ trồng dưa hấu ở Nhơn Mỹ đã ngưng không cho nước vào ruộng dưa. Ông Lâm thở dài: “Đà này, nếu nước mặn cứ lấn sâu thêm, không biết đám dưa có chịu thấu không nữa”.
Ông Vũ Bá Quan, Phó phòng Nông nghiệp Kế Sách cho biết, tuy địa phương này cách biển nhiều chục cây số, nhưng nước mặn đã xâm nhập sâu và sớm. Tại Nhơn Mỹ, độ mặn đo được đã 6,7‰, tại Kế Sách 5‰. Trong khi đó, ông Đoàn Tấn Triều, Giám đốc Công ty quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh Trà Vinh nói rằng, độ mặn đo ngày 29.3 tại 3 cống lớn ở tỉnh này đều cao hơn năm trước nhiều lần. Cụ thể, tại cống Cái Hóp (H.Càng Long) là 6,5‰, cao hơn cùng kỳ hơn 3‰; tại cống Cần Chung (H.Tiểu Cần) lên đến 11,9‰, cao hơn cùng kỳ 5‰; tại Láng Thé (H.Càng Long) là 8,6‰. Theo dự báo trong tháng 4 sẽ là đỉnh điểm của việc xâm thực nước mặn vào nội đồng và độ mặn tại các cống sẽ tăng thêm 3-4‰ nữa...
Đi làm mang theo nước... rửa mặt
Hạn, mặn đã và đang khiến người dân nhiều nơi trong khu vực ĐBSCL khốn đốn, nhưng có lẽ ở H.Tân Phú Đông (Tiền Giang) chịu nhiều xáo trộn hơn cả.
Là huyện cù lao nằm giáp với cửa biển, Tân Phú Đông có gần 3.000 ha đất trồng lúa hiện đã thu hoạch xong, không bị ảnh hưởng bởi nước mặn. Chỉ có điều hoa màu ở đây luôn phải “nhập” từ đất liền và nước sinh hoạt thì luôn... thiếu. Mặc dù chỉ có hơn 40.000 dân nhưng đến nay Tân Phú Đông chỉ mới cung cấp nước sinh hoạt được cho khoảng 20% số hộ. Số còn lại thì phải tự cung cấp bằng lu, hồ, bồn chứa và lây lất chịu đựng cho đến mùa mưa. Cũng vì vậy mà mới vào đầu mùa khô nhưng ở một số vùng, người dân phải mua nước sinh hoạt do ghe chở tới bán với giá từ 40-50 ngàn đồng/m3.
Chính vì “tiền nước còn nhiều hơn tiền gạo” nên mỗi năm vào mùa nắng có hơn 10.000 người dân ở đây phải đóng cửa, bỏ nhà đi tha phương kiếm sống. Thậm chí, vì nước mặn nên rất nhiều người phải bỏ xứ đi luôn. Năm ngoái, các công chức trong huyện có nhà ở đất liền, mỗi ngày đến nhiệm sở làm phải mang theo một can nước để rửa mặt!
Theo dự kiến, đến cuối tháng 4 thì 2 ao chứa nước Phú Thạnh và Phú Đông ở huyện này sẽ không còn nước. Hiện tỉnh đã cho thi công đường ống tạm dài 24 km nhằm dẫn nước từ hồ chứa 6 ha ở xã Tân Thới và đưa nước thô về 2 trạm cấp nước Phú Thạnh và Phú Đông để xử lý, cung cấp do dân.
Nhóm PV Miền Tây
Bình luận (0)