Ngăn chặn tình trạng tăng giá vô tội vạ

02/04/2011 00:19 GMT+7

Để hạn chế tình trạng hàng hóa “té nước theo mưa” sau khi xăng tăng giá, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục phó Cục Quản lý giá cả (Bộ Tài chính) cho biết, sắp tới cơ quan này sẽ phối hợp với Thanh tra Bộ Tài chính tăng cường kiểm tra thực hiện đăng ký giá bán, niêm yết giá...

 

Các siêu thị tham gia bán hàng bình ổn giá sẽ hạn chế được tình trạng các chợ lẻ tăng giá vô tội vạ - ảnh: Đ.N.Thạch - A.Vũ

Tập trung vào hàng thiết yếu

Trước đó, 14 đoàn kiểm tra của Bộ Tài chính cũng đã tiến hành kiểm tra việc đăng ký giá tại các địa phương, từng doanh nghiệp (DN). Sau đợt tăng giá xăng dầu lần này, các đoàn kiểm tra sẽ vẫn được duy trì, đồng thời tập trung “xoáy” vào việc thực hiện đăng ký giá như thế nào, niêm yết giá ra sao... Rơi vào diện kiểm tra lần này là những mặt thiết yếu như: sữa, xi măng, sắt thép, cước vận tải…

Ông Tuấn cho biết, hiện Bộ Tài chính đã có quy chế tính giá khá chi tiết, đầy đủ bao gồm hạng mục cụ thể về từng loại chi phí như: quảng cáo, nguyên liệu, phân phối, tỷ giá... kết hợp với giá nhập khẩu tại hải quan sẽ có thể xác định được chính xác mặt hàng nào tăng bất hợp lý. Đợt tăng giá xăng, điện và tỷ giá vào tháng trước đã có một số mặt hàng xin điều chỉnh giá, còn đợt tăng giá xăng vừa rồi hiện theo ông Tuấn vẫn chưa có DN nào gửi phương án mới.

Liên quan tới vấn đề xử phạt khi phát hiện sai phạm, theo Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa, nếu DN nào bán giá thành cao hơn giá đăng ký sẽ bị tịch thu phần chênh lệch, yêu cầu hạ giá thành, đồng thời xử phạt tiền. Sắp tới, mức phạt sẽ tăng lên gấp nhiều lần sau khi Nghị định 169 xử phạt vi phạm về giá được Chính phủ thông qua.

Trấn áp tâm lý “té nước theo... xăng”

Về phía Bộ Công thương, ông Nguyễn Lộc An, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước cho biết, sắp tới Vụ này cũng sẽ phối hợp tổ chức đợt kiểm tra, rà soát giá các mặt hàng thiết yếu, bước đầu sẽ làm việc với Hiệp hội Thép VN và một số DN thép lớn.

Thông tin ghi nhận tại Vụ Thị trường trong nước cho thấy, giá thực phẩm, rau củ quả tại chợ đầu mối có nhỉnh lên chút ít nhưng không cao, giá tại các chợ bán lẻ được đẩy lên một phần do qua nhiều khâu trung gian, phần khác do người bán ăn theo tâm lý tăng giá. “Thực phẩm, trong đó thịt lợn có lên giá do dịch bệnh, đàn gia súc thiếu hụt, không đủ nguồn cung khiến phải chở một phần từ miền Nam ra miền Bắc, nhưng giá chỉ nhỉnh lên khoảng 5.000 - 6.000 đồng/kg, không thể tăng vọt lên tới 10.000 - 20.000 đồng/kg như vừa qua. Quản lý thị trường (QLTT) phải quyết liệt ra quân kiểm tra, kiểm soát chặt tại các chợ, các điểm bán lẻ, tránh hiện tượng tăng giá bất thường”, ông An nói.

Bên cạnh đó, ông An cho rằng, đây cũng là thời điểm chương trình bình ổn giá rầm rộ của nhiều địa phương phải phát huy được vai trò định hướng thị trường. Các sở công thương của các TP lớn cần tăng cường niêm yết công khai chương trình bình ổn để người dân “bỏ chợ vào siêu thị”, lượng khách mua ít đi, giá bán lẻ sẽ phải tự động điều chỉnh xuống.

Theo dự kiến, chương trình bình ổn giá năm 2011 của Hà Nội sẽ đưa ra thị trường 10.000 tấn thịt lợn/tháng, khoảng 65.000 tấn gạo/tháng, 300.000 tấn gia cầm/tháng, 75 triệu quả trứng/tháng, 3,1 triệu lít dầu ăn/tháng, 75.000 tấn rau củ/tháng... Với TP.HCM, chương trình bình ổn đã được bắt đầu từ ngày 1.4 và kéo dài đến hết năm, lượng hàng hóa tham gia bình ổn chiếm bình quân 20% - 25% nhu cầu thị trường.

Theo ông An, dù lượng hàng bình ổn chỉ giải quyết được khoảng 1/4 đến 1/5 nhu cầu thị trường, song các điểm bán hàng bình ổn này sẽ giúp cân đối lại mặt bằng giá cả. Trên thực tế, xu hướng chuyển sang sắm đồ siêu thị của người dân các TP lớn đang tăng mạnh, bởi giá thực phẩm như thịt lợn, thịt bò trong siêu thị luôn rẻ hơn ngoài chợ.

Lập biên bản 360 vụ vi phạm về giá

Tuần qua (26.3 - 1.4), QLTT TP.HCM đã phát hiện 215 vụ vi phạm, xử phạt hành chính 53 vụ, thu hơn 730 triệu đồng. Trong đó có 2 vụ vi phạm về kinh doanh xăng dầu (cắt giảm, ngừng bán hàng ra thị trường), 27 kinh doanh hàng hóa không hóa đơn chứng từ...

Riêng lĩnh vực giá, QLTT TP đã kiểm tra lập biên bản 26 vụ vi phạm, gồm 16 vụ không niêm yết giá, 5 vụ niêm yết giá không đúng quy định, 4 vụ niêm yết giá bằng ngoại tệ...

Tổng cộng, trong quý 1/2011 QLTT TP đã lập biên bản 360 vụ vi phạm về giá, trong đó có 24 vụ niêm yết giá bằng ngoại tệ, xử phạt hành chính thu gần 2 tỉ đồng... 

Hoàng Việt

Anh Vũ - Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.