Siết chặt quản lý khai thác mỏ

04/04/2011 22:57 GMT+7

Vụ sập mỏ đá Lèn Cờ và tình trạng mất an toàn lao động tại các mỏ đá khác cũng như việc cấp phép khai thác đá quá dễ dãi đề cập trong bài Thảm họa rình rập trên Thanh Niên ngày 4.4 đã được nhiều bạn đọc quan tâm, góp ý kiến.

Cấp phép tràn lan

Trong lĩnh vực khai thác khoáng sản nói chung, khai thác đá nói riêng, ai cũng biết, việc xin được giấy phép không phải đơn giản. Do đó, rất nhiều mỏ khoáng sản từ khi được cấp phép cho đến khi đưa vào khai thác, đã bán đi bán lại đến mấy lần, thậm chí vài chục lần, và đơn vị khai thác thường không phải là đơn vị được cấp giấy phép. Chính vì điều đó mà các đơn vị có giấy phép trong tay phải đưa vào khai thác gấp rút, càng tiết kiệm càng tốt. Có như vậy mới mong thu hồi vốn đã bỏ ra mua lại giấy phép và các chi phí khác. Như thế thì làm gì có bản thiết kế mỏ, khai thác đúng quy trình, tuân thủ an toàn lao động cho công nhân… Theo tôi, nên xem xét lại việc cấp phép tràn lan này.

Thanh Nhàn
(Q.Cầu Giấy, Hà Nội)

 

Chính quyền cũng có lỗi lớn

Lẽ ra các cơ quan chức năng ở địa phương là đơn vị cấp phép, kiểm tra, giám sát việc thực hiện khai thác đá phải nhìn thấy trước sự hiểm nguy mà các mỏ đá gây nên cho các công nhân. Để xảy ra hậu quả nghiêm trọng như vậy, họ phải có một phần trách nhiệm. Bao gia đình tang thương, bao nhiêu đứa trẻ mồ côi cha, mẹ. Tình cảnh ấy quá đau lòng. Nếu các cơ quan chức năng chu đáo hơn trong trách nhiệm của mình, không quá dễ dãi đối với các chủ mỏ (vì nhiều lý do khác nhau) thì chắc chắn hậu quả đau lòng này sẽ không xảy ra.

Nguyễn Việt
(Thường Tín, Hà Tây)

Cần làm ngay

Tôi hoàn toàn đồng ý với bài viết của tác giả Trần Đình Giàu trên Thanh Niên là phải kiểm tra các vết rạn nứt trong vách đá tại các mỏ đá hiện nay bằng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Việc làm này nhằm tránh những tai nạn đáng tiếc tương tự xảy ra vì hầu hết các mỏ đá ở huyện Yên Thành, Nghệ An hiện nay đều khai thác theo kiểu “mì ăn liền” và xé lẻ, không tuân thủ bất kỳ một quy trình kỹ thuật chặt chẽ nào. Điều này dẫn đến hậu quả sự rạn nứt trong kết cấu của mỏ... Nếu không sớm làm điều này, biết đâu, các mỏ kế cận cũng sẽ sập bất kỳ lúc nào. Khi ấy, hậu quả sẽ còn khủng khiếp hơn.

Huỳnh Thu Trang
(
tranghunh98@gmail.com)

Sớm rà soát lại các mỏ

Cũng trên Thanh Niên ngày 4.4 có bản tin Bộ Tài nguyên - Môi trường và các địa phương vừa mới thu hồi 18 giấy phép khai thác khoáng sản vì có sai phạm trong an toàn lao động, không thực hiện đúng nội quy ghi trong giấy phép... Tôi hoàn toàn ủng hộ việc làm này và mong Bộ và các địa phương tiếp tục thực hiện việc rà soát các vấn đề trên tại tất cả các mỏ đá ở các địa phương trên địa bàn cả nước. Dù muộn còn hơn không, chúng ta phải làm quyết liệt để những cái chết thương tâm như vụ sập mỏ đá vừa qua không lặp lại.

Văn Nam
(
vietnamdl@yahoo.com)

Cần thường xuyên kiểm tra

Hằng năm, có biết bao nhiêu mạng người đã nằm xuống ở các mỏ đá chỉ vì sự lơi lỏng trong kiểm soát của chính quyền địa phương, sự bất cẩn, cẩu thả của chủ mỏ? Với các chủ mỏ, họ chỉ biết đến lợi nhuận. Do đó, họ có thể áp dụng rất nhiều phương thức khai thác, bất chấp việc khai thác có ảnh hưởng tính mạng, sức khỏe công nhân hay không. Vì vậy, vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng. Cần phải kiểm tra, giám sát thường xuyên để dừng ngay việc khai thác nếu thấy có dấu hiệu nguy hiểm, thậm chí rút giấy phép khi phát hiện chủ mỏ xem thường sinh mạng công nhân.

Văn Thành Hưng
(Ông Ích Khiêm, TP Đà Nẵng)

Ban CTBĐ
(tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.