|
Một khảo sát của Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương TP.HCM cho thấy chỉ có 32% người dân được phỏng vấn biết 115 là số điện thoại gọi cấp cứu. Trong khi đó, 81% người dân được phỏng vấn cho rằng dịch vụ cấp cứu tại nhà rất cần thiết. Khảo sát này thực hiện từ tháng 9-2008 đến tháng 9-2010 trên 2.175 người dân sống tại 19 quận và năm huyện thuộc TP.HCM. Các bác sĩ cho biết dù số người biết 115 hiện nay đã nhỉnh hơn chút đỉnh so với lúc nghiên cứu nhưng vẫn chưa nhiều.
Xe cấp cứu chưa chạy hết công suất
Giá cấp cứu ngoại viện 115 Một bệnh nhân sử dụng dịch vụ cấp cứu ngoại viện 115 sẽ được tính theo giá: 1. Tính theo cây số chuyển viện từ nhà bệnh nhân đến bệnh viện điều trị: 15.000 đồng/km. 2. Giá khám bệnh tại nơi cấp cứu: 30.000 đồng. 3. Giá thuốc uống, dịch truyền... |
9g25 ngày 31-3, khoa cấp cứu ngoại viện Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương nhận một cuộc điện thoại từ Trường TVO, Q.1 báo có một thầy giáo chóng mặt, ói, cần có xe cấp cứu để chuyển người bệnh đi bệnh viện.
Ngay lập tức êkip cấp cứu của khoa cấp cứu ngoại viện gồm một bác sĩ và hai y tá đã có mặt trên xe cấp cứu để lên đường. Tiếng còi cấp cứu mở ngay khi xe vừa mới chuyển bánh, với tốc độ chạy khá nhanh cộng với quyền được ưu tiên đường của xe cấp cứu, chỉ 10 phút sau xe đã có mặt tại trường.
Lúc này thầy D. đã bất tỉnh, đang nằm trên những chiếc ghế được kê sát nhau. Êkip cấp cứu đo huyết áp, sau đó truyền dịch cho bệnh nhân, chích thuốc chóng mặt và cho người bệnh ngậm một viên thuốc hạ huyết áp. Một nhân viên y tế trong êkip cấp cứu hỏi đại diện của trường nơi thầy D. đăng ký bảo hiểm y tế (BHYT). Do thầy D. bệnh không quá nặng, nơi đăng ký BHYT ở tận Củ Chi nên êkip cấp cứu quyết định đưa bệnh nhân vào khoa cấp cứu Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương điều trị.
Bác sĩ Hà Thanh Hà, phó khoa cấp cứu ngoại viện Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương, cho biết mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 25 cuộc gọi từ người dân cần cấp cứu ngoại viện, nhưng trong số này chỉ 16-20 cuộc gọi được thực hiện. Những cuộc còn lại là gọi phá, cho địa chỉ không đúng hoặc người nhà đã chuyển người bệnh đi bằng các phương tiện khác... Với một thành phố có gần 10 triệu dân như TP.HCM mà trung bình mỗi ngày chỉ có 16 người bệnh sử dụng dịch vụ cấp cứu ngoại viện là quá ít.
Cách gọi 115 Bác sĩ Hà Thanh Hà hướng dẫn: * Khi có người cần cấp cứu hãy bấm số 115 kể cả từ máy bàn hay điện thoại di động. * Cuộc gọi này sẽ được nối thẳng tới khoa cấp cứu ngoại viện Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương. Tại đây luôn có nhân viên trực 24/24 giờ để tiếp nhận yêu cầu cấp cứu từ người dân. Xe cấp cứu sẽ xuất phát ngay sau đó để đến thẳng nơi cần cứu. * Trong trường hợp người bệnh ở xa, tại đây sẽ điều động xe cấp cứu ở các bệnh viện quận huyện, trường hợp không điều động được thì xe cấp cứu sẽ xuất phát từ Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương. |
Sơ cứu người bệnh tại nhà
Theo bác sĩ Hà Thanh Hà, tùy vào tình trạng người bệnh, êkip cấp cứu ngoại viện sẽ quyết định chuyển người bệnh đến cơ sở y tế phù hợp để điều trị. Với những bệnh nhân chưa ở mức độ nguy kịch, êkip có thể chuyển người bệnh đến nơi đăng ký BHYT ban đầu. Nếu nơi khám BHYT ban đầu quá xa hoặc quá khả năng điều trị, người bệnh sẽ được chuyển đến Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương hoặc một bệnh viện khác. Còn khi người bệnh trong tình trạng nguy kịch sẽ được xe cấp cứu đưa đến cơ sở y tế gần nhất, có khả năng điều trị tốt nhất.
Những người bệnh có dấu hiệu như hôn mê, bất tỉnh, khó thở, đau ngực, mất máu nặng, nôn ra máu, đi tiêu ra máu, gãy xương, chảy máu vết thương, bỏng nặng, nghi ngờ đột quỵ (có thể bất tỉnh, liệt một phần trên cơ thể, nói ngọng...), sốc thuốc... thì gọi 115 là rất cần thiết. Khi đó, người bệnh sẽ được sơ cứu tại nhà, được chuyển viện đúng cách sẽ hạn chế tối đa nguy hiểm cho người bệnh. Ví dụ: bệnh nhân bị chấn thương cột sống cổ (tổn thương tủy cổ) mà không được chuyển viện đúng cách có thể làm người bệnh bị liệt vĩnh viễn. Hoặc bệnh nhân khó thở khi chuyển viện người nhà lại để người bệnh nằm thẳng, không nâng đầu cho người bệnh làm người bệnh càng khó thở, dễ gây tử vong trong lúc chuyển cấp cứu.
Dù dịch vụ cấp cứu ngoại viện 115 rất cần thiết cho người dân khi sử dụng, nhưng bác sĩ Hà Thanh Hà thừa nhận dịch vụ này vẫn bị người dân than phiền do thời gian chờ đợi quá lâu. Chuyện đó thường rơi vào trường hợp người cần cấp cứu ở ngoại thành. Lúc đó, trung tâm cấp cứu đã điều hành bệnh viện quận, huyện gần nhất với nơi ở của người bệnh đưa xe cấp cứu đến, nhưng vì một lý do nào đó bệnh viện này không đưa xe đến được, buộc xe cấp cứu phải khởi hành từ Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương nên thời gian chờ đợi khá lâu. Một số trường hợp khác phải đợi lâu là do trên đường chạy đến nhà người bệnh, xe cấp cứu gặp nhiều “lô cốt”, bị kẹt xe...
Trong số những người biết 115 là số điện thoại gọi cấp cứu, nhiều người chưa biết hệ thống cấp cứu 115 do Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương đảm trách. Một số người dân không hiểu cụm từ “cấp cứu ngoại viện”. “Cấp cứu ngoại viện” là cấp cứu ngoài bệnh viện, đó có thể là cấp cứu tại nhà, trên đường phố, công viên, công ty, xí nghiệp, trường học, khách sạn...
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)