Có nên bao cấp chương trình tiên tiến?

05/04/2011 23:21 GMT+7

Được triển khai từ năm 2006, vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao chương trình tiên tiến thu hút được sinh viên (SV) giỏi và vẫn có thể duy trì nếu Nhà nước không hỗ trợ.

Sáng 5.4, đoàn công tác Chính phủ do Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đã có buổi làm việc tại trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) bàn về chương trình đào tạo này.

 
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trò truyện với SV chương trình tiên tiến trường ĐH Khoa học tự nhiên - Ảnh: H.A

Mở rộng hình thức hỗ trợ

Minh Vũ, SV năm 4, trăn trở: “Số lượng học bổng của chương trình quá ít trong khi mức học phí phải đóng khá cao (trung bình hơn 25 triệu đồng/năm - PV). Em mong sẽ có cách nào đó để tạo điều kiện cho các SV giỏi nhưng khó khăn có thể theo học chương trình này”. Đồng quan điểm, Lê Hoài n, SV năm 3, cho rằng: “Nếu học bổng quá ít thì nên chăng tạo điều kiện để SV theo chương trình có thể vay tiền đi học. SV tự đến ngân hàng vay tiền rất khó bởi theo quy định, mỗi SV chỉ được vay tối đa 8 triệu đồng/năm. Nếu có nhu cầu vay nhiều hơn, ngân hàng đòi hỏi phải có tài sản thế chấp nhưng gia đình khó khăn thì lấy đâu ra?”.  Trong khi đó, Minh Đức, SV năm nhất, lại quan tâm tới vấn đề đầu ra: “Em mong muốn sau khi hoàn tất chương trình có thể học thêm để trở về trường làm giảng viên”. Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ủng hộ ngay: “Chúng ta hiện đang rất thiếu giảng viên có ngoại ngữ tốt. Những SV của chương trình tiên tiến nếu có nhu cầu làm giảng viên có thể đăng ký, từ năm thứ 3, Bộ sẽ cấp kinh phí cho đi nước ngoài học để trở về giảng dạy trong nước”.

Chương trình tiên tiến là hình thức các trường mua chương trình đào tạo của các ĐH có uy tín trên thế giới về triển khai giảng dạy tại đơn vị mình. Đến nay, đã có 23 trường ĐH trong nước hợp tác với 22 trường ĐH trên thế giới để triển khai thực hiện 35 chương trình. Nguồn kinh phí để thực hiện gồm phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, học phí và các nguồn lực khác do nhà trường huy động. Mỗi chương trình tiên tiến được cấp kinh phí cho ba khóa đào tạo đầu tiên. Thời gian thực hiện hỗ trợ từ năm 2008 - 2015.

PGS-TS Dương Ái Phương, Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học tự nhiên, cũng cho rằng: “Chương trình tiên tiến nếu chỉ dừng lại ở bậc đào tạo ĐH là rất lãng phí. Hầu hết SV đều tốt nghiệp loại khá - giỏi, số đông là tiếp tục đi học ở nước ngoài nhưng tỷ lệ trở về nước làm việc lại không kiểm soát được. Trong khi đó, sự đầu tư của Nhà nước vào chương trình này rất lớn. Vấn đề cần đặt ra là tạo điều kiện cho SV học ở bậc cao hơn và sử dụng họ như thế nào”.

Nên chuyển sang đào tạo theo nhu cầu xã hội

Theo Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, vấn đề cần quan tâm hiện nay là tính bền vững của chương trình. Ngân sách nhà nước đã cấp 860 tỉ đồng, số còn lại được thu từ học phí (25%) và phía nhà trường tự huy động (15%). Vậy nếu Nhà nước rút ra khỏi sự đầu tư này (sau 3 khóa đào tạo - PV) thì chương trình có “sống” nổi không?

Về phía trường ĐH Khoa học tự nhiên, PGS-TS Dương Ái Phương cho rằng: “Chúng tôi tin tưởng, với nền tảng vững chắc đã được tạo dựng ban đầu, chương trình sẽ tiếp tục được vận hành. Tuy nhiên, nếu thu học phí cao thì chúng tôi lo sẽ không thu hút được SV nghèo học giỏi”. TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, băn khoăn: “Với mức đầu tư 160 triệu đồng/năm/SV quả là điều đáng mơ ước cho nhiều chương trình trong nước. Nhà nước nên xem xét kỹ việc ngưng “rót” kinh phí cho các trường, tôi e rằng nếu Nhà nước buông ngay thì một số chương trình không thể tiếp tục tồn tại được”. Trong khi TS Nguyễn Đình Minh, Vụ trưởng Vụ Khoa giáo - Văn xã, Văn phòng Chính phủ, tỏ ra quan ngại: “Còn 4 năm nữa việc thực hiện đề án sẽ kết thúc nhưng tôi thấy còn nhiều thách thức đang đặt ra. Theo mục tiêu, đến năm 2015 chương trình sẽ đào tạo được 4.000 cử nhân tiên tiến, 3.000 SV quốc tế theo học chương trình, 700 lượt giảng viên trong nước được cử đi đào tạo ở nước ngoài, 100 cán bộ quản lý được đào tạo đạt tiêu chuẩn quốc tế... Tuy nhiên, thực tế việc tuyển sinh không dễ dàng với số lượng đầu vào có xu hướng ngày càng giảm”.

Ông Nguyễn Trường Giang (Vụ Hành chính - Sự nghiệp, Bộ Tài chính) kiến nghị: “Theo tôi, để duy trì và lan tỏa chương trình thì cần phải xã hội hóa nó. Nên chuyển từ đào tạo mang tính bao cấp sang nhu cầu xã hội. Cụ thể, nếu Nhà nước đầu tư thì người học sau khi tốt nghiệp phải phục vụ theo yêu cầu Nhà nước, nếu doanh nghiệp đặt hàng nhà trường thì doanh nghiệp phải chi trả phí đào tạo. Nếu đào tạo theo nhu cầu của các gia đình thì các gia đình phải trả học phí cao. Với các SV giỏi, Nhà nước nên chọn lựa để cấp học bổng, đào tạo gắn với sử dụng, như vậy đảm bảo sẽ có cơ hội cho các SV nghèo học giỏi theo học chương trình này”.

Hà Ánh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.