Ngành công nghiệp sữa Trung Quốc lao đao

05/04/2011 11:20 GMT+7

Quyết định đóng cửa gần một nửa số nhà máy sữa không bảo đảm quy định an toàn vệ sinh thực phẩm ở Trung Quốc hôm 2-4 khiến ngành công nghiệp sữa nước này đang đối mặt với một cuộc cải tổ quy mô lớn cả trong khâu sản xuất lẫn phân phối.

Nam Phương nhật báo (Trung Quốc) dẫn lời phát biểu của ông Lý Nguyên Bình, người phát ngôn của Cục Kiểm định Chất lượng Trung Quốc (AQSIQ), trong cuộc họp báo sáng 4-4 cho biết: “Tính đến ngày 31-3, có 643 trong số 1.176 công ty sữa đạt các tiêu chuẩn để cấp giấy phép hoạt động mới. Có thể nói đây là đợt đình chỉ hoạt động lớn nhất từ trước đến nay.
 
Mục đích chính của cuộc kiểm tra nghiêm ngặt lần này là giảm thiểu mối nguy về an toàn thực phẩm và lấy lại lòng tin của người tiêu dùng”. Ngoài ra, số lượng lớn công ty không đạt chuẩn đã gióng lên hồi chuông báo động về trình độ kỹ thuật chưa cao và đạo đức nghề nghiệp còn thấp của người sản xuất. Tất cả đều do các doanh nghiệp chỉ mải mê theo đuổi lợi nhuận.
 
Ông Trần Dục, thành viên của Hiệp hội Sữa Trung Quốc thuộc Bộ Nông nghiệp, nhấn mạnh đa số công ty bị đình chỉ hoạt động đều là các doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ. Theo số liệu thống kê, 45% doanh nghiệp sữa ở tỉnh Chiết Giang bị ngưng sản xuất, khoảng 70% công ty sữa thuộc tỉnh Vân Nam không đủ điều kiện để được cấp giấy phép mới, ở tỉnh Quảng Đông có 49% hãng sữa bị đình chỉ và ngay cả ở thủ đô Bắc Kinh, hơn 25% công ty sữa bị loại.

Người Trung Quốc đến Hồng Kông, Macau mua sữa

Theo Thời báo Toàn cầu (Trung Quốc), nhiều cửa hàng bán sữa bột ở Hồng Kông và Macau hạn chế số lượng sữa bán cho người mua đến từ Trung Quốc để ngăn chặn việc thiếu nguồn cung ở thị trường địa phương.

Chính quyền Hồng Kông nói rằng các bậc phụ huynh cảm thấy khó khăn trong việc mua sữa bột khi các bà mẹ ở đại lục đổ về đây. Không những thế, do nhu cầu gia tăng nên giá sữa cũng trở nên đắt đỏ. Tại một trung tâm mua sắm giáp ranh giữa Hồng Kông và Trung Quốc, một cư dân Trung Quốc nói về lý do sang Hồng Kông mua sữa: “Đó là vì không hề có sản phẩm giả ở đây”.

Một chuyên gia trong ngành chăn nuôi bò sữa nhận định các công ty nhỏ chịu nhiều ảnh hưởng trong đợt kiểm tra chất lượng lần này vì họ phải chi phí ít nhất 2-3 triệu nhân dân tệ (tức khoảng 6-9 tỉ đồng) để xin giấy phép kinh doanh mới. Thậm chí, ngay cả khi có được giấy phép kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ cũng khó mà tồn tại lâu dài vì đã đổ phần lớn tiền của vào việc xin cấp phép.
 
Trong khi đó, một số nhà sản xuất và nông dân chăn nuôi bò than phiền rằng các quy định mới quá tốn kém, buộc họ phải từ bỏ công việc kinh doanh theo đuổi bấy lâu nay. Theo quy định mới của AQSIQ, các công ty sữa phải có thiết bị kiểm tra 64 chất phụ gia, bao gồm melamine. Giá thị trường của thiết bị này từ 3-4 triệu nhân dân tệ (tương đương 9 - 12 tỉ đồng).
 
Với mức giá này, chỉ những công ty sữa lớn với doanh thu hằng năm trên 80 triệu nhân dân tệ (240 tỉ đồng) và sản lượng đạt 20 tấn/ngày mới có đủ chi phí để nâng cấp thiết bị.
 
Ông Vương, nông dân chăn nuôi bò ở tỉnh Sơn Đông, nói với Thời báo Toàn cầu: “Chúng tôi sẽ mất một lượng lớn người mua khi các công ty sữa quy mô nhỏ đóng cửa”. Nhiều nông dân trong làng của ông đã bán bò kể từ khi tình hình kinh doanh xuống dốc. Ông Trần Vỹ, một chủ trang trại ở tỉnh Sơn Tây sở hữu hơn 10.000 con bò, cho rằng giải pháp hiện nay là kết hợp sản xuất với kinh doanh để hình thành nên những trang trại chăn nuôi quy mô lớn.
 
Theo ông Lý Nguyên Bình, từ nay về sau, việc kiểm soát tiếp tục được tiến hành một cách nghiêm ngặt, kể cả với những doanh nghiệp vượt qua đợt thanh tra mới đây. Đây là nỗ lực mới nhất của chính quyền Trung Quốc nhằm vực dậy ngành công nghiệp sữa và các sản phẩm từ sữa vốn chịu nhiều tai tiếng trong mấy năm qua. Trước mắt, đợt kiểm tra nghiêm ngặt mới đây sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt tạm thời nguồn cung cấp sữa trên thị trường.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.