Có một cụ bà đã hơn tám mươi tuổi tại quận 10 (TP.HCM) bị những đứa con ruột lừa ra khỏi căn nhà của mình để bán lấy tiền chia nhau. Tiếp chúng tôi tại nhà riêng, anh G., người con trai thứ của cụ nghèn nghẹn kể: “Chuyện gia đình tôi nói ra đau đớn lắm. Mẹ tôi phải ra khỏi nhà cách đây hơn bốn tháng rồi. Di chúc mẹ viết để lại phần nhà này cho anh tôi và người em gái với điều kiện khi nào bà qua đời mới được đến ở. Khi biết chuyện, anh trai và em gái tôi dàn xếp bán nhà, tôi đã nhiều lần ngăn cản và khuyên để mẹ “trăm tuổi” rồi muốn làm gì thì làm nhưng họ không nghe...”.
|
Chị N. con dâu của cụ nói trong nước mắt: “Chiều 30 tết vừa rồi, vợ chồng tôi đến thăm, bà nằng nặc đòi về, nhưng về đâu khi nhà của bà đã bị bán cho người khác? Khi đưa bà đi, họ nói rằng đưa mẹ đi bắt mạch lấy thuốc uống nhưng đã đưa mẹ về một vùng xa xôi thuộc một tỉnh miền Tây, phải qua mấy lần đò mới đến được”.
Trong đoạn video clip do đứa cháu của cụ cung cấp, nhìn những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt nhăn nheo và nghe cụ thổ lộ mong muốn được về nhà, chúng tôi thấy vô cùng xót xa. Dù hiện tại cụ sống với những đứa con ruột khác ở quê, nhưng không phải là nhà của mình và không đúng với nguyện vọng cũng là nỗi buồn lớn của cụ.
Ở P.16, Q.Gò Vấp (TP.HCM), có hai vợ chồng già gần 80 tuổi cũng đang có nguy cơ phải… ra đường. Trong căn nhà nhỏ cuối một con hẻm cụt, ông bà đã lụm khụm, đi đứng không vững. Cụ bà giọng run run: “Vợ chồng tôi nhận nuôi nó từ khi nó còn đỏ hỏn, coi nó như con đẻ, hàng xóm ở đây ai cũng biết. Chúng tôi thương nó lắm! Thời gian gần đây, nó bảo chúng tôi vay giúp vài chục triệu đồng để có vốn làm ăn. Tin lời, vợ chồng tôi ra công chứng giấy tờ để cho nó vay ngân hàng. Không biết sao sau đó, người ta kéo đến rất đông coi nhà và bảo rằng nhà này cần tiền nên đã bán. Chúng tôi quá bất ngờ và tưởng là bị nhầm. Một thời gian sau, họ buộc chúng tôi phải dọn đi. Khổ lắm cô ơi! Vợ chồng tôi tuổi đã già, sức đã yếu nay lại mất ăn mất ngủ, không biết những ngày sắp tới sống chết như thế nào đây”. Còn cụ ông gầy guộc lại bị lãng tai, khuôn mặt nặng vẻ lo âu, tiếp lời: “Tòa án đã xử hai lần rồi, buộc vợ chồng tôi phải giao nhà. Nhưng chúng tôi không bán nhà cho ai, nên không đi đâu cả”!
Nghe đến đây, tôi chợt nhớ đến mùa Vu Lan năm trước, con trai người bạn hàng xóm tặng mẹ một bức liễn, trên có hai câu thơ: “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc. Đừng để buồn trên mắt mẹ nghe không”! Ngắm nhìn bức liễn, lòng tôi tự nhủ rằng người mẹ ấy quá may mắn, hạnh phúc khi có được người con hiếu thảo.
Bích Liên
Bình luận (0)