Đảo Nhạn chỉ mỗi loài nhạn sinh sống, các loài chim khác không rõ vì sao tránh xa hòn này nên người dân biển theo đó đặt tên Đảo Nhạn hay Hòn Nhạn. Riêng ngư dân vùng biển khác đi ngang qua đây thấy đảo trọc có nhiều bóng chim chao liệng không ngớt nên gọi tên là đảo chim.
Hòn Nhạn là một trong trong tám đảo thuộc xã Thổ Châu, huyện Phú Quốc, Kiên Giang. Diện tích Hòn Nhạn trên 2.000 m2, đỉnh cao nhất so với mặt nước biển khoảng 40 m. Tháng tư khi biển động, nhạn từ bốn bể kéo về quần hội trên Hòn Nhạn, bắt cặp, đẻ trứng, săn mồi. Khi sóng êm, biển lặng chúng rời đảo bay đến nơi tít xa mù tìm chỗ mới. Lúc đó đảo chỉ còn lác đác vài con nhạn lẻ bầy.
|
Cách đây bốn năm, khi ra Phú Quốc công tác, các anh cán bộ công tác Huyện Đoàn Phú Quốc đã hào hứng giới thiệu với chúng tôi hòn đảo chim trời độc nhất vô nhị ở vùng biển Tây Nam. Lúc đó, theo lời chỉ dẫn, chúng tôi liên hệ với ông Lê Trắc, được dân biển mệnh danh là chúa đảo Thổ Châu - do ông là người đầu tiên ra đảo mưu sinh từ năm 1993. Ông Trắc cho biết Hòn Nhạn là đảo trọc cách đảo Thổ Châu độ hơn 5 km. Và lạ một điều: vùng biển Kiên Giang có hàng trăm đảo hòn lớn nhỏ với chim chóc, muông thú sinh sống nhưng tuyệt nhiên không đảo nào có chim nhạn dù chỉ vài con. Ông Trắc nói: “Lúc còn nhỏ tôi đã nghe các ngư dân kể về Hòn Nhạn, thích lắm. Họ cũng biết một điều là nhạn ở đó lâu đời lắm, còn từ lúc nào nhạn kéo về đó thì không ai rõ. Tôi độ có thể do đá núi trên đó xếp nhiều tầng tạo ra các khe, hang hóc cho nhạn trú thân chăng?”.
Từ đỉnh cao đảo Thổ Châu nhìn xuống, Hòn Nhạn như chiếc thuyền đá trôi bềnh bồng, lờ mờ giữa trời biển. Anh Nguyễn Văn Cường, một hộ dân sống trên đảo nói: ngày xưa nhạn nhiều lắm, có hai loài nhạn là nhạn ô và nhạn trắng, rất dạn dĩ. Thấy bóng người xuất hiện trên hòn, chúng bay tới đậu trên vai, trên cổ, phải đuổi, nhưng con này bay đi con khác lại bay tới đậu. Khi ghe thuyền đánh cá chạy gần đảo, chúng bay liệng tới như mây, bắt ruồi, muỗi và cả cá của ngư dân. Theo anh Cường, khoảng vài năm gần đây ngư dân hay ra hòn săn nhạn nên số lượng nhạn ít dần. Có người ra đem theo cần xé to hốt trứng nhạn về ăn hay bán cho du khách 500 đ/trứng. Trứng nhạn to bằng trứng cút, màu tiệp với màu đá trên đảo, nhạn đẻ trứng trên các ghềnh, hốc đá nên việc lượm trứng khá dễ dàng. Cũng có người ra săn nhạn non đem về nướng ăn…
|
Dân đảo cho biết lúc chim nhạn còn thân thiện, thấy người bu tới đậu, người ta ra đảo dùng cây vợt hớt cá đi bắt nhạn, huơ vài cái dính cả chục con chim tội nghiệp. Bị bắt lần hồi nên số lượng nhạn bớt dần, chúng trở nên nhát, hoảng sợ bay táo tác khi thấy ghe tàu, thấy bóng người xuất hiện gần đảo.
Dân đảo không hiểu sao tới mùa biển động sóng gió ầm ầm loài chim bé nhỏ hiền lành ấy lại từ phương xa kéo về đảo trú ngụ, chúng kêu ríu rít bay liệng giữa phong ba như thách thức gió bão. Khi gió xuân đến, mặt biển phẳng lặng, gió rì rào… chúng lại bỏ đảo đi. Nay loài chim mảnh mai không sợ gió giông ấy chỉ sợ người. Và như thế, nhiều người yêu thích Hòn Nhạn nghe tiếng nôn nao thuê đò viễn du tới đây không khỏi thất vọng khi không chứng kiến cảnh chim nhạn bay bầy bầy. Anh Dương Thu, phóng viên phụ trách thể thao ở một tờ báo tỉnh vốn là tay chụp ảnh cừ khôi rất thú vị với Hòn Nhạn có một không hai ở biển Tây này nên ra đảo anh luôn háo hức đòi săn ảnh chim nhạn. Thấy thấp thoáng bóng người chúng chao cánh bay tan tác. Những bậc cao niên cho rằng lũ chim nhạn mang dáng dấp chim linh. Các cụ già tin rằng: những năm đồng bằng gặp lũ lớn, nếu thấy chim nhạn bay vụt trên trời xanh là điềm báo lũ rút và tới nay niềm tin ấy vẫn truyền tới đời sau.
Ông Nguyễn Hoàng Quân, Chủ tịch UBND xã Thổ Châu cho biết, trước tình trạng bắt nhạn và lấy trứng nhạn khiến đàn nhạn giảm sút đáng kể, UBND xã đã phối hợp cùng Đồn biên phòng 770, Hải quân Vùng E kiểm tra cấm các tàu đánh cá, người dân cập Hòn Nhạn lấy trứng, bắt chim non. Đồng thời, tuyên truyền cho người dân trên đảo không nên bắt nhạn, lấy trứng nhằm tạo điều kiện cho đàn nhạn sinh sôi, quyến luyến hòn không bỏ đi nơi khác. Đồn biên phòng 770 đã thành lập một tổ kiểm tra thường xuyên ra Hòn Nhạn ngăn các tàu cá ngư dân địa phương và vùng khác đến bắt nhạn hoặc lén lút lấy trứng nhạn.
Kiên Giang nổi tiếng với bài hát Kiên Giang mình đẹp lắm trong đó có câu bóng mây sánh đôi bóng núi. Con chim nhạn hát điệu tình quê… Vâng, con chim nhạn sẽ hát và kéo bầy đàn về hòn khi nơi đây là chốn bình yên cho chúng. Còn ngược lại, nhạn sẽ bỏ đi nơi khác sinh tồn. Và nếu Hòn Nhạn được bảo vệ tốt, nhạn lại sinh sôi bầy bầy trong tương lai, sẽ là khu du lịch hấp dẫn du khách. Đảo Thổ Chu sở hữu những bãi biển đẹp mê hồn, nay lại thêm Hòn Nhạn sẽ là nơi đến kỳ thú với khách du lịch. Ngành du lịch tỉnh Đồng Tháp đã từng khai thác dịch vụ du lịch ngắm chim trời trong rừng tràm, ngắm sếu đầu đỏ giữa Tràm Chim, thu hút đông đảo khách tham quan. Nay mai, biết đâu lại xuất hiện thêm dịch vụ du lịch ra đảo ngắm chim nhạn trong!
Thanh Dũng
Bình luận (0)