Tại các phòng khám nội tiết hiện nay, có hơn 90% số bệnh nhân đến khám vì tiểu đường và bệnh tuyến giáp.
Băn khoăn về thẩm mỹ
Trong thực hành bệnh viện hằng ngày, chúng tôi gặp rất nhiều bệnh nhân đến khám vì bướu cổ. Phần lớn trong số đó là các phụ nữ trẻ đến khám vì ngoài nỗi lo bệnh tật còn là nỗi băn khoăn về thẩm mỹ. Điều này rất tế nhị vì bướu giáp sẽ làm cho họ mất đi vẻ tự tin trong công việc và giao tiếp hằng ngày.
|
Trong các phương pháp điều trị bệnh bướu cổ, phẫu thuật là biện pháp điều trị triệt để và hữu dụng. Trường hợp phẫu thuật bướu cổ đầu tiên trên thế giới được ghi lại trong lịch sử là vào năm 952 sau Công nguyên, do bác sĩ Moolish ở Ba Tư thực hiện nhưng người có công nhất lại là Theodor Kocher - một phẫu thuật viên người Thụy Sĩ. Với những thành tựu trong y học, Theodor Kocher trở thành người khai sáng cho nền phẫu thuật bướu cổ hiện đại. Ở Việt Nam, phẫu thuật bướu cổ cũng đã phát triển từ lâu, nhất là sau năm 1954, với những tên tuổi nổi tiếng như GS Tôn Thất Tùng, GS Nguyễn Khánh Dư, GS Phạm Biểu Tâm…
Bướu cổ là bệnh thường gặp trên thế giới. Tại Đông Nam Á, với dân số chỉ 1,355 tỉ người nhưng đã có đến 176 triệu người mắc. Ở Việt Nam, có 4% ở các tỉnh ĐBSCL và hơn 20% người dân ở vùng Tây Nguyên mắc bệnh này. |
Đường rạch da chỉ 0,5 -1 cm
Ca nội soi điều trị bướu cổ được thực hiện lần đầu tiên trên thế giới vào năm 1996. Ngay sau đó, rất nhiều phẫu thuật viên ở Đài Loan, Nhật Bản và Singapore đã thực hiện thành công loại phẫu thuật này. Ở Việt Nam, hiện mới có một số đơn vị thực hiện thường xuyên như Viện Nội tiết (Hà Nội), Khoa Phẫu thuật lồng ngực và Tim mạch của Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện ĐH Y Dược, Bệnh viện Trưng Vương, Bệnh viện Minh Anh… (TPHCM).
Khác với phẫu thuật mở kinh điển với đường mổ khá dài trên cổ làm mất vẻ đẹp của người phụ nữ, phẫu thuật nội soi với 2-3 đường rạch da nhỏ (chỉ khoảng 0,5 - 1 cm) ở những vị trí không làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ (vùng hõm nách, dưới quầng vú), phẫu thuật viên sẽ sử dụng các dụng cụ nội soi để bóc tách và lấy đi phần tuyến giáp bị bệnh. Những đường mổ này sau khoảng một tháng sẽ không còn thấy và cuộc phẫu thuật cũng chỉ kéo dài khoảng 45-60 phút; thời gian nằm viện được rút ngắn rất nhiều (thậm chí có trường hợp chỉ 2-3 ngày), ít đau, tiết kiệm thuốc mê, giảm khả năng nhiễm trùng và từ đó ít hoặc không cần sử dụng thuốc kháng sinh sau phẫu thuật... nên bệnh nhân rất hài lòng.
Tuy nhiên, lợi ích to lớn nhất đưa đến cho người bệnh, nhất là những phụ nữ trẻ đang trong tuổi lao động và đóng góp nhiều nhất cho xã hội, chính là việc phẫu thuật nội soi để điều trị bướu cổ đã trả lại được vẻ đẹp cho họ.
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)