Giúp ngư dân bị nạn tiếp tục bám biển

07/04/2011 21:57 GMT+7

Trong tâm thức của ngư dân, vươn ra khơi xa không chỉ mưu sinh, làm giàu cho gia đình, xã hội mà còn là khẳng định chủ quyền vùng biển đảo thiêng liêng của đất nước...

Trắng tay, nợ nần

Tuy nhiên, do bị thiên tai, bị tàu lạ đâm chìm hoặc bắt giữ... mà nhiều chủ tàu cá bỗng chốc trắng tay, nợ nần, nhiều ngư dân thân xác vĩnh viễn nằm lại khơi xa. Vợ mất chồng, con mất cha, cuộc sống khó khăn trăm bề. Điển hình nhất là gia đình ngư dân Mai Phụng Lưu được mệnh danh “ngư ông biển Đông” - từng là chủ tàu cá đã mấy mươi năm ngang dọc vẫy vùng nơi Hoàng Sa nhưng qua 4 lần bị nạn giờ cha con ông phải đi làm thuê cho một chủ tàu cá khác...

Gia đình ngư dân Lê Minh Tân càng bi đát hơn. Chuyển biển cuối năm 2010, thuyền trưởng Tân cùng chiếc tàu cá, tài sản lớn của gia đình đã vĩnh viễn nằm lại nơi vùng biển Hoàng Sa... để một món nợ 130 triệu đồng đè nặng lên đôi vai gầy của người vợ Ngô Thị Việt.

Không riêng gì gia đình ông Lưu, bà Việt mà nhiều gia đình ngư dân bị nạn khác ở Quảng Ngãi rơi vào tình cảnh tương tự. Việc hỗ trợ vài chục kg gạo/tháng hay số tiền năm, ba triệu đồng của chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm thật quý giá nhưng cũng chỉ giúp họ có cái ăn, giải quyết những khó khăn trước mắt. Về lâu dài, cái mà họ cần nhất là sự hỗ trợ và vốn vay ưu đãi của Nhà nước.

 
Sự hiện diện tàu cá và những ngư dân can trường trên biển chính là góp phần canh giữ phần phên giậu của đất nước - Ảnh: Hiển Cừ

Để chính sách hỗ trợ đến với ngư dân bị nạn

Mặc dù chính sách hỗ trợ tàu thuyền, ngư dân bị thiệt hại do thiên tai, tàu lạ đâm chìm và nước ngoài bắt giữ trên biển đã có nhưng việc thực hiện còn nhiều vướng mắc, chưa kịp thời, chính quyền địa phương thì lúng túng. Theo thống kê của Sở NN-PTNT Quảng Ngãi, từ năm 2009 đến tháng 1.2010, cả tỉnh chỉ có 42 trường hợp đủ điều kiện hỗ trợ trong tổng số 94 hồ sơ đề xuất từ các địa phương với số tiền hơn 1,4 tỉ đồng. Phần còn lại do không chấp hành đầy đủ các quy định về quản lý tàu cá như: Tự ý nâng công suất để ra khơi xa, thiếu đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác, nhật ký, bảo hiểm, không trình xuất bến khi qua trạm kiểm soát biên phòng...

Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng phải vào cuộc quyết liệt, tuyên truyền, hướng dẫn họ tuân thủ các quy định trước khi ra biển. Có như vậy khi tàu cá chẳng may bị nạn, không những cơ quan chức năng có đủ điều kiện để giải quyết chính sách hỗ trợ mà ngư dân còn nhận được tiền hỗ trợ kịp thời, có điều kiện tiếp tục vươn ra khơi xa...

Giúp ngư dân bị nạn tiếp tục ra khơi là việc làm mang nhiều ý nghĩa. Bởi những tàu cá, những ngư dân can trường bám biển, đảo xa là lực lượng canh giữ phần phên giậu của đất nước.

Hiển Cừ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.