Ông Okamura và 7 nhân viên đại sứ quán sau đó được di tản bằng trực thăng đến một doanh trại của Pháp ở Port-Bouet, phía nam Abidjan, theo Đại sứ quán Pháp ở Bờ Biển Ngà. Pháp cho biết họ thực hiện cuộc giải cứu theo đề nghị giúp đỡ của Nhật và Liên Hiệp Quốc
Trước khi được giải cứu, ông Okamura nói với hãng AFP rằng có một nhóm "lính đánh thuê" đã chiếm giữ tòa đại sứ trong 5 giờ đồng hồ. Khi ông và những người tùy tùng rút vào một căn phòng chống đạn, các tay súng đã sử dụng tòa đại sứ làm cứ điểm để phóng tên lửa, bắn súng máy và đại bác.
Ông Okamura kể rằng, 4 người làm công, các nhân viên an ninh và một người làm vườn trong tòa đại sứ đã "biến mất" sau đó và có "nhiều máu" trong tòa nhà.
Hiện không rõ các tay súng chiếm giữ tòa đại sứ Nhật thuộc lực lượng bảo vệ dinh thự của Tổng thống đương chức Laurent Gbagbo ở gần đó, hay thuộc lực lượng tấn công của Tổng thống được Liên Hiệp Quốc thừa nhận Alessane Ouattara.
Hãng Reuters dẫn lời Bộ Ngoại giao Nhật cho biết, đó là quân của ông Gbagbo trong khi hãng AFP đưa tin đó là các tay súng ủng hộ ông Ouattara. AFP cũng cho biết, các cuộc đọ súng đã nổ ra giữa binh lính Pháp và quân của ông Gbagbo đóng tại dinh thự của ông này ở gần đó trong cuộc giải cứu.
|
Cuộc giải cứu diễn ra sau một ngày giao tranh ác liệt tại dinh thự của ông Gbagbo ở Abidjan, nơi ông này đang ẩn náu và từ chối đầu hàng. Trước đó, quân của ông Ouattara tuyên bố sẽ tiến vào dinh thự và bắt sống ông Gbagbo sau khi các cuộc đàm phán về việc đầu hàng đổ vỡ.
Hãng AFP dẫn lời một nhân chứng cho biết, quân của ông Ouattara đã bị đẩy lui sau khi vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ của lực lượng bên phía ông Gbagbo trong hôm 6.4. Một nguồn tin từ Chính phủ Pháp cũng nói với AFP: “Vẫn còn nhiều súng cối và xe tăng trong dinh thự của ông Gbagbo, cuộc tấn công đã được hoãn lại vài giờ”.
Một người phát ngôn của lực lượng bên phía ông Ouattara nói với hãng AP, họ đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công thứ hai trong hôm nay, 7.4.
Giữa lúc tình hình giao tranh vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt, những lo ngại về khủng hoảng nhân đạo ở Bờ Biển Ngà đang ngày càng gia tăng.
Sau hai ngày kể từ khi lực lượng của ông Ouattara tràn vào Abidjan, dân cư ở thành phố 4 triệu dân này vẫn phải ở trong nhà.
Hãng BBC cho biết, các binh sĩ, các nhóm dân quân, những thành phần nổi loạn cũ và cả lính đánh thuê đang bắn nhau để giành quyền kiểm soát đường phố. Các nhà băng chính đã đóng cửa cách đây gần hai tháng, do đó ít người có tiền để mua thực phẩm dự trữ.
|
Liên Hiệp Quốc và Hội Chữ thập đỏ đã bày tỏ lo ngại về tình hình dân thường bị mắc kẹt trong cuộc giao tranh. Hội Chữ thập đỏ mô tả tình hình nhân đạo đang tệ đi và bắt đầu phân phát 12 tấn hàng viện trợ cho những người được đánh giá là đang có nhu cầu bức thiết nhất.
Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn cho biết, hàng chục ngàn người ở Bờ Biển Ngà đã bỏ nhà cửa để chạy trốn chiến tranh, trong khi số người băng qua biên giới với Liberia đang ngày càng gia tăng.
Cuộc bầu cử vào tháng 11 năm ngoái được tổ chức với ý định đoàn kết một đất nước Bờ Biển Ngà chia rẽ sau cuộc nổi dậy của miền bắc vào năm 2002. Ủy ban bầu cử đã tuyên bố ông Ouattara là người chiến thắng song Hội đồng Bảo hiến lại kết luận ngược lại.
Liên Hiệp Quốc, Liên minh châu u và Mỹ đều công nhận ông Ouattara thắng cử song cả ông này và ông Gbagbo đều tuyên thệ nhậm chức.
Các cuộc giao tranh và đụng độ lẻ tẻ giữa lực lượng ủng hộ của hai người đã nổ ra trên khắp Bờ Biển Ngà sau đó và gia tăng đến cực điểm vào cuối tháng 3, khi quân của ông Ouattara tràn vào Abidjan.
Sơn Duân
Bình luận (0)