Tan tác rừng nguyên sinh

07/04/2011 21:55 GMT+7

Rừng nguyên sinh trên địa bàn các xã Măng Cành, Đăk Tăng, Măng Bút, xã Hiếu... thuộc H.Kon Plông (Kon Tum) đang bị “cạo trọc”...

Trên đường từ xã Măng Cành đi vào các xã phía đông Trường Sơn như Măng Bút, Đăk Tăng, Đăk Ring... chúng tôi thấy nhiều khu rừng nguyên sinh đang bị người dân triệt hạ không thương tiếc. Ngay sát trụ sở UBND xã Măng Cành, một khoảnh rừng cũng vừa bị người dân chặt hạ, cây gỗ nằm la liệt, cháy xém đen.

Anh A Râm và vợ Y Yên trú tại làng Kon Kum, xã Măng Cành hồn nhiên nói: "Mình thấy mọi người chặt nên mình cũng chặt để làm rẫy trồng cây mì đó mà". Hai vợ chồng rời xa làng và cùng hộ gia đình A Ninh vợ là Y Nẻ ra định cư riêng tại một góc rừng, hằng ngày họ đốn hạ cây rừng chờ khô rồi gom đốt. Không ngần ngại, A Râm dẫn chúng tôi đi thăm các khu rừng mà chính anh vừa mới đốn hạ. Nhiều cây gỗ hàng trăm năm tuổi có đường kính trên 1,5m bị đốn hạ, nằm ngổn ngang.

Trước cổng UBND xã Măng Cành, tiếng cưa máy réo lên liên hồi từ ba góc rừng vọng lại. Đã có rất nhiều khoảnh rừng bị chặt hạ, mỗi khoảnh trên 1.000m2, diện tích rừng này thuộc tiểu khu 478 nên một phần giao cho xã, một phần giao cho lâm trường Măng Cành 1 quản lý. Ông Phan Ngọc Vinh - Chủ tịch UBND xã Măng Cành, cho biết: “Mình đi kiểm tra thì họ ngưng, họ tranh thủ lúc ngày nghỉ để phát nương làm rẫy”.

Theo số liệu của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum, tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn H.Kon Plông đã xảy ra 29 vụ phá rừng làm nương rẫy trái phép, với diện tích thiệt hại là 9,35 ha. Con số này “tăng hơn cùng kỳ năm trước” và đã đến hồi báo động, vì cả năm 2009 toàn huyện mới xảy ra 37 vụ với diện tích thiệt hại 12,6 ha.

Theo ông Vinh, nguyên nhân là do lợi dụng khoảng thời gian đang tiến hành bàn giao rừng từ lâm trường về xã quản lý, người dân đã “tranh thủ” chặt phá rừng làm nương rẫy. Bên cạnh đó, hiện giá mì tăng cao nên người dân bất chấp mọi quy định để phá rừng. Ông Vinh kiến nghị: “Các ngành chức năng cần sớm quy hoạch vùng canh tác nương rẫy để cấp đất sản xuất cho người dân, đồng thời đẩy nhanh tiến độ giao đất khoán rừng để xã giao cho người dân quản lý, bảo vệ".

Trùng Dương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.