Lạm bàn về lễ hội

09/04/2011 14:33 GMT+7

(TNTS) Có lẽ từ thuở con người biết sống quần tụ là đã có lễ hội (Festival). Đó là nét văn hóa đặc trưng, là dịp để con người sống thật với chính mình, thể hiện cá tính hoặc đáp ứng nhu cầu về tâm linh và giải trí. Với thời gian, lễ hội ngày càng phát triển, cả về nội dung lẫn hình thức.

Nước nào cũng có lễ hội. Nhiều lễ hội ngộ nghĩnh như: lễ hội Cõng vợ ở Phần Lan vào tháng 7 hằng năm. Các ông chồng sẽ vác vợ tham gia thi chạy vượt chướng ngại vật, người thắng cuộc được thưởng bia bằng 1/3 trọng lượng vợ mình! Tây Ban Nha có lễ hội Cà chua vào tháng 8. Cả khách và dân bản địa tha hồ “xáp lá cà” chiến đấu với “vũ khí” là hàng tấn cà chua ngập ngụa. Ý có lễ hội ném Cam. Hơn 3.000 người chia làm 9 đội, dùng cam chín ném nhau, có người sưng mặt, ngất xỉu. Hàn Quốc có lễ hội Bùn vào mùa hè. Nghe nói bùn chữa được bệnh nên tha hồ đùa nghịch và “đánh nhau” với bùn, mỗi năm thu hút trên 1,5 triệu người tham dự.

 
Lễ hội Cà chua ở Tây Ban Nha - Ảnh: Reuters 

Lễ hội sắc màu Holi ở New Dehli, Ấn Độ diễn ra vào cuối tháng 2. Bột màu đủ loại là “vũ khí” để tấn công, ai được “trét” càng nhiều màu càng tốt. Từ du khách, dân thường đến quan chức, sư sãi đều tham gia hết mình để mừng cái thiện, chống cái ác và mơ ước bình đẳng giai cấp. Nổi tiếng hơn cả là lễ hội Carnival ở Brazil vào tháng 3, thu hút hàng triệu du khách thế giới về thưởng ngoạn. Hoành tráng, rực rỡ, độc đáo, ấn tượng, sôi động, đậm nét văn hóa Nam Mỹ và chỉ Brazil mới làm được. Lễ hội Fringe ở Edinburg, Scotland cũng là sự kiện lớn mang đến cho du khách nhiều ngạc nhiên thú vị, thán phục và cả... sợ hãi. Trên 30.000 diễn viên đủ mọi thành phần và loại hình, từ nghiêm túc đến quái dị, từ truyền thống đến hiện đại biểu diễn mọi lúc mọi nơi khắp đường phố…

Các lễ hội hiện đại “dán nhãn văn hóa” và kinh tế đều có công thức chung: sân khấu hóa + truyền hình trực tiếp + một chút thương mại, ẩm thực, Thời trang và phát biểu báo cáo. Như một nồi lẩu thập cẩm giống nhau
Tôi không thích lễ hội Đấu bò tót ở Tây Ban Nha vì nguy hiểm và có gì đó man rợ. Còn lễ hội Lạc đà thi vật ở Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 1 thì vui hơn. Từng cặp vật nhau, đủ trò đủ miếng, con thua bỏ chạy trong tiếng reo hò của khán giả cuồng nhiệt. Tôi rất thích lễ hội Khỉ ở Lopburi và lễ hội Voi ở Suri - Thái Lan. Đây là những lễ hội thể hiện sự thân thiết giữa loài vật và con người, là dịp con người cảm ơn chúng đã chung tay với mình làm du lịch, thu hút hàng triệu du khách đến Thái Lan. Cả ngàn hậu duệ của Tôn Ngộ Không tha hồ chén xúc xích kem và các loại trái cây mà chúng ưa thích trong bữa tiệc đại buffet dành cho khỉ. Tôi đọc được trong mắt chúng sự mãn nguyện và lòng biết ơn con người.

Chợt nhớ về VN, có những nơi người ta đang tận diệt khỉ, dùng lưới chùm để vây bắt cả đàn. Tôi cứ bị ám ảnh bởi đôi mắt tuyệt vọng của con khỉ đầu đàn, bất lực - đau đớn nhìn đồng loại bị sập bẫy trong phóng sự ảnh trên báo Sài Gòn Tiếp Thị. Lễ hội Voi thì sôi động hơn. Voi được “ăn mặc và trang sức” đẹp, xem và nghe con người múa hát chúc mừng chúng. Đây là dịp để voi thi thố hết tài năng: từ vẽ, đánh đàn, thổi kèn, đá banh, làm xiếc, đến kéo co với nhau và kéo co với hàng trăm con người… Đủ trò vui nhộn, lạ mắt. Tan cuộc, con người mở tiệc linh đình chiêu đãi, cảm ơn các “chiến hữu” voi đã lao động cật lực cả năm và sát cánh cùng nhau làm du lịch. Tôi rùng mình nhớ tới lễ hội Chọi trâu ở Hải Phòng và Đâm trâu ở Tây Nguyên. Với người Việt, trâu là loài vật gần gũi, thân thương và giúp ích nhiều nhất cho con người. Vậy mà ở lễ hội Chọi trâu, trâu thắng - trâu thua đều bị đem xẻ thịt để con người ăn lấy may! Ở lễ hội Đâm Trâu càng khủng khiếp. Con trâu tội nghiệp bị buộc sát cột nên hoảng loạn nhìn đám đông cầm lao hò hét nhảy múa đe dọa. Rồi từng cánh tay vạm vỡ phóng lao hạ thủ trong tiếng reo hò man dại. Con vật đau đớn giãy giụa rồi từ từ khuỵu xuống mà nước mắt lăn dài.


 Lễ hội Bà chúa xứ núi Sam - Ảnh: Huỳnh Nhật

Tôi sẽ không bao giờ đến những lễ hội như vậy. Phải chăng con người ác với trâu như vậy dù chúng đã hết lòng phục vụ nên lâu lâu chúng nổi điên húc người? Thỉnh thoảng báo vẫn đăng trâu - chứ không nghe nói bò húc người bao giờ. Trong khi đó, vùng Bảy Núi, An Giang vào dịp lễ Donta, người Khmer tổ chức đua bò rất hào hứng, đông vui mà chẳng con nào bị giết. Đó là ngày hội của người và bò cùng hợp lực thi thố tài năng sau một năm cùng nhau làm ăn vất vả.

Thiên hạ cũng lắm lễ hội lạ đời. Lễ hội Kanamara Matsuri ở Nhật Bản vào tháng 11 nhằm tôn vinh việc duy trì nòi giống mà biểu tượng là dương vật. Hàng chục đàn ông giả gái khiêng rước tượng dương vật khổng lồ diễu hành khắp phố, theo sau là đám đông với các biểu tượng nhỏ hơn. Dịp này, hàng lưu niệm tràn ngập hình ảnh dương vật. Halloween - lễ hội hóa trang phù thủy, tổ chức vào đêm trước ngày lễ Thánh 1.11 của đạo Thiên Chúa.

Mọi người tham dự tự hóa trang theo trí tưởng tượng của mình, càng kinh dị, độc đáo càng tốt. Có những lễ hội không dành cho người sợ máu, yếu bóng vía và đau tim, như lễ hội Sám hối ở Pampanga, Philippines vào tháng 4 mùa chay hàng năm. Các tín đồ lưng trần, chân đất, vừa đi bộ khoảng 3 km vừa tự quất roi hành hạ mình và vác thập giá như Chúa Jesus năm xưa. Khi đến đỉnh Calvary, có 3 người được chọn sẽ phải đội mũ gai và đóng đinh treo trên thập giá, máu chảy ròng ròng! Lễ hội Thaipusam của người Hindu ở Ấn Độ và Malaysia cũng là dịp hành xác kỳ quặc. Có cả đàn ông, phụ nữ và trẻ vị thành niên tự nguyện tham gia. Lưng, bụng, cánh tay, mặt của họ đều có thể treo móc vật nặng và dùng vật nhọn xuyên qua. Đáng sợ hơn cả là lễ hội ăn chay hành xác để tỏ lòng tôn kính Đức Phật của cộng đồng người Hoa ở Phuket, Thái Lan. Nhìn khuôn mặt bị biến dạng bởi hàng chục mũi kiếm xuyên qua miệng, lưỡi, má, tai… người bình thường cũng xây xẩm. Hơn 100 thanh niên “mình đồng - da sắt - ý chí thép” còn phải chạy trên than rực lửa và tắm bằng bơ nấu sôi mà không hề hấn gì. Máu chảy nhưng vẫn điềm đạm và có phần tự hào!.

Ở VN, mỗi năm có hơn 8.000 lễ hội lớn nhỏ. Có lễ hội từ ngàn xưa, có lễ hội hiện đại và cả lễ hội biến tướng. Các lễ hội truyền thống thường gắn với tâm linh và bị biến tướng để “buôn thần bán thánh”, khuyến khích mê tín dị đoan. Lễ hội khai ấn ở Đền Trần - Nam Định vừa qua là một sự hỗn loạn kinh hoàng. Hơn 2.000 công an giữ trật tự đành bất lực nhìn biển người xô đẩy, chen lấn, giành giật cướp ấn. Rất may chỉ vài chục người xỉu, chứ chưa xảy ra sự cố giẫm đạp như ở Campuchia.

Các lễ hội hiện đại “dán nhãn văn hóa” và kinh tế đều có công thức chung: sân khấu hóa + truyền hình trực tiếp + một chút thương mại, ẩm thực, thời trang và phát biểu báo cáo. Như một nồi lẩu thập cẩm giống nhau. Xem lần đầu đã ngán, lần sau thì sợ, vậy mà vẫn quanh năm ồn ào. Các lễ hội kiểu đó chỉ hoành tráng về tiền bạc, nghèo nàn về nội dung (dù ý tưởng ban đầu rất tốt) và làm giàu cho một số người. Chưa có lễ hội nào thành công về mặt du lịch. Gần đây, một  số lễ hội ở Hội An; lễ hội Pháo hoa - Đà Nẵng; lễ hội Đua bò - An Giang; lễ hội Đua ghe ngo - các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu; lễ hội Đua thuyền buồm Quốc tế ở Mũi Né - Bình Thuận… thu hút khá đông du khách. Điều này thể hiện sự chuyển động đáng mừng của ban tổ chức, quan tâm đến nhu cầu của du khách chứ không phải mong muốn chủ quan của lãnh đạo.

Suy cho cùng, lễ hội thể hiện một phần đẳng cấp văn hóa và trình độ của nhà tổ chức - rộng hơn của cả một dân tộc.

Nguyễn Văn Mỹ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.