Két sắt ký sự - Kỳ 1: Đường dẫn từ két sắt

09/04/2011 09:02 GMT+7

Bên trong chiếc két sắt không chỉ có tài sản mà còn có cả những bí mật. Nó trở thành miếng mồi thơm cho nhiều tên tội phạm. Xung quanh chiếc két sắt có không ít câu chuyện ly kỳ.

Để mở cánh cửa thép dày cộp dẫn vào tầng hầm chi nhánh Ngân hàng Société Générale tại thành phố Nice (Pháp), hai chiếc chìa khóa phải được tra vào hai ổ khóa đặt ở những vị trí khác nhau. Société Générale đã rất tự hào về biện pháp an ninh độc đáo của mình.

Vụ trộm bí ẩn

Nhưng người chủ ngân hàng không ngờ những tên trộm vẫn tìm ra cách đột nhập tầng hầm mà không cần phải đi qua cánh cửa thép kiên cố. Một buổi sáng đầu tuần, hai nhân viên ngân hàng thong thả đi dọc cầu thang dẫn tới cánh cửa thép vào tầng hầm, nơi đặt những chiếc két an toàn của khách hàng. Họ cùng tra chìa khóa vào ổ khóa nhưng thay vì mở ra cánh cửa thép vẫn trơ trơ.

 
Nhân viên ngân hàng công bố danh sách nạn nhân trong vụ cướp Ngân hàng Buenos Aires, Argentina - Ảnh: MSN

Trong suốt nửa giờ sau đó họ thử lại hai lần nữa nhưng không có kết quả. Một tốp thợ khóa được cử đến sau đó cũng nói rằng không thể mở được cánh cửa. Họ kiểm tra bản thiết kế ngân hàng để tìm ra vị trí bức vách ngân hàng mỏng nhất và đề nghị khoan một lỗ xuyên qua bức tường ximăng để nhìn vào bên trong.

Sau hai giờ, nhóm thợ khóa cũng khoan thủng bức tường. Bức tường dày đến nỗi cái lỗ trông như một đường hầm. Một thợ khóa nhìn vào bên trong căn hầm và trông thấy cảnh tượng rất hỗn độn: những cái két nghiêng ngả, giấy tờ, trang sức vung vãi khắp nơi. “Ngân hàng đã bị trộm!” - người thợ khóa thông báo. Cánh cửa vào tầng hầm đã bị bọn trộm hàn lại từ bên trong nên không thể mở được.

Cảnh sát ngay lập tức được phái đến. Và chẳng bao lâu họ phát hiện một đường hầm được đào xuyên qua bức tường bêtông thông với một đường cống thải chạy sát tầng hầm của ngân hàng. Những tấm séc, ngân phiếu, thư tình và rất nhiều thứ mà chủ nhân của chúng muốn cất giấu... rơi ra từ những két sắt. Cảnh sát không phát hiện thêm bất cứ manh mối nào về bọn trộm ngoài dòng chữ mà chúng viết nguệch ngoạc lên vách tầng hầm: “Không vũ khí, không bạo lực, không thù ghét”. Bọn chúng không để lại dù một dấu vân tay.

Khi những thông tin về vụ cướp lan ra ngoài, người ta đã đưa ra vô số lời đồn đoán. Thủ phạm chính là một nhóm mafia Ý, tội phạm Ả Rập... Cảnh sát còn nhận được một thông báo từ Mỹ nói rằng kẻ cầm đầu vụ trộm đã xuất hiện ở Mỹ. Thậm chí một người đàn ông còn tuyên bố anh ta có bản danh sách tên những kẻ tham gia vụ trộm và yêu cầu cảnh sát trả 1 triệu franc để có bản danh sách.

Chiếc đồng hồ giúp sức

Tuy nhiên mọi thứ chỉ được sáng tỏ khi cảnh sát đến kiểm tra một biệt thự theo yêu cầu của một phụ nữ. Chồng chị này được một người bạn nhờ trông nom căn biệt thự khi họ đi vắng, nhưng chiếc chìa khóa để mở cửa căn biệt thự thường để trong một ngăn kéo đã biến mất.

Khi cảnh sát đến, họ phát hiện bốn người đàn ông đang ở bên trong. Những người này nói họ được chủ nhà cho mượn chìa khóa để mở tiệc. Chồng của chị phụ nữ trên sau đó đã gọi điện thoại cho cảnh sát để xác nhận câu chuyện. Cảnh sát chỉ lấy tên của họ rồi đi nhưng đã nghi ngờ.

Căn biệt thự nằm ở một khu vực hẻo lánh rất thuận lợi cho một băng cướp ẩn náu. Những bình khí oxy, bao tay và rất nhiều mảnh vỡ vứt lăn lóc trong ngôi biệt thự. Chủ nhân của nó lại biến mất ngay sau khi vụ cướp xảy ra. Cảnh sát kiểm tra những cái tên đã ghi lại và nhận ra đây chính là bốn tên trộm trong vụ trộm két sắt ở ngân hàng Société Générale nhưng không có bằng chứng để kết tội.

Tuy nhiên vận may đã đến. Cảnh sát phát hiện một trong số bốn người đàn ông đã bán đi một số thỏi vàng. Số xêri trên những thỏi vàng ấy chính là số xêri của những thỏi vàng đã bị lấy cắp trong vụ trộm Ngân hàng Société Générale. Cảnh sát còn thu được thông tin từ một gái gọi cao cấp khai rằng bạn trai của cô gần đây đã kiếm được rất nhiều tiền từ một mẻ trộm lớn. Bốn tên trộm đã bị tóm gọn ngay trong hang ổ của chúng.

Sau khi thẩm vấn nhóm tội phạm, cảnh sát đã có câu trả lời. Kẻ cầm đầu Albert Spaggiari đã lên một kế hoạch hoàn hảo và tinh vi cho vụ trộm trên ngay sau khi phát hiện hệ thống đường cống chạy sát tầng hầm của Ngân hàng Société Générale. Hắn thuê một két sắt tại ngân hàng và để vào trong két một đồng hồ được cài giờ báo thức vào nửa đêm để dò xem ngân hàng có hệ thống báo động nối đất hay không.

Thực tế là đã không có bất cứ hệ thống báo động nào cho tầng hầm ngân hàng, bởi người chủ của nó tự tin tầng hầm đã được thiết kế quá vững chắc và không thể xâm nhập được. Albert đã hợp tác với một băng nhóm tội phạm chuyên nghiệp để đào một đường hầm suốt hai tháng. Và trong đợt ngân hàng đóng cửa dài ngày nhân dịp Quốc khánh Pháp, băng trộm đã lọt vào tầng hầm.

Chúng có dư thời gian để mở 400 két sắt an toàn trong hầm, lấy đi khối tài sản ước tính 60 triệu franc. Bọn chúng hàn cánh cửa vào tầng hầm từ bên trong và thậm chí có thời gian nghỉ ngơi, ăn một bữa ăn với patê và rượu vang. Những kẻ trộm đã trở nên nổi tiếng. Vụ cướp của chúng đã được đưa vào bộ phim bom tấn của Hollywood The bank job và được ghi lại trong những cuốn sách về những vụ trộm nổi tiếng nhất.

Miệng hầm trong... két sắt

Nhiều băng trộm cũng đã áp dụng phương pháp đào hầm để đột nhập các ngân hàng. Những vụ trộm do chúng gây ra khiến không ít ngân hàng lao đao. Một toán trộm đã đào một đường hầm dài hơn 30m với cả hệ thống thông khí và chiếu sáng dẫn vào trung tâm Ngân hàng Banco Provincia tại Buenos Aires, Argentina. Vụ đột nhập trên được lên kế hoạch vô cùng hoàn hảo và chính xác. 130-140 két sắt trong số 1.048 két sắt của khách hàng đã bị khoắng sạch.

Ba tên trộm đã thực hiện vụ đột nhập vào đêm giao thừa bởi chúng biết ngân hàng sẽ đóng cửa nghỉ dài ngày trong dịp này. Để chuẩn bị cho phi vụ này, chúng đã thuê hẳn một cửa hàng bên cạnh và kiên trì đào một đường hầm dài gần 9m dẫn đến khu vực cất giữ két sắt an toàn của ngân hàng suốt nửa năm trời.

Toán trộm đã chui theo đường hầm có đường kính khoảng 1m để đột nhập ngân hàng. Trong thời gian bọn trộm đột nhập ngân hàng, hệ thống báo động của ngân hàng đã rung lên khoảng hai lần nhưng 33 viên cảnh sát được cử tới hiện trường không tìm thấy điều gì lạ trước cửa ngân hàng. Họ không thể vào trong ngân hàng để kiểm tra nên không thể ngờ bọn trộm đang đào một đường hầm để vào bên trong. Cẩn thận hơn họ thậm chí còn cắt cử một viên cảnh sát ở lại cho đến khi nhân viên ngân hàng có mặt để làm việc vào sáng hôm sau.

Tuy nhiên, nếu vào thời điểm đó cảnh sát có vào bên trong ngân hàng để kiểm tra cũng khó phát hiện vụ đột nhập. Đường hầm đã được che giấu một cách hoàn hảo và lãnh đạo ngân hàng cũng phải mất một thời gian mới tìm được miệng hầm, bởi đường hầm được thông với một cái két sắt khóa kín...

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.