Tiết kiệm trước “bão giá”

09/04/2011 00:12 GMT+7

Bắt đầu từ 1.5.2011, mức lương tối thiểu tăng từ 730.000đ lên 830.000đ. Với người lao động và công nhân viên chức, người về hưu thì được tăng lương ai chả mừng! Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, cái tin báo lương tăng lại đi kèm với nỗi lo: vật giá tăng theo. Với đà tăng giá từ đầu năm tới nay, người ta đã gọi một cách ấn tượng là “bão giá”.

Khi giá xăng dầu tăng, lập tức giá các mặt hàng khác, có những mặt hàng chả dính gì tới xăng dầu, cũng tăng, và người ta gọi hiện tượng ấy là “té giá theo… xăng”. Nhưng ngẫm ra, vai trò của xăng dầu trong nền kinh tế là cực kỳ quan trọng, nên một khi xăng dầu tăng giá kéo theo các mặt hàng khác đồng loạt tăng theo, cũng là chuyện hiểu được.

Còn lương tăng thêm 100.000đ cho một đơn vị lương cơ bản mà kéo được giá tăng theo mới là chuyện đáng suy nghĩ. Vì nếu xét lương của một công chức trung bình, thì tăng lương như thế chỉ thêm được ba hay bốn trăm nghìn đồng/tháng - một số tiền khá nhỏ nhoi trong thời giá hiện tại. Có thể số người ăn lương lên tới con số hàng triệu, nhưng lương tăng như thế chưa đủ để… giá phải tăng theo.

Vậy mà chúng ta thấy, ngay trước ngày 1.5 này, giá cả các mặt hàng đã (và sẽ) rục rịch tăng theo… lương.

Để bình ổn giá, Nhà nước đã có nhiều chính sách cụ thể, nhưng phải nói, bình ổn giá trong thời điểm này không phải chuyện dễ. Cứ như hôm rồi, chỉ cần vài cái tin đồn thất thiệt là người ta ùn ùn đổ đi mua xăng vì nghe đâu xăng sẽ tăng giá lên 25.000đ/lít. Mới là tin đồn mà đã có bất ổn, điều đó cho thấy việc bình ổn giá khó khăn như thế nào!

“Tiết kiệm là quốc sách”. Hồi trước chúng ta nghe câu này như một khẩu hiệu. Bây giờ thì phải coi nó như một phương châm hành xử của một quốc gia, và của từng gia đình, từng người một.

Trước “bão giá” chưa thể kiềm chế, thì tiết kiệm trong mọi lĩnh vực là lời giải khả thi nhất cho một bài toán khó. Nhưng muốn tiết kiệm thì phải bắt đầu từ ý thức, từ hành vi, chứ không thể từ những khẩu hiệu. Có những động tác nếu thực hiện quen tay thì sẽ, hoặc là tiết kiệm, như tiện tay tắt công tắc điện hay máy điều hòa nhiệt độ; hoặc là lãng phí, như “tiện tay” bật các các công tắc này rồi… quên luôn. Đi chợ hay siêu thị, có thể “sướng tay” mà chọn mua thêm mấy mặt hàng, cũng có thể “run tay” mà cân nhắc, cái gì thật thiết yếu thì mua, chưa thật thiết yếu thì thôi.

Với các cơ quan nhà nước cũng xảy ra tình trạng như vậy cho việc tiết kiệm hay là lãng phí. Bây giờ, không còn lựa chọn nào khác, tiết kiệm phải đi vào cuộc sống hằng ngày, và ở tất cả các khu vực trong xã hội. Ngay cả chuyện đi họp của các quan chức, có lẽ cũng nên tiết kiệm, chứ cứ họp liên tu bất tận như lâu nay thì thật… lãng phí. Và đã có địa phương áp dụng phương thức để các quan chức đi chung xe mỗi khi họp hành hay công tác tới cùng một địa điểm. Khi cần thì bí thư với chủ tịch đi chung xe càng tốt, càng dễ trao đổi công việc, chứ sao!

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.