Tìm giải pháp tẩy độc dioxin

09/04/2011 07:51 GMT+7

(TNO) Đây là một trong những nội dung quan trọng tại cuộc họp giữa Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội và Nhóm Đối thoại Việt - Mỹ về chất độc da cam/dioxin được tổ chức tại Đồng Nai hôm 8.4.

Theo nghiên cứu công bố tại hội thảo, khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó 60% là chất da cam được chứa tại kho của sân bay Biên Hòa (Đồng Nai), trước khi đem rải xuống chiến trường miền nam trong chiến dịch Ranch Hand. Qua phân tích các mẫu cho thấy nồng độ dioxin tìm thấy tại sân bay Biên Hòa đã tăng cao hơn nhiều lần so với tiêu chuẩn VN.


Nhóm đối thoại trực tiếp khảo sát "vùng nóng" dioxin tại sân bay Biên Hòa - Ảnh Kim Cương

Tại khu Z1 (ở các hồ của khu phía tây sân bay), dioxin đã lan tỏa trong môi trường, xâm nhập vào các hệ sinh thái thủy sinh. Bà Huỳnh Thị Nga, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết: "Sân bay Biên Hòa là “vùng nóng”, chịu ảnh hưởng của 9 triệu lít chất độc hóa học, trong đó có 5 triệu lít chất da cam. Đặc biệt, tại khu vực các xã Hiếu Liêm, Mã Đà (H. Vĩnh Cửu), từ năm 1965-1970, không lực Hoa Kỳ đã tiến hành 276 phi vụ rải chất độc hóa học. Tại sân bay Biên Hòa, do đặc thù là sân bay quân sự nên tập trung nhiều bãi chứa, kho tàng trữ. Hơn nữa, ở đây còn là nơi xuất phát của máy bay quân sự đi phun rải, tẩy rửa máy bay sau khi phun chất độc... nên đến nay khu vực này tồn lưu dioxin rất cao, lan tỏa ra các vùng phụ cận, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân."

Người dân phải dừng ngay việc chăn nuôi gà vịt, cá và gia súc ở khu vực sân bay Biên Hòa để tránh chất độc lan tỏa từ vật nuôi sang con người sau khi ăn

Ông Thomas Boivin, Công ty Hatfield Consultants

Ông Thomas Boivin, thuộc Công ty Hatfield Consultants khuyến cáo, nồng độ dioxin trong cá và các loại gia súc, gia cầm chăn nuôi trong khu vực sân bay Biên Hòa rất cao. "Nên cần phải tiến hành khẩn trương công tác tẩy rửa, tiêu huỷ chất độc da cam/dioxin. Mặt khác, người dân phải dừng ngay việc chăn nuôi gà vịt, cá và gia súc ở khu vực sân bay Biên Hòa để tránh chất độc lan tỏa từ vật nuôi sang con người sau khi ăn", ông Thomas Boivin phát biểu. 

Tiến sĩ Charles Bailey (đại diện cho quỹ Ford về chất độc da cam/dioxin) cho rằng, các nghiên cứu về tác hại của dioxin lên con người đã rõ. Vấn đề hiện nay là kêu gọi nguồn lực từ các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, cộng đồng, làm sao cung cấp những dịch vụ tốt nhất để chăm sóc cho nạn nhân da cam và giải quyết các vấn đề dioxin xung quanh sân bay Biên Hòa.

Cuộc họp đưa ra mục tiêu, từ nay đến năm 2019, cố giắng huy động 300 triệu USD để làm sạch vùng ô nhiễm dioxin ở VN và giúp đỡ nạn nhân da cam. Đồng thời, tuyên truyền tạo sự đồng thuận rộng rãi trong dư luận Mỹ, giải quyết các vấn đề da cam tồn đọng giữa 2 nước Việt - Mỹ. Chính phủ Mỹ nên đóng vai trò chính trong việc đáp ứng những chi phí cho việc giải quyết hậu quả chất độc da cam/dioxin ở VN...

Kim Cương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.