Kỹ sư Lê Văn Tạch: “Biết sai mà không nói là có tội...”

10/04/2011 14:22 GMT+7

Đó là tâm niệm của người kỹ sư cơ khí làm việc cho Toyota VN khi tố giác các lỗi kỹ thuật của hãng xe có tiếng này.

Mãi đến khi lãnh đạo Công ty ôtô Toyota Việt Nam (TMV) thừa nhận những lỗi xảy ra trong quá trình sản xuất ôtô và cơ quan chức năng vào cuộc, cả gia đình kỹ sư Lê Văn Tạch - người tố giác ba lỗi kỹ thuật trong sản xuất ôtô của TMV đến cơ quan chức năng - mới cất được hòn đá tảng đè trên ngực.

Với những việc của mình, ông Tạch cho rằng những người làm kỹ thuật thấy các lỗi đó không được khắc phục thì sẽ tố giác nếu có lương tâm và trách nhiệm với khách hàng của mình.


Kỹ sư Lê Văn Tạch giải thích sự hoạt động của hệ thống phanh bánh sau xe Innova nếu áp suất xilanh phanh bánh sau quá mức - Ảnh: T.Phùng

“Chất lượng là số 1, khách hàng là trên hết”

“Đó là khẩu hiệu được treo ở TMV, nhưng sau hơn hai tháng tôi báo cáo lên lãnh đạo công ty những sai sót trong sản xuất mà họ vẫn không khắc phục nên tôi nghĩ phải để khách hàng được biết” - ông Tạch nói lý do khi gửi thông tin về các lỗi của TMV đến Cục Đăng kiểm và cơ quan truyền thông.

Đã làm ăn thì phải đúng luật chứ không thể vì tiết kiệm bằng mọi cách để giảm chi phí, dẫn đến sản phẩm mất an toàn với người tiêu dùng

Kỹ sư Lê Văn Tạch

Nếu không gặp trực tiếp, không nghe ông Tạch bộc bạch, ít ai có thể hình dung được người kỹ sư chuyên lập quy trình lắp ráp cho các dự án xe mới, hỗ trợ bộ phận sản xuất điều tra nguyên nhân gây ra lỗi chất lượng xe của TMV lại có thể chọn hành động mà nhiều người gọi là “chấp nhận hi sinh” này. Tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội, tám năm làm việc cho TMV, thạo tiếng Anh để hiểu, triển khai được những tiêu chuẩn, quy trình trong sản xuất nhưng nhìn dáng dấp, cách ăn nói của ông vẫn thẳng thật, phơi bày ruột gan như tâm tính của một người dân quê.

Theo ông Tạch, sau khi bộ phận kiểm tra chất lượng trong công ty phát hiện lỗi trên những xe đã lắp đặt xong, công ty đã thành lập một nhóm các kỹ sư thuộc nhiều bộ phận kiểm tra các vấn đề cũng như quy trình sản xuất. Trong đó ông Tạch nhận nhiệm vụ đánh giá điều kiện lắp đặt thiết bị trong nhà máy. Vì vậy, hai lỗi áp suất dầu phanh của xilanh phanh bánh sau quá tiêu chuẩn và bulông chân ghế bị giảm lực siết đã được nhóm kiểm tra phát hiện. Lỗi bulông chân ghế bị siết được phát hiện ngày 19-1-2009 và lỗi áp suất dầu phanh ở xilanh phanh bánh sau cao hơn tiêu chuẩn được phát hiện ngày 24-11-2010. Riêng lỗi bulông camber được siết khi xe không ở trạng thái tiêu chuẩn được ông Tạch phát hiện nguyên nhân vào ngày 11-10-2006.

Kể từ đó, nhiều thư từ, văn bản đề nghị khắc phục lỗi đã được ông gửi đến lãnh đạo các bộ phận sản xuất, công ty và thông qua các cuộc họp. Tuy nhiên, mong muốn triệu hồi sản phẩm để sửa chữa của ông vẫn không được thực hiện. Và trong quá trình này, theo như ông nói, bản thân ông cũng bị cấm tham gia điều tra và nhận được những lời đe dọa bóng gió từ cấp quản lý người Việt trong công ty. Ông Tạch than thở: “Dù khẩu hiệu “Mắt thấy, tai nghe” được dùng làm quy định kiểm tra sản phẩm cũng như lỗi kỹ thuật, nhưng lần cuối cùng là ngày 27-12-2010 tôi tiếp tục gửi thư đến tổng giám đốc TMV nhưng lãnh đạo cao nhất của nhà máy cũng không đến kiểm tra xem lỗi đó nằm ở bộ phận nào, xảy ra trên xe nào”.

Thất vọng nhưng vẫn hết lòng với công ty, ngày 17-2-2011 ông Tạch tiếp tục gửi thư đánh động tới lãnh đạo công ty một lần nữa và cảnh báo: Nếu công ty không có động thái tích cực sẽ công bố thông tin cho công luận. Lãnh đạo TMV vẫn im lặng và ông không còn cách nào khác...

“Việc tôi làm không có gì ghê gớm”

Ủng hộ việc con làm

Xem truyền hình thấy con tố giác sai phạm của TMV, bác Lê Đức Tân - bố ruột ông Tạch - tức tốc từ quê Nam Định về gặp con trai. “Câu đầu tiên bố hỏi con là làm thế vì động cơ gì, ăn chia không đều, không thăng tiến được hay sao?”. Được giải thích, bác Tân vẫn không tin mà tiếp tục đi gặp một người bạn thân của ông Tạch đang làm quản lý ở TMV để tìm hiểu. Sau cuộc gặp, bác Tân yên tâm và dặn dò con trước khi trở về quê: “Nếu sự việc đúng như vậy thì bố ủng hộ việc con làm vì đó là việc tốt cho nhiều người. Đến giờ thì bố mẹ không ngăn được con nữa, chỉ mong con tĩnh tâm, giữ sức khỏe và phản ảnh thông tin chính xác, đúng sự thật”.

Lo lắng, hoang mang khi chồng thông báo sẽ tố giác lỗi của TMV nhưng bà Nguyễn Thị Kim Chung - vợ kỹ sư Lê Văn Tạch - vẫn quyết định ủng hộ chồng sau khi hiểu thấu mục đích của ông.

Bà Chung cho biết: “Cả tháng trời thấy chồng đi làm về lại âm thầm vào phòng làm việc ngồi tới khuya. Vài ngày trước khi công bố thông tin ra dư luận anh ấy mới cho tôi biết. Nghĩ chồng mình phận làm công ăn lương, nói ra lại ảnh hưởng cả mình lẫn công nhân nhà máy. Nhưng sau khi được chồng phân tích và tôi thức hai đêm để đọc tài liệu kỹ thuật của chồng, đến lúc hiểu thì quyết định ủng hộ chồng. Yêu nhau bốn năm, cưới nhau được hơn bốn năm tôi hiểu tính chồng mình. Tâm niệm của anh ấy là: biết sai mà không nói là có tội”.

Trong những ngày này, người quen, bạn bè gặp bà Chung ai cũng bảo chồng bà dại. “Họ bảo công việc đang tốt thế lại không giữ mà làm. Dù việc anh ấy làm là tốt cho xã hội nhưng thiệt cho mình” - kể lại thế nhưng sau những lo lắng, bà cũng trở nên dũng cảm hơn. “Dù anh ấy là trụ cột trong nhà nhưng tôi không còn sợ chồng bị mất việc. Có sức lao động thì việc gì cũng làm được. Chỉ mong chồng không bị ảnh hưởng xấu tới tâm lý nếu xảy ra trường hợp bị mất việc” - bà Chung nói.

Chia sẻ với vợ, ông Tạch cho biết: “Cũng nghĩ đến trường hợp bị mất việc khi đang là trụ cột của gia đình, tôi phải thuyết phục vợ mãi mới được ủng hộ. Nhưng đến nay thì tôi vui vẻ, không ân hận với việc mình làm. Hiện giờ tôi vẫn đi làm bình thường, trong công ty chưa ai phán xét gì nhưng tôi cũng đã chuẩn bị tâm lý trong trường hợp sau này bị cô lập và phải chuyển việc”.

Vui vì dư luận ủng hộ, TMV đã thừa nhận lỗi trước công luận và cơ quan quản lý nhưng đến thời điểm này ông Tạch vẫn bị không ít dị nghị. “Có người bảo tôi làm vậy là do bức xúc riêng với công ty, có người xúi giục. Nhưng nói thật tôi không hề có tư thù trong việc này dù trong công việc ai cũng có những khúc mắc, những lúc không hài lòng. Có người còn bảo nếu cho thằng Tạch làm quản lý thì công ty đã không bị vụ này. Tôi chỉ cười chứ chẳng biết nói sao cho người ta hiểu lòng mình...”.

Nhưng cũng có nhiều người khen ông Tạch như một người hùng. Nghe thế, ông chỉ cười và nói: “Việc tôi làm không có gì ghê gớm, mọi người nên nhìn nhận nó bình thường. Việc này sẽ gây hậu quả cho công ty (TMV) lớn nhưng không lớn bằng nếu không khắc phục và gây hậu quả cho khách hàng. Không biết thì thôi nhưng người làm kỹ thuật là dễ nhận thấy lỗi kỹ thuật và lo lắng nhất. Ai có lương tâm cũng hành động như tôi thôi”.

Người ít nói

Ông Nguyễn Quang Trung - tổ trưởng tổ dân phố số 1, phường Hùng Vương, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc - nói: “Trong năm năm sống ở đây, gia đình ông Lê Văn Tạch chưa để xảy ra điều tiếng, xích mích với ai. Ông Tạch là người ít nói và hiền lành, dù sống cùng tổ dân phố nhưng mọi người ở đây xem truyền hình, đọc báo về việc xe Toyota bị lỗi mới biết là do ông Tạch phát giác. Tôi nghĩ, nếu ông Tạch bị đe dọa, chính quyền địa phương chắc chắn sẽ vào cuộc quyết liệt để bảo vệ công dân tốt”.

Sở dĩ ông Trung nói đến chuyện này là bởi bác Nguyễn Thị Chanh - mẹ vợ ông Tạch - cho biết: “Hôm trước đi chợ nghe công nhân nhà máy nói với nhau rằng nếu 30-4 này mà không có tiền thưởng thì đánh thằng Tạch một trận nên tôi cũng thấy lo”.

Kỹ sư Lê Văn Tạch sinh năm 1976 tại Hải Hậu, Nam Định. Tốt nghiệp kỹ sư cơ khí ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2002. Sau khi ra trường, ông Tạch làm công việc quản lý thiết bị khoan thủy lực ở một công ty tại Hà Nội. Tháng 3-2003 về làm việc tại TMV đến nay. Ông kết hôn với bà Nguyễn Thị Kim Chung (sinh năm 1980) năm 2006. Bà Chung đang là y sĩ công tác tại phòng khám bệnh Bệnh viện Đa khoa Phúc Yên (Vĩnh Phúc). Con gái đầu của hai người được 3 tuổi rưỡi, con trai thứ hai 1 tuổi rưỡi. Khi được hỏi về thu nhập, ông Tạch cho biết: “Lương tôi được 12 triệu đồng/tháng, cả phụ cấp nữa là 15 triệu”.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.