Thường xuyên nôn ói sau ăn là trường hợp bệnh nhi 12 tuổi nhưng chỉ nặng 15 kg mà khoa Ngoại tổng hợp (Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM) tiếp nhận gần đây. Bệnh nhi gặp tình trạng trên từ lúc còn rất nhỏ, do vậy khiến em biếng ăn và thường bị viêm phổi tái đi tái lại, không tăng cân. Thời gian gần đây em hay bị khó nuốt, nuốt nghẹn, có lúc ói ra thức ăn cũ gần như còn nguyên, chưa tiêu hóa gì cả.
|
Trường hợp thứ hai là bé gái 9 tuổi vào Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) vì lý do không ăn được. Bệnh nhi này cũng bị tình trạng ăn vào là ói, chỉ nuốt được đồ ăn xay nhuyễn hoặc sữa. Bé cũng đang trong tình trạng gầy còm.
Ở trường hợp bệnh nhi 9 tuổi, sau khi loại bỏ một số yếu tố khiến trẻ ăn vào dễ nôn ói như teo thực quản (chỉ xảy ra ở trẻ sơ sinh), xáo trộn tiêu hóa, thì qua nội soi kiểm tra các bác sĩ phát hiện nguyên nhân chính là do trong thực quản của bé có một màng chắn, đây là bệnh lý cực kỳ hiếm gặp. Chiếc màng này chỉ có một lỗ nhỏ chưa đến 5 mm nên thức ăn không thể trôi xuống dạ dày, khiến bé phải nôn ra. Bác sĩ đã phẫu thuật cắt bỏ màng chắn này. Sau phẫu thuật, bệnh nhi đã ăn uống được, nhưng vẫn còn tái khám để theo dõi.
Còn trường hợp bệnh nhi 12 tuổi, qua chụp X-quang ngực, bác sĩ phát hiện bé bị chít hẹp thực quản ở vùng tâm vị (nơi nối giữa thực quản và dạ dày), bị giãn lớn toàn bộ thực quản đoạn trên chỗ hẹp, nên tiến hành phẫu thuật cắt bỏ đoạn thực quản bị hẹp. Khi mổ, bác sĩ thấy một đoạn 3 cm phần cuối của thực quản bị viêm dính nhiều, bị xơ, chít hẹp, lớp niêm mạc bị mủn ra, phía trên chỗ hẹp thực quản bị giãn to, niêm mạc bị viêm. Bác sĩ đã cắt bỏ đoạn hẹp, nối thực quản - tâm vị, tạo van chống trào ngược.
Trường hợp này, theo các bác sĩ là do biến chứng muộn của bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản, vì để quá lâu không chữa trị nên đưa đến hẹp thực quản, dẫn đến bé bị suy kiệt nặng do không ăn uống được. Bác sĩ khuyến cáo về các biểu hiện sớm của bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản cần biết đó là: trẻ hay ọc sữa sau khi bú, nhất là khi thay đổi tư thế trẻ; khó nuốt và đau (do viêm thực quản); trẻ hay quấy khóc, bú kém hay bỏ bú. Trẻ lớn hơn có thể kêu đau ngực, khó nuốt; trẻ hay bị ho, khò khè tái đi tái lại, hoặc bệnh kéo dài chữa không khỏi, và thường chậm lên cân.
Thanh Tùng
Bình luận (0)