Chân trần, chí thép: Câu chuyện của vị tướng - bác sĩ phẫu thuật

11/04/2011 23:20 GMT+7

(Sách của cựu trung tá thủy quân lục chiến Mỹ James G.Zumwalt - con trai Tư lệnh Hải quân Mỹ tại Việt Nam Elmo R.Zumwalt) Thiếu tướng Nguyễn Huy Phan có nhiều dịp chứng kiến tác động kinh khiếp của thương tích chiến tranh. Là một bác sĩ (BS) phẫu thuật vào năm 1953, ông tham gia cuộc chiến chống Pháp; từ 1964 đến 1975, ông chiến đấu chống Mỹ; và năm 1979, ông phục vụ trong cuộc xung đột biên giới với Trung Quốc.

Trong cuộc chiến với người Mỹ, ông Phan tổ chức và lãnh đạo đội ngũ y tế nghiên cứu đặc điểm của vũ khí hiện đại để qua đó quyết định phương pháp chẩn đoán và chữa trị thích hợp nhất đối với từng loại vết thương cụ thể. Kết quả là ông đã có một kiến thức khá độc đáo trong việc xử trí vết thương chiến trường. Cho tới ngày qua đời vào năm 1997, ông có một uy tín ở tầm thế giới trong lĩnh vực phẫu thuật tái tạo cơ quan sinh dục đàn ông.

Kinh nghiệm là người thầy vĩ đại. Nhưng thật không may cho cộng đồng y tế VN, phần lớn kinh nghiệm đó đều liên quan đến chiến tranh. Phan và các đồng nghiệp đầy quyết tâm của ông luôn tìm tòi để cải thiện kiến thức và kỹ năng mỗi khi có loại vũ khí mới gây ra thương vong trên chiến trường. Cách làm này rất hữu dụng sau khi Mỹ triển khai một loại vũ khí ghê sợ được gọi là “CBU”, hay bom bi. Mỗi quả bom bi chứa khoảng 300 mảnh sắt, mỗi mảnh có đường kính nhỏ dưới 5,5 mm. Khi phát nổ, quả bom bắn mảnh kim loại theo nhiều hướng khác nhau.

Ông Phan kể: “Với bom bi, chỗ mảnh bom găm vào nhỏ đến mức không thể thấy được. Do mảnh bom rất nhỏ nên vết thủng trên da cũng rất bé. Thế rồi chúng tôi đã tìm ra một cách rất đơn giản - bóp vào vùng da của người bị thương xem có máu hoặc hơi thoát ra không. Bằng cách đó, BS  tìm ra được vết thủng trên da...”.

Nhóm của ông Phan cũng phát hiện ra rằng không nhất thiết phải lấy tất cả mảnh bom khỏi cơ thể.

“Chúng tôi nhận thấy mảnh bom không gây nhiễm trùng”, ông Phan giải thích. “Vì thế chúng tôi để mảnh bom ở lại trong cơ thể người bị thương trong thời gian dài, đặc biệt là những mảnh bom nhỏ”.

Từng chữa trị thương binh trong cả hai cuộc chiến với Pháp và Mỹ, BS Phan nhận ra một sự thay đổi rất lớn về các loại vết thương: “Thời chống Pháp, vết thương chủ yếu do vũ khí nhỏ gây ra; nhưng trong cuộc chiến chống Mỹ, phần lớn do bom và tên lửa, và ở một chừng mực nào đó, từ đạn pháo. Số ca bị thương do vũ khí nhỏ gây ra ít hơn rất nhiều”.

Không chỉ chữa trị cho người VN, đội ngũ y tế của ông Phan còn trị thương cho lính Mỹ. Ông kể: “Tôi nhớ vào năm 1969 tới năm 1970, tôi có dịp phẫu thuật hai phi công bị bắn rơi máy bay ở miền Bắc... Một đơn vị quân y tiền phương mang hai phi công đến chỗ chúng tôi. Tôi nhớ cả hai đều bị gãy chân sau khi nhảy khỏi máy bay... Một người có lẽ bị bắn ở ngoại ô Hà Nội còn người kia được đưa đến từ một nơi xa hơn... Tôi gặp hai phi công và hỏi họ đã bị thương như thế nào cũng như đã được chữa trị ra làm sao. Tôi chuyển họ tới phòng chụp X-quang, rồi sau đó tiến hành phẫu thuật. Tiếp đó, họ được chuyển tới nhà tù Hỏa Lò, thường được biết đến với tên gọi Hilton Hà Nội”.

 
Cuộc gặp với thiếu tướng - GS Nguyễn Huy Phan đã giúp Zumwalt hiểu thêm về hoạt động y tế của VN trong chiến tranh - Ảnh: tác giả cung cấp

Kho vũ khí Mỹ cùng với những cơn mưa mảnh bom đã khiến nhiều nạn nhân nam giới bị loại thương tích đặc biệt - đứt dương vật. Dù loại vết thương này không đe dọa mạng sống nhưng nó khiến nạn nhân phải chịu đựng một sự đớn đau và thương tổn về tâm lý vô cùng nghiêm trọng. Tình trạng này đã thúc đẩy ông Phan tìm ra phương cách khôi phục lại dương vật cho nạn nhân. Ông giải thích: “Trong suốt cuộc chiến, tôi đã xây dựng một chuyên khoa để xử lý vấn đề này bởi có quá nhiều ca bị mất dương vật... Tôi dành nhiều tháng trời nghiên cứu. Sau đó, tôi thực hiện phẫu thuật tái tạo dương vật và các bộ phận khác của cơ quan sinh dục cho nạn nhân. Mục đích của việc phẫu thuật không chỉ là đem lại thẩm mỹ, mà còn tái tạo chức năng để về sau nạn nhân có thể có con cái. Sau khi được chữa trị, các nạn nhân đã cưới vợ và quan hệ tình dục bình thường. Tôi đã chia sẻ kinh nghiệm này với đồng nghiệp các nước. Năm 1979, tôi đã trình bày một báo cáo tại Paris nhân Hội nghị lần thứ 24 về phẫu thuật thẩm mỹ tái tạo của Pháp. Tới thời điểm đó, tôi đã thực hiện hai mươi lăm cuộc phẫu thuật tái tạo toàn bộ dương vật. Sau đấy, tôi phẫu thuật thêm mười ca nữa với kỹ thuật phức tạp hơn”.

Sau chiến tranh, vi phẫu để tái tạo cơ quan sinh dục trở nên dễ dàng - cho cả BS lẫn bệnh nhân. Ông Phan giải thích về kỹ thuật ngày trước: “Chúng tôi tái tạo dương vật bằng cách cắt một miếng ở thành bụng và cấy dây thần kinh từ tay. Chất liệu ở thành bụng và dây thần kinh sẽ được cấy vào khu vực sinh dục... Rồi sau đó cấy sụn vào để khôi phục cả hình dạng lẫn chức năng. Kết quả là bệnh nhân có thể đi tiểu đứng và quan hệ tình dục. Với sự phát triển của kỹ thuật mới thì điều này càng được thực hiện dễ dàng. Giờ đây, không chỉ khôi phục lại được dương vật mà còn cả khoái cảm nữa...”.

Trình độ phẫu thuật thẩm mỹ và tái tạo của BS Phan một lần nữa được chứng minh khi ông được giao nhiệm vụ làm thay đổi khuôn mặt của một cán bộ bí mật rất quan trọng trong chiến tranh VN, đó là Tư Mâu. Sau khi bị lộ ở miền Nam, Tư Mâu đã trốn thoát nhưng do nhiệm vụ đòi hỏi nên người ta đã quyết định tung ông trở lại miền Nam, sau khi đã được BS Phan phẫu thuật thay đổi ngoại hình (Phan kể rằng ông đã phải phẫu thuật hai lần đối với Tư Mâu, do sau lần thứ nhất, người chỉ huy vẫn còn nhận ra ông ấy).

Hai thế hệ trong gia đình BS Phan đều trải qua bi kịch của chiến tranh.

Trong cuộc chiến chống Pháp, ông cụ thân sinh của Phan dạy học ở Hà Nội, rồi lên Bắc Thái mở trường. Một ngày nọ, vào năm 1950, khi bố của Phan đang dạy học, một đại đội lính Pháp tiến vào làng. Giữa lúc đang cùng học sinh chạy trốn, ông đã trúng đạn từ máy bay Pháp. Ông và hai học trò chết ngay lập tức. Năm 1966, người em trai của Phan nhập ngũ. Là cha của một bé gái hai tuổi và một bé trai mới sinh, anh lao vào chiến trường. Một năm sau, anh hy sinh. Ông Phan đã mất 17 năm mới tìm thấy hài cốt của người em trai vào năm 1984 trên một vùng đồng hoang gần Đà Nẵng.

Ông Phan kể: “Hài cốt em tôi bị di dời tới ba lần trước khi chúng tôi tìm ra. Không phải là chuyên gia giám định pháp y, nhưng tôi nhanh chóng nhận ra những chiếc răng quen thuộc trong bộ hài cốt. Cậu ấy sau đó được đưa về Hà Nội. Vợ con cậu ấy rất vui khi tìm được chồng, cha. Cả họ và người em trai đã mất của tôi giờ đã thanh thản”, ông Phan nói.

Đỗ Hùng
(dịch và giới thiệu)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.