Giấc mơ tàu sân bay của Trung Quốc

11/04/2011 14:07 GMT+7

Hãng tin Tân Hoa Xã của Trung Quốc, ngày 6-4, tung ra 20 ảnh chụp một tàu sân bay đang trong giai đoạn hoàn thiện. Chú thích của những tấm ảnh nói rằng, việc lắp đặt sắp kết thúc và tàu sẽ được đưa vào sử dụng trong năm nay.

Ngoại giao 'hàng không mẫu hạm'

Danh sách các quốc gia sở hữu hàng không mẫu hạm sắp có thêm thành viên thứ 10 là Trung Quốc. Trước đó là Mỹ (11 tàu), Nga (1), Pháp (1), Anh (1), Brazil (1), Ý (2), Tây Ban Nha (2), Ấn Độ (1), Thái Lan (1).


Tàu sân bay Varyag của Trung Quốc. Ảnh: Xinhua 

Chẳng phải ngẫu nhiên mà các cường quốc đua nhau tìm cách sở hữu tàu sân bay. Năm 2010, mỗi khi các điểm nóng biển Hoàng Hải, biển Hoa Đông hay eo biển Đài Loan dậy sóng, người ta lại thấy sự hiện diện của các tàu sân bay Mỹ.

Cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton lúc đến thăm hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt đã tóm lược tầm quan trọng của các tàu sân bay như sau: “Tại Washington, khi nghe tin các cuộc khủng hoảng nổ ra thì không phải là vô ý khi câu hỏi đầu tiên từ miệng của mọi người là: chiếc hàng không mẫu hạm gần nhất của chúng ta ở đâu?”.

 

Và tất nhiên một quốc gia rộng lớn và đông dân, có nhiều tham vọng như Trung Quốc không thể nằm ngoài “Cuộc đua hàng không mẫu hạm”. Nhưng đây là lần đầu tiên truyền thông nhà nước Trung Quốc công khai nói về tàu sân bay Varyag, nặng 67.000 tấn, được mua lại từ Ukraine năm 1998 trong dự án xây dựng tàu sân bay đầu tiên cho Trung Quốc. Tân Hoa Xã lần này chẳng úp mở gì mà nói rõ, vị trí con tàu đang neo đậu chờ hoàn tất việc lắp đặt thiết bị là một xưởng đóng tàu ở thành phố Đại Liên thuộc tỉnh Liêu Ninh.

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (trụ sở đặt tại Hong Kong) bình luận rằng, như vậy, giấc mơ dài 70 năm về việc sở hữu hàng không mẫu hạm của Trung Quốc sắp thành sự thật. Việc công khai con tàu thông số và ảnh chụp Varyag diễn ra giữa lúc Học viện Quốc phòng Nhật Bản công bố báo cáo chiến lược thường niên, trong đó nói rằng ảnh hưởng của các tướng lĩnh Trung Quốc đối với chính sách quân sự đang sụt giảm.

Hồi tháng 1 đã xuất hiện một số bức ảnh chưa rõ nguồn gốc trên các diễn đàn quân sự online của Trung Quốc, úp mở về loại máy bay chiến đấu được nói là có khả năng tàng hình mang tên J-20, lúc ấy cũng đang được thử nghiệm và hoàn thiện tại tỉnh Tứ Xuyên. J-20 lộ diện chỉ vài ngày trước chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tới Trung Quốc.

Các chú thích ảnh của Tân Hoa Xã nói việc lắp đặt thiết bị trên tàu Varyag theo nhu cầu của quân đội Trung Quốc sắp hoàn tất sau hơn 10 năm sửa chữa, chỉnh trang. Tàu Varyag do Liên Xô thiết kế, tương tự hàng không mẫu hạm Đô đốc Kuznetsov mà Nga đang sử dụng.

“Giấc mơ kéo dài 70 năm về một tàu sân bay của Trung Quốc sắp trở thành hiện thực”, một chú thích trên Tân Hoa Xã viết, ám chỉ lời đề nghị phát triển tàu sân bay của hải quân Quốc dân đảng trong những năm 1940.

Bí mật mở

Trích tường trình mới nhất của tạp chí Kanwa chuyên về quốc phòng châu Á (trụ sở tại Canada), Tân Hoa Xã nói tàu sân bay Trung Quốc sẽ thực hiện các hải trình thử nghiệm trong năm nay sau khi hệ thống radar mới được lắp đặt. Andrei Chang, Tổng biên tập Kanwa, người được cho là đã theo dõi dự án tàu sân bay của Trung Quốc trong 20 năm, nói ảnh của Tân Hoa Xã về con tàu là những ảnh mới nhất mà ông được biết.

 

“Nhưng những tấm ảnh này (trên website của Tân Hoa Xã) đều xuất phát từ một số website về quân sự, do “những người tâm huyết với quân đội ở đại lục” chụp. Đây ít nhất cũng là lần thứ hai truyền thông nhà nước trích dẫn nguồn tư liệu từ internet, do “những người tâm huyết với quân đội” hoặc từ truyền thông ngoại quốc, để tái xác nhận các kế hoạch vũ khí mới của Bắc Kinh. Lần trước là vụ phi cơ J-20.

Ông Chang nói con tàu sẽ phải trải qua hải trình thử nghiệm, bao gồm thử hệ thống động cơ, ra vào cảng, chạy các quãng đường ngắn dài trong vòng 2 năm. “Sau 2 năm ấy, ít nhất cũng mất thêm 8 năm để thử nghiệm hệ thống radar, vũ khí, xếp dỡ, cất, hạ cánh máy bay cảnh báo sớm và những loại khác”, ông Chang nói.

Nhưng theo ông, đây sẽ là tiền đề để sau 10 năm nữa, Trung Quốc có thể phát triển các nhóm hàng không mẫu hạm của riêng mình. “Vì chiếc Varyag này được dùng vào mục đích tập luyện, có thể tàu sẽ được trang bị máy phóng phi cơ bằng từ trường hoặc hơi nước, thay vì hệ thống cất cánh phản lực với đường băng dốc như thiết kế ban đầu”, ông nói.

 

Kế hoạch phát triển tàu sân bay của Trung Quốc luôn được xem là “bí mật mở”. Ai cũng biết họ mua tàu cũ từ Ukraine về tân trang nhưng thậm chí Sách trắng quốc phòng lần thứ 7 của quân đội Trung Quốc mới được công bố tháng trước và những cuộc họp báo đi kèm không có dòng nào nói về con tàu Varyag.

Năm 2009, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, tướng Lương Quang Liệt, nói với người đồng cấp Nhật Bản rằng, Trung Quốc sẽ không thể là cường quốc không có tàu sân bay mãi được.

Tuy nhiên, tại cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh, khi được hỏi về những tấm ảnh tàu sân bay trên báo nhà nước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc không cho biết thêm chi tiết: “Hãy đi hỏi các cơ quan liên quan trực tiếp. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng, Trung Quốc theo đuổi phát triển hòa bình”.

Varyag bắt đầu được đóng từ tháng 12-1985. Tháng 12-1988, tàu được hạ thủy với tên gọi Riga. Năm 1990, tàu được đổi tên thành Varyag. Khi Liên Xô tan rã, tàu mới hoàn tất 60% và được chuyển giao cho Ukraine. Năm 1992, Trung Quốc mua lại của Ukraine với giá khoảng 100 triệu USD.

Từ năm 2002, tàu được đưa về cảng Đại Liên. Varyag được đổi thành Thi Lang - tên của đô đốc thủy binh nhà Minh đầu hàng nhà Thanh và giúp nhà Thanh chinh phục đảo Đài Loan vào năm 1681. Sau khi sửa chữa, Varyag có trọng tải khoảng 55.000 tấn (tàu sân bay USS George Washington của Mỹ tại Thái Bình Dương có trọng tải 100.000 tấn).

Theo tiêu chuẩn thiết kế, trọng tải của Varyag là 67.500 tấn. Varyag dài 302m, rộng 70,5m, cao 11m. Tốc độ thiết kế 32 hải lý/giờ (59km/h), có khả năng hoạt động độc lập 45 ngày với hải trình 7.000km. Thủy thủ đoàn đầy đủ gồm 1.960 người.

Tàu có khả năng mang 50 máy bay các loại, chủ yếu là tiêm kích Su-33 và Mig-29 (do Nga sản xuất) và máy bay trực thăng chống tàu ngầm hay trinh sát. Máy bay tiêm kích J-15 do Trung Quốc tự sản xuất có thể sẽ được đưa vào đội hình.

Theo Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.