Đổ xô vào rừng đào thảo dược

12/04/2011 23:10 GMT+7

Hiện nay ở vùng đông Trường Sơn (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) hàng ngàn người dân đang ráo riết vào các khu rừng già để tìm kiếm cây cốt toái bổ, một loại thảo dược quý.

Đổ xô đi tìm

Cây cốt toái bổ được người dân địa phương gọi là y-bet, hay còn gọi lan đuôi chồn, là một loại thảo dược phát triển ở độ cao trên 1.000 mét so với mực nước biển, trong điều kiện thời tiết quanh năm giá lạnh. Sau một ngày vào rừng săn lùng cốt toái bổ, người ít cũng được vài trăm ngàn, có người kiếm mỗi ngày 500 ngàn đồng. Thu được số tiền khá lớn, loại cây lại khá dễ tìm, nên người dân địa phương đổ xô đi tìm.          

 
Người dân bản địa vẫn thường ngâm cốt toái bổ vào rượu để uống chữa bệnh - Ảnh: Trùng Dương


Một "đầu nậu" đang thu mua loại cây này cho hay, mấy bữa trước có một người từ huyện Kon Rẫy (Kon Tum) đưa mẫu loại cây này đến cho xem và đặt hàng, sẵn sàng mua hết bất kể số lượng là bao nhiêu. Ban đầu giá chỉ 6.000 đồng/kg, nay đang tăng giá từng ngày. Hôm qua chị vừa bán hơn nửa tấn, chỉ vài ngày nay đã thu mua được số lượng chừng một tấn.

Theo các thương lái, mỗi ngày họ xuất ra khỏi địa phương số lượng lên tới cả tấn và toàn bộ số cốt toái bổ này đều được bán qua Trung Quốc.

Vị thuốc quý

Cốt toái bổ có tên khoa học là Polypodium fortunei O.Kuntze, họ dương xỉ (Polypodiaceae), cây mọc bám chắc vào các cây cổ thụ hoặc ở hốc đá sống dạng ký gửi. Loại cây này có các mắt giống như củ gừng, da màu vàng nâu, thịt hồng hồng.

Bác sĩ Đoàn Thị Tuần - Trưởng phòng Đông y Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum cho biết: Thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum vẫn sử dụng loại thảo dược này để chữa bệnh vì có tác dụng chữa hành huyết, chỉ huyết, trừ phong, bổ thận, chữa bong gân, gãy xương, chân tay mỏi, tê liệt và trị các chứng thận thấp, đau háng, đau xương.

Để sử dụng thì cần rửa sạch, cạo sạch lông, thái mỏng phơi khô rồi sử dụng, hoặc tẩm mật, tẩm rượu, sao qua thì sử dụng rất tốt. Nếu dùng tươi khi hái về bỏ hết lông tơ và các lá khô, rửa sạch giã nhỏ, bỏ một ít nước vào rồi nướng cho mềm, đắp lên các vết đau hay thận suy biểu hiện như đau lưng dưới, yếu chân, ù tai, điếc hoặc đau răng…

Khi nghe chúng tôi trình bày về giá cả, bác sĩ Tuần nói: “Tại Kon Tum chưa hình thành các cơ sở thu mua, nên cây dược liệu quý mà được bán với giá "bèo" như hiện nay thì rất lãng phí”.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Kon Tum Nguyễn Hữu Nho thì cho biết, chi cục sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng tiến hành kiểm tra, nếu đúng là dược liệu quý sẽ có biện pháp quản lý, bảo vệ và nghiêm cấm người dân ồ ạt đi săn tìm loại cây này trong thời gian tới.

Trùng Dương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.