Những trục trặc khi ngủ

12/04/2011 16:01 GMT+7

Ngoài chứng khó ngủ mà nhiều người hay mắc phải, thì còn có những trục trặc khác xảy ra trong giấc ngủ - có thể gây nguy hiểm hoặc phiền toái cho người... ngủ chung.

Ngáy

Tại buổi nói chuyện về căn bệnh này ở Trung tâm Chăm sóc sức khỏe cộng đồng (TP.HCM), bác sĩ Nguyễn Xuân Bích Huyên cho biết, có nhiều trường hợp đến bác sĩ để được tư vấn về tình trạng vợ (hoặc chồng) của mình ngáy quá to trong lúc ngủ. Theo bác sĩ Bích Huyên, có những nguyên nhân gây ngáy như: do di truyền (đường thở hẹp, bất thường cơ thể học); tuổi tác (từ trung niên trở lên hay mắc phải, càng lớn tuổi vùng họng càng hẹp, trương lực cơ vùng họng càng giảm); béo phì (dư mỡ bao quanh đường thở, làm đường thở bị hẹp lại); do thuốc lá (làm giãn các cơ vùng họng, gây sung huyết mũi và phổi); tư thế nằm (tư thế nằm ngửa làm giãn cơ vùng họng và làm tắc nghẽn đường thở); rượu và một số thuốc làm gia tăng độ giãn cơ vùng họng và lưỡi gây ngáy to hơn. Và tình trạng này gặp ở nam giới nhiều hơn phụ nữ.

 
Ngáy quá to khi ngủ sẽ gây phiền toái cho người cùng phòng - Ảnh: Shutterstock

45% trường hợp ngủ ngáy trên thế giới không có vấn đề gì, tuy nhiên, nếu ngáy to thì phải tư vấn ở bác sĩ, vì gây phiền toái cho người khác; nghiêm trọng hơn khi ngáy cộng với những cơn ngưng thở trong lúc ngủ.

Ngưng thở lúc ngủ

Ban đêm, các bệnh nhân mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ thường bị thiếu oxy và dư khí CO2 trong máu, do có nhiều đợt ngưng thở. Người ta nhận thấy, trong khoảng thời gian từ nửa đêm đến rạng sáng, đột tử do nguyên nhân tim mạch xảy ra trong 46% bệnh nhân có hội chứng ngưng thở lúc ngủ. 

Theo bác sĩ Bích Huyên, đây là một bệnh lý rất thường gặp, tuy nhiên đa số các bệnh nhân không biết mình mắc bệnh, mà chủ yếu do người ngủ chung phát hiện. Tần suất mắc bệnh ở nam là 4%, nữ 2%.

Có 3 loại ngưng thở trong lúc ngủ, gồm: ngưng thở do đường thở bị tắc nghẽn, khiến dòng khí đi qua mũi và miệng bị ngưng lại; ngưng thở khi tín hiệu điều khiển hô hấp từ não bị chậm lại trong các trường hợp tổn thương não; và ngưng thở hỗn hợp (gồm cả hai loại trên). Những dấu hiệu nhận biết mình bị ngưng thở trong lúc ngủ đó là: ngáy to; ngưng thở về đêm; giấc ngủ không yên; vã mồ hôi trong đêm; bật dậy trong đêm vì cảm giác ngộp thở; tiểu đêm nhiều lần; giảm ham muốn tình dục (đó là những biểu hiện xảy ra trong đêm). Còn biểu hiện ban ngày là: nhức đầu buổi sáng; buồn ngủ ban ngày quá mức; giảm trí nhớ; kém tập trung khi làm việc; triệu chứng trầm cảm; tính tình thay đổi.

Tác hại của hội chứng ngưng thở trong lúc ngủ là loạn nhịp tim; tăng huyết áp (30% bệnh nhân cao huyết áp có mắc hội chứng này trước đó); buồn ngủ ban ngày (dễ gây tai nạn). Nhưng, hậu quả nguy hiểm nhất là có thể đột tử trong lúc ngủ, đã có nhiều nghiên cứu gần đây chỉ ra mối liên hệ giữa hội chứng ngưng thở lúc ngủ với rối loạn nhịp tim trong việc gây ra đột tử trong đêm.

Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.