Thế nhưng, sau khi sửa chữa, gần 3 năm nay, nhiều thôn, buôn vẫn không có nước sạch để dùng, phải quay lại dùng nước suối. Thiếu nước sạch đã đem lại bao vất vả cho những thầy thuốc ở Trạm y tế xã Yang Mao. Y sĩ H’Brui Êban chỉ cho xem đường ống nước qua trạm đã bị bóc lên, vòi nước bị gãy từ lâu: “Mấy năm nay không có nước máy chảy nữa. Ở đây hằng ngày, cả bác sĩ, y sĩ, y tá, mỗi người trực đều phải thêm nhiệm vụ chở hai can nước 60 lít lấy từ giếng nhà dân cách đây hơn một cây số về dùng. Có khi phải nhờ người nhà bệnh nhân đem nước sạch đến trạm để phục vụ việc chữa trị bệnh”.
Trên ngọn đồi ở đầu buôn Tar có bể nước trung chuyển 30m3 bị bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm. Ông Ama Ly ở ngay chân đồi than thở: “Nhà cạnh bể nước này mà phải chịu cảnh đi lấy nước suối ở xa về dùng”. Theo ông Ama Ly, nước giếng trong buôn bị phèn, nhiều chất cặn rất khó dùng để ăn uống, người dân buộc phải dùng nước suối nhưng ai cũng lo ngại vì suối bị ô nhiễm bởi thuốc bảo vệ thực vật trôi xuống từ nương rẫy, rác thải, xác động vật chết…
|
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Mậu Quyết - Chủ tịch UBND xã Yang Mao - cho biết công trình sửa chữa nâng cấp hệ thống cấp nước của xã do Xí nghiệp đầu tư xây dựng nước và môi trường Đắk Lắk tư vấn thiết kế và một đơn vị khác thi công. Không rõ do sai sót ở khâu thiết kế hay thi công mà nhiều khu vực nước không còn chảy, hiện chỉ còn 2 buôn được cấp nước với số hộ dùng chưa đến 150 hộ, hơn 500 hộ bị “treo” nước sạch.
Mặt khác, khi đường Trường Sơn Đông được thi công qua xã này, một số đường ống bị hư hại nên không thể dẫn nước đến các khu dân cư. Xã đã báo cáo lên huyện nhưng vẫn chưa có phương án giải quyết. Theo ông Quyết, để khôi phục hoạt động cấp nước sạch cho người dân, không thể sửa chữa chắp vá công trình cũ mà phải có một dự án mới với thiết kế hoàn thiện hơn, tốn kém vài tỉ đồng. Điều này nằm ngoài khả năng đầu tư của một xã khó khăn ở vùng sâu như Yang Mao.
Trần Ngọc Quyền
Bình luận (0)