Biến nước bẩn thành nước sạch

15/04/2011 02:04 GMT+7

Mô hình “Xử lý nước ngầm bằng vật liệu lọc đơn giản ở nông thôn” của hai SV Nguyễn Ngọc Anh và Nguyễn Minh Tùng - ĐH Cần Thơ - đã giúp người dân vùng nông thôn có nguồn nước sạnh để sinh hoạt.

Mô hình này hướng dẫn người dân công nghệ xử lý nước ngầm quy mô hộ gia đình có khả năng loại bỏ được Ca2+, Mg2+, Na+, Fe2+, Mn2+, HCO3- ra khỏi nguồn nước ngầm đạt Quy chuẩn VN của Bộ Y tế. Mặt khác, công nghệ trên cũng đảm bảo được giá thành, dễ dàng vận hành và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của người dân ở khu vực nông thôn.

 

 Hai SV và mô hình mẫu Xử lý nước ngầm bằng vật liệu lọc đơn giản - Ảnh: T.V

Quy trình công nghệ khá đơn giản: nước bơm lên từ giếng, qua thùng chứa nước thô có sẵn vôi, không đậy nắp. Ống từ thùng chứa sẽ được chuyển xuống lọc tại giàn mưa là hệ thống rổ nhựa thưa đảm bảo hiệu quả làm thoáng. Nước sẽ tiếp tục chuyển đến thùng lắng cặn. Tại đây có một van xả cặn và van xả nước sang cột lọc nhanh. Cột lọc nhanh có ba lớp: lớp than lọc đến lớp cát lọc có lưới chắn cát bên dưới và đến lớp đá lọc với lưới chắn đá bên dưới. Chiều dày lớp cát, đá lọc, than là: 30, 20, 10 cm. Độ cao của bộ phận làm thoáng là 130 cm. Khi lưu lượng là 60l/giờ thì hiệu suất xử lý sắt là 97,57%, không phát hiện asen. Dưới đáy cột cũng có hai van xả cặn và xả nước sạch sinh hoạt nhưng van xả cặn luôn thấp hơn van xả nước.

 Công nghệ này kết hợp 3 phương pháp: loại bỏ sắt bằng cách làm thoáng, loại bỏ độ cứng bằng vôi (hoặc nhiệt), loại bỏ asen + kết với sắt. Tất cả các chất kể trên sẽ được chuyển hóa từ dạng hòa tan trong nước ngầm sang dạng kết tủa và được loại bỏ ra khỏi nguồn nước bằng phương pháp lắng và lọc. Trong đó, việc loại bỏ độ cứng sẽ được được chia làm hai trường hợp: nếu vào mùa mưa thì sẽ áp dụng phương pháp loại bỏ độ cứng bằng vôi, nếu vào mùa nắng hay khu vực có ánh sáng mặt trời chiếu xuống nhiều giờ mỗi ngày thì áp dụng phương pháp loại bỏ độ cứng bằng nhiệt. Tổng chi phí cho hệ thống hoàn chỉnh khoảng hơn 3 triệu đồng. Nếu như người dân có sẵn giếng khoan và máy bơm thì tổng chi phí cho hệ thống chỉ khoảng 1 triệu đồng”.

Ngọc Anh cho biết: “Mô hình thực nghiệm đã được thực hiện tại xã Mỹ An, H.Thạnh Phú, Bến Tre. Các mẫu nước giếng đầu vào và đầu ra được phân tích tại phòng thí nghiệm xử lý nước - khoa Môi trường và tài nguyên thiên nhiên của ĐH Cần Thơ.

Tuyết Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.