Chuyện kể rằng: Theo luật của người Hồi giáo thuở xưa, đàn ông không được xuất hiện ở các phiên chợ. Nhưng vào buổi sáng mùa xuân đẹp trời đầu thế kỷ XVII, đại lễ chợ Meena của đế quốc Moghol được phá lệ, tất cả đàn ông đàn bà, từ vua quan đến thứ dân đều được vào chợ vui chơi bình đẳng. Trong số khách tham dự có Hoàng tử Khuram, con trai của Jahangir, cháu trai Akbar, hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn, lúc ấy vừa tròn 16 tuổi. Tại chợ phiên Meena, chàng thanh niên tuấn tú, can đảm, viết chữ đẹp, hát hay và làm thơ giỏi đã phải lòng nàng Arjumand Banu Begam có vẻ đẹp mê hoặc, đa tài và chỉ kém chàng 1 tuổi. Ánh mắt vừa chạm nhau, cả hai cùng sững sờ, bất động rồi run rẩy trước tiếng sét của thần Tình ái... Lập tức Hoàng tử Khuram xin phép vua cha cưới nàng làm vợ nhưng các nhà chiêm tinh buộc chàng phải lấy công chúa Ba Tư và 5 năm sau mới được cưới Arjumand. Họ đã không được gặp nhau trong suốt thời gian dài. Mùa xuân 1612, Khuram cưới Arjumand và nàng có tên gọi mới là Mumtaz Mahal, nghĩa là “Người được yêu mến nhất trong cung điện”.
|
Sau hôn lễ, họ gần như không rời nhau nửa bước. 16 năm sau, hoàng tử Khuram lên ngôi vua của vương triều Mogol hùng mạnh và lấy hiệu là Hoàng đế Shah Jahan, có nghĩa là “Chúa tể thế giới”. Suốt 19 năm chung sống, hai người luôn sát cánh, gắn bó và yêu thương nhau hết mực, ngay cả lúc chiến trận. Năm 1630, lúc chinh phạt Khan Jahan Lodi, Shah Jahan mang Mumtaz Mahal theo cùng, dù nàng sắp đến ngày sinh nở. Công chúa Gauhana Begum bụ bẫm, mạnh khỏe ra đời nhưng Mumtaz Mahal đã kiệt sức sau lần sinh nở thứ 14! Nàng ra đi lúc vừa tròn 35 tuổi. Shah Jahan đau đớn, cho lui quân, đưa nàng về rồi ra lệnh xây một ngôi đền đồ sộ để tưởng nhớ. Tương truyền lúc sinh thời, Mumtaz Mahal từng mong ước Shah Jahan sẽ xây tặng nàng một công trình bất diệt với thời gian để chứng minh tình yêu vĩnh cửu của hai người. Chỉ vài đêm, tóc và râu Shah Jahan bạc trắng vì thương nhớ Mumtaz Mahal. Shah Jahan cho rằng “chính tình yêu của ta đã giết chết nàng”. Từ đấy, Shah Jahan không màng chính sự, dành phần đời còn lại của mình để thực hiện ước nguyện của Mumtaz Mahal, chăm sóc các hoàng tử, công chúa. Ông sống cạnh mộ nàng và không cưới thêm ai nữa.
Suốt 22 năm trời ròng rã, hơn 22.000 nhân công, các kỹ sư và nghệ nhân hàng đầu của các nước châu Á cùng hàng ngàn thớt voi đã làm việc cật lực cả ngày lẫn đêm, dồn mọi tâm huyết để hoàn thành công trình theo thiết kế của Ustad Ahmad Lahauri, kiến trúc sư giỏi nhất thời bấy giờ. Shah Jahan trực tiếp kiểm tra các loại vật liệu xây dựng. Đá cẩm thạch tận Rajasthan, thạch anh ở Punjab, ngọc bích và pha lê ở Trung Hoa cùng nhiều loại đá quý khác từ Tây Tạng, Sri Lanka, Ả Rập… Taj Mahal được UNESCO công nhận là kiệt tác kiến trúc, di sản văn hóa thế giới. Đó là hình mẫu tuyệt vời của kiến trúc Mogol - tổng hợp phong cách của Ba Tư, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Hồi giáo.
|
Sau khi hoàn tất công trình, Shah Jahan đã ra lệnh chặt tay tất cả những người tham gia xây dựng để thế gian không thể có Taj Mahal thứ hai. Tình yêu tột cùng dẫn đến sự ích kỷ mù quáng, man rợ. |
Cổng chính (Darwaza) là cấu trúc hoài niệm với mái vòm cẩm thạch, tương tự mái vòm của lăng, được trang trí bởi nhiều hoa văn theo kiểu phù điêu đắp nổi hoặc khảm. Điểm nhấn của Taj Mahal là lăng mộ cẩm thạch trắng trên một bệ lớn hình vuông. Vòm đá cẩm thạch trên mộ - “vòm củ hành”, đỉnh có hoa sen và các đường xoắn ốc kéo dài là điểm nhấn quang học. Trên cùng của hình chóp là mặt trăng khuyết theo mô típ Hồi giáo – giống hình đinh ba. Các đỉnh tháp có dạng củ hành như chén đựng nước thánh úp ngược của người Hindu. Các trang trí ở Taj Mahal được xem là đẹp nhất thời Mogol mà nổi bật là những dòng chữ Pishtaq nổi tiếng. Khổ chữ lớn dần từ thấp đến cao, tạo ảo giác bằng nhau, được viết bằng sơn, khảm đá hoặc khắc thẳng vào vách. Còn các đoạn kinh Koran trên tường được viết theo kiểu Thuluth – kiểu chữ đẹp và bay bướm do Amanat Khan tạo ra và được khảm bởi các loại đá quý rất tinh xảo. Giữa gian phòng rộng lớn của tầng hai là hai chiếc quan tài bằng cẩm thạch hồng nhạt, chạm khắc nhiều họa tiết cầu kỳ. Theo triết lý đạo Hồi, từ các quan tài thật ở tầng dưới - nơi có di cốt người đã khuất, linh hồn sẽ bay lên nhập vào những quan tài ở tầng trên, rồi vượt qua vòm mái, lên trời, tới ngai vàng của Thánh Alah. Sau khi mất, Shah Jahah và Mumtaz Mahal đã nằm kề bên nhau trong cõi vĩnh hằng.
Công trình là tổng hòa mọi nét đẹp của phụ nữ với những đường cong mê hoặc, được trình bày cực kỳ tinh tế. Khu vườn hình chữ nhật, như một nét nghiêng con gái, vòm cổng ra vào là chiếc khăn che mặt trong đêm hôn lễ... Công trình luôn ẩn chứa nhiều ma lực cuốn hút hàng triệu người đến chiêm ngưỡng mỗi năm. Cẩm thạch là loại đá có thể biến đổi màu sắc ứng ngẫu với mọi khoảnh khắc thay đổi của thời gian. Mỗi chút chạm nhẹ của ánh sáng theo chu kỳ đều tạo nên màu sắc quyến rũ đến lạ lùng. Taj Mahal ánh hồng lúc bình minh, sáng trắng vào buổi trưa, lóng lánh vàng khi hoàng hôn và huyền hoặc hư ảo vào đêm trăng...
Có nhiều góc máy đẹp để lưu giữ những hình ảnh độc đáo làm quà cho người thân và bè bạn. Có thể chụp từ bờ sông Yumunna, hoặc đi thuyền ra giữa dòng. Đẹp nhất là cảnh toàn bộ lăng soi bóng trên hồ nước kỳ diệu. Từ lâm viên Mehtab Bagh, Taj Mahal nổi bật giữa nền xanh dân dã của đồng ruộng... nếu chịu khó dậy sớm và về trễ có thể chộp được cảnh bình minh và hoàng hôn Taj Mahal cực kỳ ấn tượng. Nếu có ống kính zoom hiện đại, từ pháo đài Agra có thể chụp toàn cảnh Taj Mahal trong sương mù lãng đãng. Từ các sân thượng của những quán cà phê quanh đó, Taj Mahal rực rỡ như một đóa hoa lạ khổng lồ giữa thiên nhiên đa dạng.
Được mệnh danh là công trình vĩnh cửu - thể hiện cho tình yêu bất diệt nhưng Taj Mahal cũng không thể vẹn nguyên như thuở ban đầu. Một số vết nứt đã xuất hiện. Hiện tượng mưa axít vì môi trường ô nhiễm bởi khí thải công nghiệp và xe cộ đã làm đá ố vàng, hư hỏng. Dòng Yumunna thơ mộng năm xưa giờ ô nhiễm vì rác thải, nước sông ngả màu cũng là tác nhân xâm hại công trình. Để cứu vãn sự xuống cấp của Taj Mahal, chính quyền Agra đã có nhiều biện pháp tích cực như: du khách phải đi xe bus chạy pin, xe điện, hoặc xe ngựa từ bãi xe cách đó 2 km để vào lăng. Việc cải tạo dòng Yumunna, làm vệ sinh công trình đang được khẩn trương thực hiện.
Nhìn những viên gạch vỡ, nhớ về một triều đại huy hoàng đã lùi xa tít tắp. Tôi rùng mình khi nghe trong gió nhẹ lao xao lời oán than u uất. Bởi sau khi hoàn tất công trình, Shah Jahan đã ra lệnh chặt tay tất cả những người tham gia xây dựng để thế gian không thể có Taj Mahal thứ hai. Tình yêu tột cùng dẫn đến sự ích kỷ mù quáng, man rợ. Để vui lòng nàng Mumtaz Mahal đã mất, Shah Jahan đã vắt kiệt sức dân, đày đọa cả một dân tộc, làm tàn phế hàng chục ngàn người, gây đau khổ cho hàng chục vạn gia đình… Nếu ai cũng yêu thương kiểu đó, chắc nhân loại đã sớm diệt vong.
Nguyễn Văn Mỹ
Bình luận (0)