Những người biểu tình đã kêu gọi thực hiện cải cách, trong khi một số khác đòi hỏi Tổng thống Bashar al-Assad phải ra đi.
|
Cuộc biểu tình ở Damascus và các thành phố khác được xem là cuộc xuống đường lớn nhất trong một tháng náo loạn tại Syria, vốn bắt đầu bằng các cuộc biểu tình tại thành phố phía nam Deraa vào ngày 15.3.
Khoảng 200 người được cho là đã chết từ khi các cuộc biểu tình nổ ra ở Syria.
Hãng Reuters dẫn lời một nhân chứng cho biết, có 15 chiếc xe buýt chở đầy mật vụ đã rượt đuổi người biểu tình khi họ đến phía bắc quảng trường chính Abbasside ở Damascus.
Hàng nghìn người cũng biểu tình tại một số thành phố khác của Syria, bao gồm Deraa, Latakia, Baniyas và Qamishli.
Truyền thông nhà nước Syria đưa tin “các cuộc biểu tình nhỏ” đã diễn ra ở những khu vực khác nhau và lực lượng an ninh không can thiệp.
|
Cuộc biểu tình lớn ở Damascus đánh dấu bước leo thang trong cuộc nổi dậy vốn được xem là thách thức lớn nhất của ông Assad, người thừa hưởng quyền lực từ cha mình vào năm 2000.
Những người biểu tình nói họ muốn có nhiều tự do hơn, bao gồm việc bãi bỏ một đạo luật an ninh tồn tại qua nhiều thập kỷ, trong đó cấm các cuộc tụ tập có hơn 5 người ở nơi công cộng.
Ông Assad đã đưa ra một số nhượng bộ, bao gồm việc thành lập chính phủ mới trong hôm 14.4 và tuyên bố ân xá cho một số người bị bắt giữ vào tháng trước.
Ông cũng sa thải một số quan chức địa phương và cấp quốc tịch Syria cho hàng ngàn người Kurd thiểu số, thỏa mãn một đòi hỏi tồn tại từ lâu.
Hãng AP tường thuật người biểu tình ở Damascus đã giơ các thẻ vàng, một kiểu cảnh cáo trong bóng đá, với ông Assad. Một người biểu tình phát biểu: “Đây là lời cảnh cáo đầu tiên của chúng tôi, lần tới chúng tôi sẽ đến với những chiếc thẻ đỏ”.
|
Theo BBC, Liên Hiệp Quốc và một số chính phủ phương Tây đã công khai chỉ trích việc ông Assad sử dụng lực lượng an ninh để dập tắt các cuộc biểu tình.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton kêu gọi giới chức Syria ngừng sử dụng bạo lực với người dân của mình. Bà Clinton nói sau một cuộc họp của NATO ở Berlin: “Chính phủ Syria không chú tâm vào những đòi hỏi hợp pháp của người dân Syria. Đã đến lúc Chính phủ Syria phải ngừng trấn áp các công dân của mình và bắt đầu đáp ứng những nguyện vọng của họ”.
Các nhà hoạt động nhân quyền cho biết, hàng trăm người đã bị bắt trên khắp Syria, bao gồm những nhân vật đối lập và các nhà hoạt động chính trị.
Ông Assad đã đổ trách nhiệm về tình trạng bạo lực trong những tuần gần đây cho các băng đảng vũ trang, thay vì theo đuổi việc cải cách và thề sẽ đàn áp các cuộc nổi dậy khác.
Giới chức Mỹ vốn khẳng định Iran đã hỗ trợ Syria trấn áp người biểu tình. Cả Tehran và Damascus đều bác bỏ tố cáo này.
Sơn Duân
Bình luận (0)