Cắt giảm đầu tư công

16/04/2011 00:27 GMT+7

Chính phủ đã và đang quyết liệt cắt giảm đầu tư công để kiềm chế lạm phát. Nhưng kết thúc quý 1, vốn đầu tư vẫn tăng mạnh so với GDP. Đặc biệt, khu vực Nhà nước tăng mạnh nhất.

Nghĩa là, khu vực này sử dụng nguồn vốn lớn nhất và nếu vẫn sử dụng thiếu hiệu quả như các năm trước thì mục tiêu kiềm chế lạm phát trong năm nay, khó có thể thực hiện được.

Theo thống kê, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội theo giá thực tế thực hiện quý 1/2011 ước đạt 171,5 nghìn tỉ đồng, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2010, bao gồm vốn khu vực Nhà nước 76,4 nghìn tỉ đồng, chiếm 44,5% tổng vốn và tăng 15,2%.

Trong vốn đầu tư của khu vực Nhà nước thực hiện quý 1 năm nay, vốn từ ngân sách nhà nước ước tính đạt 38,9 nghìn tỉ đồng, bằng 21,2% kế hoạch năm và tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2010.

Những con số trên cho thấy, các giải pháp siết đầu tư công chưa được triển khai mạnh mẽ và chưa đạt kết quả như mong muốn. Tất nhiên, sẽ có ý kiến cho rằng, các giải pháp mới triển khai nên chưa thể có kết quả ngay được. Nhưng có một thực tế không thể phủ nhận, nếu không thay đổi cách làm hiện nay thì e rằng, việc cắt giảm đầu tư công, sẽ chỉ là hình thức.

Cụ thể, theo cách làm hiện nay, các bộ, ngành, địa phương chủ động đình hoãn hay ngừng các dự án sử dụng vốn ngân sách. Nghĩa là cho các địa phương tự giác. Nhưng các địa phương đều có tâm lý, ngân sách cắt giảm chỗ này cũng phân bổ chỗ kia nên đương nhiên không thực hiện quyết liệt.

Minh chứng cụ thể nhất là nhiều địa phương vẫn xin giữ lại các dự án xây trụ sở, trung tâm, nhà công vụ... với số vốn lớn, chỉ cắt giảm những dự án với số vốn nhỏ. Đó là lý do, dự án cắt giảm nhiều nhưng số vốn cắt giảm lại không lớn.

Thiết nghĩ, trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ nên đưa ra tiêu chí cụ thể đối với các dự án phải cắt, giảm hay tạm ngưng khởi công trong năm nay. Ví dụ, như những dự án không nằm trong mục đích an sinh xã hội, những dự án hạ tầng nhưng không lưu thông hàng hóa, những dự án không hiệu quả... phải kiên quyết cắt bỏ. Khi đã có tiêu chí cụ thể, những dự án nào không đáp ứng các tiêu chí này, lập tức cắt ngay. Có như vậy, việc giảm đầu tư công mới có hiệu quả thực sự. Các địa phương cũng không còn cớ để nhìn nhau như hiện nay. Bên cạnh đó, Chính phủ nhất thiết phải đưa ra tổng hạn mức đầu tư trong năm nay. Bởi nếu không có hạn mức cụ thể thì sẽ không có một cái đích cụ thể để thực hiện. Khi đó, việc quá tay chỗ nọ, "chặc lưỡi" chỗ kia; giảm đầu này, tăng đầu khác và kết quả cuối cùng là đầu tư công vẫn tăng cao là điều có thể dự báo.

Nghị quyết 11 về cắt giảm đầu tư công đã "chẩn" đúng bệnh của nền kinh tế hiện nay. Nó cũng thể hiện sự linh hoạt của Chính phủ trong việc đưa ra giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Vấn đề còn lại là những tiêu chí cụ thể, sự giám sát chặt chẽ, kiên quyết để các biện pháp này phát huy tối đa tác dụng chứ nếu không nó sẽ chỉ là biện pháp tình thế mà thôi.

Nguyên Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.