|
Thưa ông, ứng cử viên ĐBQH sẽ được sử dụng hình thức nào để vận động cử tri bầu cho mình?
Hiện có mấy hình thức: ứng viên tiếp xúc trực tiếp với cử tri nơi ứng cử hoặc cũng có thể nêu suy nghĩ, bày tỏ năng lực bản thân thông qua đài truyền hình địa phương.
Theo luật định thì cơ quan của Nhà nước có trách nhiệm tổ chức các cuộc vận động bầu cử cho các ứng viên để đảm bảo những người ứng cử được tiếp xúc cử tri và chuẩn bị những điều kiện đảm bảo cho cuộc tiếp xúc đó. Nếu ứng viên có điều kiện thì tự đứng ra tổ chức vận động bầu cử.
|
Ở TP.HCM từng có trường hợp phát tờ rơi để vận động bầu cử, hình thức này có phạm luật không? Trường hợp ứng viên sử dụng của cải vật chất cá nhân như hỗ trợ bà con vùng sâu, vùng xa khó khăn khi vận động bầu cử hoặc sử dụng các trang mạng, blog cá nhân để vận động liệu có bị “tuýt còi”?
Về việc phát tờ rơi, nếu ứng viên có điều kiện, họ có thể nêu nguyện vọng, suy nghĩ của mình và chuyển tải những suy nghĩ này đến cử tri bằng các hình thức khác nhau, cái đó pháp luật không cấm.
Còn việc sử dụng kinh phí cá nhân để hỗ trợ bà con khó khăn khi thực hiện vận động bầu cử thì tôi nghĩ các ứng viên không có điều kiện làm việc này, vì phạm vi bầu cử khoảng 3 - 4 huyện, nên những ứng viên có động cơ đúng mức, có trách nhiệm thì cứ vận động đúng theo quy định của pháp luật, còn sau này khi đã trúng cử rồi anh có thể tham gia hoạt động từ thiện tại địa bàn anh được bầu sẽ phù hợp với đạo lý người Việt Nam và người dân nhìn nhận việc làm này sẽ khách quan hơn.
Hiện luật pháp chưa quy định vận động bầu cử trên các trang mạng hay blog nhưng cá nhân tôi thấy nếu vận động trên mạng mà trung thực khách quan phù hợp với các quy định của pháp luật thì cũng có thể được.
Các ứng viên có được nhận xét về chương trình hành động của nhau hay đối thoại, tranh luận khi cùng vận động bầu cử trước cử tri không?
Luật không cấm nhưng thực tế vận động bầu cử thời gian qua cho thấy tâm lý chung là tôn trọng suy nghĩ của mỗi người ứng cử ĐBQH nên ứng viên nào phát biểu thế nào trước cử tri là quyền cá nhân ứng viên đó, không thấy có việc trao đi đổi lại giữa các ứng viên với nhau trước cử tri trong quá trình vận động bầu cử.
Tôi tham gia 2 khóa QH rồi, thấy quá trình đi vận động tiếp xúc cử tri rất thoải mái, không có gì cứng nhắc. Vì số lượng ứng viên trong cả nước đông, trình độ không đồng đều nên Ủy ban Trung ương MTTQ VN có hướng dẫn là cần thiết để giúp cho những người chưa có nhiều kinh nghiệm trong tiếp xúc công chúng tiếp cận cử tri một cách tốt nhất và đem lại hiệu quả cao nhất.
Thưa ông, Hội đồng bầu cử có quy định gì để tránh tình trạng bất bình đẳng trong việc vận động bầu cử giữa các ứng viên có chức có quyền và những ứng viên khác?
Vấn đề này Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng đã có hướng dẫn cụ thể, trong đó khẳng định cơ hội bình đẳng giữa các ứng viên trong tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử, ví dụ quy định về số lần tiếp xúc tối thiểu của mỗi ứng viên khi vận động bầu cử (10 lần - PV), rồi phạm vi tiếp xúc… Tất cả ứng viên đều có quyền tham gia vào các cuộc tiếp xúc do cơ quan nhà nước tổ chức và nói lên suy nghĩ của mình tại đó, không giới hạn số lượng.
Bảo Cầm (ghi)
Bình luận (0)