Tờ Bangkok Post của Thái Lan hôm qua đăng hàng loạt bức ảnh cho thấy hàng chục xe ủi, xe xúc đất và xe tải đang tấp nập ra vào khu vực công trường ở tỉnh Xayaboury của Lào. Theo tờ này, việc xây dựng hệ thống đường chính dẫn đến nơi xây đập đã bắt đầu từ tuần trước. Nhiều khu trại đã được dựng lên, làm chỗ lưu trú cho công nhân và cất giữ máy móc, vật liệu xây dựng và thực phẩm. Tập đoàn SEAN & Ch.Karnchang Public (Thái Lan), chủ đầu tư của dự án, cũng đang tiến hành giải tỏa và đền bù cho người dân trong các ngôi làng xung quanh. Bangkok Post dẫn lời một số người địa phương cho hay nhiều người chỉ được đền bù... 15 USD.
|
Phớt lờ
Chính phủ Lào đệ trình dự án xây dựng đập Xayaburi cho 3 thành viên còn lại của Ủy hội sông Mekong (MRC) là Việt Nam, Campuchia và Thái Lan vào năm 2007. Kể từ đó, dự án 3,5 tỉ USD này vấp phải sự phản đối kịch liệt từ giới hữu trách, người dân và các tổ chức môi trường vì những hậu quả khủng khiếp đối với dân sinh và môi trường.
Theo Quy chế về Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận (PNPCA), bất kỳ kế hoạch xây dựng nào liên quan đến lưu vực sông Mekong đều phải thông báo và tham vấn với MRC. Tuy nhiên, phía Lào và chủ đầu tư đã “vượt rào” trước khi quyết định chung được đưa ra. Ông Surasak Glahan, đại diện của MRC, cho PV Thanh Niên biết cho đến hôm qua ủy hội chưa nhận được thông báo nào về việc triển khai hay chuẩn bị xây dựng đập Xayaburi.
“Thật thất vọng! Họ đang phớt lờ những bức xúc của người dân sống dọc theo lưu vực sông Mekong không chỉ ở Thái Lan, Campuchia, Việt Nam mà cả ở Lào. Chúng tôi kịch liệt phản đối và yêu cầu nhà đầu tư phải ngưng ngay việc triển khai xây dựng dự án”, bà Pianporn Deetes, đại diện của Tổ chức International Rivers (Sông ngòi quốc tế) tại Thái Lan nói với PV Thanh Niên. Theo bà Deetes, người dân Thái cũng như các nước trong lưu vực đã quá hiểu hậu quả tai hại của những dự án kiểu này khi đã gánh chịu những cơn lũ khủng khiếp do tác động của các con đập tương tự của Trung Quốc. Theo bà, Chính phủ Lào cần xem xét lại dự án còn Chính phủ Thái Lan cũng phải có thái độ tích cực. Theo kế hoạch, 95% điện năng từ dự án Xayaburi sẽ được bán cho Thái Lan trong khi nhiều chuyên gia cho rằng nước này có nhiều cách tạo ra điện mà không phải mua từ Lào.
Phản đối của nhiều phía
Người dân Thái đã xuống đường biểu tình đòi Chính phủ Lào phải ngưng dự án, đồng thời yêu cầu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva hủy bỏ quyết định mua điện từ Lào. Khoảng 42 tổ chức môi trường và xã hội của Thái Lan cùng với hơn 210 tổ chức trên thế giới đã gửi thỉnh nguyện thư yêu cầu ngưng dự án. Thượng nghị sĩ Jim Webb, Chủ tịch tiểu ban Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ, tuần qua cũng đã lên tiếng phản đối dự án đập thủy điện Xayaburi cũng như bất kỳ đập nào trên sông Mekong. “Báo cáo của nhiều nhà khoa học kết luận rằng việc xây dựng đập thủy điện sẽ gây hậu quả đến môi trường xã hội và kinh tế cho toàn bộ tiểu vùng Mekong. Tôi sẽ đề nghị Bộ Ngoại giao Mỹ tăng cường quan tâm cũng như hỗ trợ phát triển bền vững ở khu vực này”, ông Webb viết trên website của mình. Trong khi đó, một cuộc vận động cùng ký tên trên mạng đang được các nhà hoạt động bảo vệ môi trường thực hiện để gửi cho Chính phủ Lào và các nước thành viên trong MRC.
Ngày mai (19.4), 3 thành viên còn lại của MRC sẽ có ý kiến cuối cùng đối với dự án Xayaburi. Tuy nhiên, theo ông Glahan, việc này cũng khó ngăn quyết định về xây dựng đập. Quy chế PNPCA không có tính ràng buộc về mặt pháp lý cũng như biện pháp chế tài nếu thành viên nào đó không thực hiện đúng cam kết. Trường hợp 3 thành viên không ủng hộ mà phía Lào vẫn cho triển khai dự án sẽ dẫn đến hệ quả chưa có tiền lệ, đó là đưa vụ việc ra trọng tài quốc tế. Tuy nhiên, ông Glahan nói đây không phải là cách giải quyết tốt nhất.
Đập Xayaburi nếu được chấp thuận sẽ nằm cắt ngang sông Mekong, thuộc phần lãnh thổ của Lào ở vị trí cách ĐBSCL 1.930 km, cách biên giới Thái Lan về phía nam (tỉnh Chiang Rai) 365 km. Diện tích bề mặt hồ chứa rộng 49 km2, chiều dài đập 820m, độ cao đỉnh đập 280m, công suất lắp máy 1.285 MW, khả năng xả lũ (thiết kế) 47.500 m3/giây. Theo dự kiến, con đập sẽ được xây dựng trong 8 năm và sau khi hoàn thành sẽ có công suất 1.260 MW; 95% điện năng sẽ được bán cho Thái Lan. Theo các tổ chức môi trường, nếu đi vào vận hành, đập Xayaburi sẽ hủy hoại vĩnh viễn môi trường sống và hệ sinh thái của sông Mekong, đẩy 41 loài cá tới nguy cơ tuyệt chủng, ảnh hưởng tới phương kế sinh nhai cũng như an ninh lương thực của hàng chục triệu người trong khu vực. |
Minh Quang
(Văn phòng Bangkok)
Bình luận (0)