|
Cty ông là đơn vị duy nhất ở Việt Nam được cấp đăng ký kinh doanh về khảo sát thiết kế giám định về lún, nghiêng, sập, di dời. Ông còn là thành viên châu Á duy nhất của Hiệp hội Di dời Nhà Quốc tế.
Ông có thể cho biết các công trình xử lý lún, nghiêng mà ông đang làm?
Mấy ngày nay, chúng tôi đang khám bệnh cho khoảng 20 công trình ở Hà Nội và các tỉnh khác. 70 người của công ty được chia thành năm nhóm, mỗi nhóm 10 đến 12 người.
Trưa 16-4, chúng tôi nâng ngôi nhà năm tầng ở số 9, Phan Chu Trinh, Hà Nội, từ lúc 11h, hoàn thành lúc 14h30. Chiều 16-4, tiếp tục căn chỉnh ngôi nhà năm tầng ở gần Nhà hát Lớn, bị nghiêng 40cm. Hiện, chúng tôi đang thiết kế chống lún cho một tòa nhà 14 tầng ở Hà Nội.
Trước đó, sáng 15-4, chúng tôi khám bệnh lún, nghiêng cho ba công trình khác. 15h ngày 15-4, chúng tôi hoàn thành việc căn chỉnh ngôi nhà ba tầng ở tỉnh Ninh Bình có độ nghiêng 50cm. Lúc 9h sáng qua, hoàn thành việc nâng một mái điện thờ lên cao 73cm trên nóc tầng bảy của tòa nhà ở Trần Khát Chân. Công ty cũng đang thi công căn nhà số 11 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội.
Với các công trình lún nghiêng, thường mất bao nhiêu ngày để xử lý?
Trung bình 60 đến 90 ngày. Còn đối với công trình cao 14 – 15 tầng phải mất sáu tháng để xử lý.
|
Hợp đồng lớn nhất, bảy tỷ đồng
Ông có thể giới thiệu về công nghệ ông đang áp dụng?
Nước Mỹ thống trị thế giới về lĩnh vực này bằng điều khiển từ xa và robot. Họ thâu tóm các kỷ lục di dời công trình cao nhất, nặng nhất, xa nhất có khi di dời khỏi vị trí cũ vài chục km.
Còn chúng tôi bắt đầu áp dụng vi tính để kiểm soát thông qua trạm điều khiển tổng, chẳng hạn, đối với việc căn chỉnh công trình lún nghiêng tám tầng ở quận Hà Đông, Hà Nội năm 2010.
Hầu hết các công trình ông xử lý đều ở các tỉnh phía Bắc. Vì sao ông chưa Nam tiến?
Do xa và chi phí cũng cao nên chưa đến được đó.
Những công trình đáng nhớ mà ông từng làm trong hơn 26 năm nghề xử lý lún nghiêng là gì?
Công trình đạt kỷ lục Việt Nam là nâng biệt thự bốn tầng lên cao 2,63m để xây tầng hầm ở dưới tại khu vực hồ Tây, Hà Nội.
Đáng nhớ nhất có lẽ là năm 2005, với ngôi nhà ba tầng có độ nghiêng lớn nhất Việt Nam ở quốc lộ số 6, thị trấn Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình. Ngôi nhà này nghiêng 29 độ, gấp gần tám lần độ nghiêng của tháp Pisa (Italia).
Về di dời nhà, đáng chú ý, năm 2008, công trình đầu tiên mà chúng tôi thực hiện là tòa nhà ở Láng – Hòa Lạc (Hà Tây cũ) được đánh giá là nặng nhất với 3.000 tấn. Ngôi nhà hai tầng, dài 65m, rộng 32m với 3.800m2 sàn được di dời cách vị trí cũ 50m trong 36 tiếng. Chúng tôi huy động hơn 200 người, trong đó có cả sinh viên Đại học Xây dựng Hà Nội. Nhờ đó, Việt Nam được công nhận là nước thứ 13 có công nghệ di dời nhà trên thế giới.
Tổng chi phí cho xử lý lún nghiêng có lớn không? Hợp đồng lớn nhất mà ông từng làm là bao nhiêu?
Tổng chi phí cho việc xử lý thường bằng 30- 60%, thậm chí bằng giá trị xây công trình đối với trường hợp đặc biệt cần bảo tồn về văn hóa. Ở Mỹ có những công trình mà việc xử lý tốn gấp hai ba lần chi phí xây dựng. Hợp đồng lớn nhất mà tôi từng làm là bảy tỷ đồng, ở Hà Nội.
|
Nhà 3-8 tầng, lún nghiêng nhiều nhất
Kiểu nhà hay công trình nào ông thấy dễ lún nghiêng nhất?
Ông Đỗ Quốc Khánh sinh năm 1955, người Đại Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội. Từng du học tại Tiệp Khắc (cũ). Năm 1984, vào làm việc ở Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam. Một năm sau là một trong ba người chữa công trình lún nghiêng đầu tiên của Việt Nam. Năm 2003, thành lập Công ty Xử lý Lún nghiêng Việt Nam và được mệnh danh là “Thần đèn đất Bắc”. Là tác giả công nghệ mang tên “Xử lý lún, nghiêng, sập công trình xây dựng” đoạt Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam năm 2003. Ông hiện chủ trì đề tài nghiên cứu về di dời và xử lý lún nghiêng nhà Do Quỹ Phát triển Quốc gia, Bộ Khoa học&Công nghệ, cấp. |
Công ty chúng tôi từng xử lý thành công ba công trình sập chân cột tầng một. Như công trình bảy tầng, cao 28 m, nặng 1.200 tấn, độ nghiêng 1,2m ở số 289 phố Trần Phú, thị xã Hà Giang (tỉnh Hà Giang).
Ông thấy nền đất xây dựng ở đồng bằng Bắc bộ có đặc điểm nổi bật gì?
Thường có lớp bùn sét trên mặt từ 10-40m, chỉ phù hợp cho nhà ba tầng. Còn từ bốn tầng trở lên cần phải ép, đóng cọc bê tông cốt thép thì mới chống nghiêng, lún được. Và từ 10 tầng trở lên thì phải khoan cọc nhồi.
Tôi thấy tình trạng sụt, lún, nghiêng công trình ở TP Hồ Chí Minh xảy ra từ lâu rồi. Có thể do miền Nam phát triển nóng hơn, nên sự cố cũng sớm hơn. TPHCM từng sập công trình bảy tầng. Còn Hà Nội những năm gầy đây mới xảy ra hiện tượng sụt, lún, nghiêng. Vụ sập ngôi nhà năm tầng cạnh ngõ 49, đường Huỳnh Thúc Kháng, chiều 31-3, là vụ sập nhà đầu tiên ở Hà Nội.
26 năm qua, ông đã xử lý bao nhiêu công trình? Có thất bại lần nào không?
Tôi đã xử lý khoảng 700 công trình các loại. Chỉ duy nhất một lần năm 2002, trong quá trình xử lý chống sập cho ngôi nhà số 6 Nguyễn Hữu Huân (Hà Nội), có một người bị thương.
Thế còn bên Mỹ?
Mỹ chưa để xảy ra sự cố, đổ nhà bao giờ. Hơn nữa ở bên đó, họ cho phép di chuyển ngôi nhà trên đường, có xe cảnh sát hộ tống, có chế độ bảo hiểm. Chúng ta chưa có quy định đó.
Nói một cách sòng phẳng, công nghệ của Việt Nam có gì riêng không?
Mình cũng có một số cái vượt so với các nước về xử lý lún, nghiêng, nhất là đối với những nhà bê tông kết cấu nặng trong điều kiện nền đất yếu, móng ngập nước. Đó là một trong những lý do khiến tôi được họ mời đến Tiểu bang Louisiana (Mỹ) cuối tháng 2-2009 tư vấn cho họ xử lý nhà nghiêng. Louisiana có đến 500 nhà nghiêng do bị ngập úng.
Theo Tiền Phong
Bình luận (0)