Tàn sát Vườn quốc gia Yók Đôn

18/04/2011 00:19 GMT+7

Hàng loạt cây gỗ hương bị tàn sát ngay “trước mũi” kiểm lâm trong những khu rừng cấm của Vườn quốc gia Yók Đôn (Đắk Lắk) đang đặt ra câu hỏi về công tác quản lý, bảo vệ rừng nơi đây.


Những cây gỗ quý bị hạ sát tại rừng Yók Đôn gần đây - Ảnh: T.N.Q

“Nghĩa địa” gỗ quý

Từ một nguồn tin, chiều 15.4, PV Thanh Niên trở lại rừng Yók Đôn trong nắng nóng như thiêu để kiểm chứng những thông tin về một khu vực rừng bị lâm tặc tàn phá dữ dội. Quả thật, nếu không tận mắt chứng kiến thì khó có thể tưởng tượng nhiều cây gỗ hương, loại gỗ quý nhóm 2A, bị gục ngã tan hoang như thế.

Chỉ trong phạm vi vài chục héc-ta của tiểu khu 434, có thể đếm được 23 cây gỗ hương bị cưa máy làm đổ la liệt, nhiều cây bị lấy đi phần thân giữa, còn trơ gốc và phần ngọn đầy cành lá, hầu hết các gốc cây đo được có đường kính từ 60-70 cm trở lên. Trên mặt một số gốc, có chữ viết của lực lượng kiểm lâm ghi lại ngày phát hiện cây bị cưa đổ, sớm nhất là ngày 20.2.2011, còn gần nhất là ngày 6.4.2011.


Gỗ bị đốn...

Ở một cây hương cổ thụ bị chặt xuống, thân đã bị cắt thành nhiều khúc nhưng chưa kịp bốc đi, đường kính gốc đo được 1,2m, dài khoảng 10m, ước gần 8m3 gỗ. Một cán bộ VQG Yók Đôn đi cùng chúng tôi đánh giá, tính sơ sơ, với số cây hương bị chặt trộm đếm được ở tiểu khu này, khối lượng gỗ bị mất đã gần 100m3. Theo cán bộ này, mỗi m3 gỗ hương tuồn ra thị trường “chợ đen” được trả giá hơn 40 triệu đồng.

Ông Trương Văn Trưởng, Giám đốc VQG Yók Đôn, nói rằng địa bàn VQG quá rộng (hơn 115.000 ha), công tác bảo vệ rừng đang gặp khó khăn do lực lượng kiểm lâm mỏng (bình quân mỗi kiểm lâm viên phụ trách 700 ha rừng), địa hình rừng khá bằng phẳng, lâm tặc có thể xâm nhập bằng vô số ngả đường. Mặc dù VQG đã tăng cường công tác canh giữ rừng vào mùa khô nhưng việc để xảy ra các vụ chặt trộm gỗ lẻ tẻ là khó tránh khỏi. Trong khi đó, tại các vùng đệm xung quanh VQG, chính quyền địa phương chưa làm tốt việc phối hợp ngăn chặn, xử lý lâm tặc...

Điều gây ngạc nhiên là nhiều cây hương bị chặt chỉ cách đường tuần tra từ 20-100m. Có nghĩa là rừng bị chặt ngay “trước mũi” kiểm lâm. Khá nhiều gốc cây bị chất củi đốt, khói lửa còn nghi ngút giữa rừng, thậm chí nhiều khúc gỗ to cũng được dồn thành từng đống đang cháy thành than đỏ rực. Liệu đây có phải là cách phi tang những dấu vết lâm tặc để lại? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Huy Hải, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Đrang Phốk, người dẫn chúng tôi mục sở thị cảnh tượng, giải thích: “Lãnh đạo vườn cho anh em đốt để “vệ sinh” rừng” (!?).

Ai chịu trách nhiệm?

Không chỉ ở tiểu khu 434, từ ngoài đường tuần tra nhìn vào tiểu khu 425 bên cạnh cũng thấy rõ hiện trường ngổn ngang cành lá để lại của một số cây gỗ bị lâm tặc đốn gục và lấy đi phần thân gỗ “nạc” nhất. Theo ghi nhận của chúng tôi, những cây gỗ hương lớn nhất ở hai tiểu khu này đã bị đốn hạ gần hết. Đây là khu rừng khộp với phần lớn loài cây họ dầu sinh sống, cây hương chỉ mọc xen kẽ rải rác, ở những vị trí khá thuận tiện cho khai thác.

Chúng tôi đặt nghi vấn, tại sao lâm tặc lại dễ dàng luồn vào khu rừng được bảo vệ nghiêm ngặt, thậm chí ngay cạnh đường tuần tra của kiểm lâm, thoải mái hạ sát các cây gỗ quý như ở chốn không người? Ông Hải lý giải: “Giờ đây lâm tặc canh chừng kiểm lâm chứ không phải ngược lại. Mọi động tĩnh của kiểm lâm đều bị lâm tặc cho người theo dõi, chỉ cần anh em kiểm lâm đổi ca, vắng mặt ở rừng vài chục phút là có thể vài cây gỗ bị hạ bằng cưa xăng”. Ông Hải nói thêm, trong các vụ chặt gỗ hương gần đây ở những tiểu khu này, kiểm lâm không bắt giữ được đối tượng lâm tặc nào. Mới đây, ngày 9.4, khi kiểm lâm phát hiện vụ chặt trộm cây tại tiểu khu 421 thì nhóm lâm tặc đã chạy thoát vào rừng sâu, bỏ lại hiện trường 2 cây gỗ hương bị hạ và 2 xe máy. Ông Hải cũng cho biết đã báo cáo tình hình này cho lãnh đạo VQG, nhưng chưa nhận được chỉ đạo điều tra, xử lý thủ phạm.


... gốc bị đốt để phi tang dấu vết

Chúng tôi rời khỏi rừng Yók Đôn khi hoàng hôn ập đến, phía cửa rừng thấp thoáng những bóng người khả nghi, tay cầm điện thoại, mắt nhìn theo với vẻ dò xét. Cảnh tượng khu rừng cấm bị tàn phá cứ ám ảnh mãi trên đường về. Những băn khoăn đặt ra: ai sẽ chịu trách nhiệm để xảy ra những vụ chặt hạ gỗ quý hàng loạt tại rừng Yók Đôn nói trên; tại sao cơ quan quản lý bảo vệ rừng không xem đây là vụ phá hoại nghiêm trọng tài nguyên quốc gia để khởi tố, điều tra làm rõ; liệu còn bao nhiêu khu rừng quý như tiểu khu 434, 425 bị “rỗng ruột”?...

Trần Ngọc Quyền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.