TS thi khối C tại trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Đây là khối thi ngày càng ít TS đăng ký dự thi - Ảnh: Đ.N.T |
Cùng một ngành, nhiều khối thi khác nhau
Trên thực tế hiện có nhiều môn thi không liên quan đến ngành mà TS sẽ được đào tạo. Chẳng hạn ngành Kinh tế, TS phải dự thi khối A (Toán, Lý, Hóa) hoặc khối D (Toán, Văn, Ngoại ngữ). Theo đánh giá của các chuyên gia ở những trường có tuyển sinh ngành này thì môn Hóa trong khối A chẳng liên quan gì đến ngành Kinh tế. Đối với ngành Công nghệ thông tin cũng vậy. Theo ông Nguyễn Xuân Phong - Phó hiệu trưởng trường ĐH FPT, ngành học này chỉ cần TS có tư duy lô-gic về Toán.
Theo phản ánh của các trường, cũng không có cơ sở khoa học nào quy định 3 môn thi cho mỗi khối thi. Vì vậy đã xảy ra mâu thuẫn và sự không nhất quán trong việc quy định khối thi của các trường. Ví dụ, cùng đào tạo ngành Triết học nhưng Học viện Báo chí tuyên truyền tuyển sinh bằng khối C, D1, trong khi ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) tuyển sinh cả khối A, C và D. Đối với ngành Luật cũng vậy. Trường ĐH Luật (Hà Nội) nhiều năm tuyển sinh khối A, C, D1 nhưng ĐH Công đoàn chỉ tuyển sinh khối C, D1. Ngành Tâm lý học ở trường ĐH Sư phạm Hà Nội tuyển sinh khối A, B, D nhưng trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) lại tuyển khối A, C và D. Cùng là chuyên ngành Quản lý kinh tế nhưng ĐH Kinh tế quốc dân tuyển sinh khối A và D1 còn Học viện Báo chí tuyên truyền tuyển sinh bằng khối C, D1...
Cần điều chỉnh
Lý giải về hiện tượng trái ngược nhau trong việc quy định khối thi của các trường, ông Đoàn Phúc Thanh - Trưởng phòng Đào tạo Học viện Báo chí tuyên truyền, cho rằng "do bị giới hạn về quan niệm". Ông Thanh nói: “Lâu nay, Học viện Báo chí tuyên truyền thường được quan niệm là trường thuộc khối ngành khoa học xã hội nên chỉ tuyển sinh khối C, D chứ không tuyển khối A. Quan niệm này là chưa hợp lý vì có nhiều ngành học cần tuyển sinh khối A như: Quản lý kinh tế, Quan hệ công chúng, Quay phim truyền hình…”.
Cùng quan niệm, ông Đinh Việt Hải - Phó trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG Hà Nội) khẳng định: “Không có căn cứ nào ngoài thói quen, nếp nghĩ của một bộ phận TS và xã hội đồng nhất khoa học xã hội và nhân văn với môn Văn, Sử, Địa. Từ khi chúng ta hình thành các khối thi tuyển sinh ĐH A, B, C, D… thì chính chúng ta đã đưa một giới hạn nhất định về nguồn tuyển đầu vào cho các ngành khi gắn A, B với tự nhiên, công nghệ, kinh tế; và C, D với khoa học xã hội và nhân văn…”.
Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng - Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Văn hóa TP.HCM, cũng cho rằng: “Việc tuyển sinh dựa trên khối thi như hiện nay chưa hoàn toàn đầy đủ bởi quá trình học tập và yêu cầu khi đi làm nhiều khi rất mâu thuẫn nhau về kiến thức được đào tạo”. Thạc sĩ Tùng dẫn chứng: ngành Kinh doanh xuất bản phẩm của trường trước đây chỉ tuyển khối C, sau này mở rộng thêm khối D1. Dù vậy vẫn chưa đầy đủ bởi ngành này cần phải có thêm kiến thức về kinh tế. Tương tự, ở bậc CĐ ngành Việt Nam học (với các chuyên ngành: Hướng dẫn du lịch, Thiết kế và điều hành chương trình du lịch, Quản lý du lịch) chỉ tuyển sinh khối D cũng chưa hợp lý, bởi hướng dẫn viên du lịch rất cần kiến thức chuyên sâu về lịch sử, địa lý. “Do vậy, việc điều chỉnh khối thi cho phù hợp với ngành nghề là rất cần thiết”, ông Tùng nhấn mạnh.
Một vài năm gần đây trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) đã bắt đầu tuyển sinh thêm khối A và B ở một số ngành như: Triết học, Xã hội học, Thư viện thông tin, Tâm lý học… Tuy nhiên, TS Phạm Tấn Hạ - Phó trưởng phòng Đào tạo nhận định: “Số lượng TS nộp hồ sơ vào trường từ những khối thi này qua các năm không nhiều. Trong số gần 14.000 hồ sơ mỗi năm chỉ có khoảng gần 600 hồ sơ khối A và gần 1.000 khối B...”.
Theo nhiều chuyên gia tuyển sinh thì Bộ GD-ĐT nên bỏ quy định thi theo khối như hiện nay mà giao quyền tự chủ cho các trường. Ông Đoàn Phúc Thanh nhấn mạnh: “Theo tôi, Bộ chỉ nên đưa ra định hướng cơ bản, còn việc tổ chức thi môn nào thì sẽ do nhà trường quyết định. Như vậy mới phù hợp với đặc thù của từng trường, từng ngành”.
Ý kiến chuyên gia “Việc thi theo khối đang bộc lộ một số điểm không hợp lý. Ví dụ như một số ngành tuyển sinh nhiều khối, các TS khi đậu sẽ vào học chung và không phân biệt khối thi, lúc này khối thi không cần thiết nữa. Số lượng TS dự thi theo khối cũng không khớp nhau, có thể thấy rõ nhất ở khối C khi điểm chuẩn đa số các ngành đều thấp, chỉ một phần nhỏ TS mặn mà với khối thi này. Phương án thi chung hai môn Văn và Toán, thêm một môn nào đó hay bỏ kỳ thi ĐH, chỉ xét 4 môn thi tốt nghiệp THPT vào các trường đang nằm trong các lựa chọn của việc đổi mới tuyển sinh sắp tới. Bộ GD-ĐT đang chờ các trường có ý kiến để có thể đổi mới cách thi cử hiện nay”. Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM “Hiện tại, việc thi tuyển sinh giống như đánh một canh bạc. TS đa số chọn lựa ngành học nào mình có khả năng vào được ĐH hơn là chọn ngành phù hợp với năng lực và sở thích của mình. Việc chia khối thi trước kia là khi còn ít trường, ít ngành nên phù hợp hơn với hiện tại. Vả lại, trước kia chưa có phân ban ở THPT, còn hiện nay đã có phân ban rồi nên không còn cần thiết thi theo khối nữa. Tôi nghiêng về phương án thi tốt nghiệp chặt chẽ và bỏ kỳ thi ĐH để tùy các trường xét tuyển TS vào trường mình”. Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM “Việc chia theo khối đúng là đang có một số bất hợp lý. Ví dụ như có ngành tại trường này được tuyển một khối nhưng cũng ngành đó ở trường khác lại không được tuyển khối đó, gây ra sự bất công. Tôi đề nghị giao quyền tự chủ tuyển sinh lại cho các trường để các trường lựa chọn được sinh viên phù hợp với mình”. PGS-TS Nguyễn Thiện Tống Phó hiệu trưởng trường ĐH Cửu Long “Cần xác định rõ việc có cần thi tuyển hay xét tuyển (hay có cách khác). Nếu thi thì sẽ thi gì (có nhất thiết là Toán, Văn hay Lý, Hóa... không)? Tại sao phải thi những môn đó và thi như thế nào cho công bằng? Điều này cần phân tích cho kỹ lưỡng để đưa ra phương án đổi mới. Cần một thay đổi căn cơ và bền vững về chuyện tuyển chọn, nếu không, càng thay đổi sẽ càng phát sinh nhiều vấn đề trong khi mục tiêu thực sự lại khó đạt được”. Chuyên gia giáo dục Giản Tư Trung Chủ tịch sáng lập Tổ chức Giáo dục PACE ĐĂNG NGUYÊN |
Vũ Thơ - Hà Ánh
Bình luận (0)