Chỉ nên bỏ thi ĐH ở cấp quốc gia

20/04/2011 23:46 GMT+7

Hôm qua, bên lề hội nghị lấy ý kiến góp ý dự Luật Giáo dục đại học, GS Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội đã trả lời phỏng vấn Thanh Niên xung quanh việc trao quyền tự chủ cho các trường.

 

Thí sinh mệt mỏi khi trải qua 3 đợt thi ĐH-CĐ. Ảnh chụp tại một hội đồng thi trường CĐ Kinh tế đối ngoại năm 2010 - Ảnh: Đ.N.T

 

 GS Đào Trọng Thi

Thưa ông, đa số ý kiến của đại biểu đề nghị các trường cần được tự chủ trong việc mở ngành, mở trường, tuyển sinh... Theo ông, có cần luật hóa các quyền đó hay không?

Theo tôi, chuyện mở ngành hoặc một số chuyện khác như cấp phép thành lập trường... nếu tạo ra sự tự chủ nhiều hơn thì khi đó hành lang pháp lý phải chặt chẽ. Hiện nay, ta đang xin - cho, bởi vậy đôi khi, cơ sở giáo dục không đáp ứng những điều quy định nhưng vẫn cho. Ví dụ thời gian qua, nhiều trường ĐH không đáp ứng đủ điều kiện đảm bảo chất lượng nhưng vẫn cho hoạt động. Việc mở ngành cũng vậy, có khi đáp ứng đủ điều kiện rồi nhưng lại bị làm khó. Cách tốt nhất để đảm bảo cho các trường tự chủ là quy định một hành lang pháp lý mà hành lang pháp lý cao nhất chính là luật. Đây là cơ hội rất tốt để đưa vào luật các vấn đề cụ thể đó giúp tạo quyền chủ động cho các trường.

Còn việc thi tuyển sinh thì sao, thưa ông?

Về thi tuyển ĐH, tôi cho rằng, nói chung chúng ta cần tiến nhanh tới việc giao quyền tự chủ cho các nhà trường trong việc thi tuyển để các trường tuyển được học sinh có năng lực nhất, có hứng thú học tập, đáp ứng với yêu cầu cụ thể của từng ngành rất đa dạng hiện nay. Việc tổ chức chung cũng có điểm tốt, tiết kiệm được một số hoạt động của các trường nhưng cái mất nhiều hơn.

Như vậy, có thể bỏ thi ĐH để thay thế bằng các giải pháp khác như tuyển theo kết quả học tập phổ thông...?

Tự chủ phải có lộ trình

"Việc tự chủ không đơn giản, có trường bề dày hàng trăm năm nhưng có trường mới thành lập nên tự chủ cần phải có lộ trình bởi nếu "buông tất cả thì loạn, quản thì chết". Những trường tốt, đầy đủ điều kiện thì được tự chủ, những trường không làm được thì phải bắt vào khuôn khổ... Bộ sẽ phân cấp tự chủ cho các trường nhưng tự chủ là có điều kiện, có ràng buộc".

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT PHẠM VŨ LUẬN

H iện nay bỏ thi cũng chưa được. Chỉ nên tổ chức như thế nào để đỡ căng thẳng và hiệu quả hơn thôi vì hiện nhu cầu học tập của thanh niên rất lớn, trong khi chỗ ngồi ở trường ĐH ít. Nếu thực hiện xem xét hồ sơ thì mỗi trường yêu cầu khác nhau, đánh giá khác nhau, có khi chỗ này giỏi, chỗ kia kém... Như vậy là không công bằng cho thí sinh, có thể sẽ phát sinh nhiều tiêu cực. Ở các nước họ làm được là vì các trường có nhiều nơi học, đáp ứng yêu cầu của thanh niên, tỷ lệ chọi ít. Trong khi ở ta có trường tỷ lệ chọi 1/10, thậm chí có trường 1/20 thì mình không làm như cách của họ được. Như vậy, vẫn tổ chức thi nhưng chỉ ở mức độ trường, chứ không ở cấp quốc gia. Việc Bộ GD-ĐT tổ chức thi là làm quan trọng hóa vấn đề, tạo không khí nặng nề gây bức xúc trong xã hội.

Nhưng nếu các trường được tự tổ chức thi thì sẽ lại quay về mô hình như trước khi cải tiến tuyển sinh?

Sẽ giao cho từng trường tự tổ chức tuyển sinh nhưng những gì tốt đẹp của “ba chung” thì vẫn sử dụng. Ví dụ: các trường có thể dùng đề chung của nhóm trường. Có những trường không ra được đề thi thì họ dùng đề của trường mà họ cảm thấy phù hợp.

Vậy các trường có được tự chọn thời gian thi hay không? Có đ ược tổ chức nhiều đợt trong một năm cho phù hợp với việc đào tạo tín chỉ hay không, thưa ông?

Việc tổ chức chung cũng có điểm tốt, tiết kiệm được một số hoạt động của các trường nhưng cái mất nhiều hơn
Tôi nghĩ không nên bắt các trường thi vào một đợt, một ngày; các trường có thể chọn ngày nhưng nên lựa chọn vào những thời điểm sau khi học sinh thi tốt nghiệp phổ thông. Theo tôi, nếu đào tạo theo tín chỉ thì cũng có thể tuyển sinh theo học kỳ.

Vũ Thơ (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.