Hầu hết các cuộc đàn đúm nhậu nhẹt đều được anh em bạn bè xét hoàn cảnh tha bổng cho, rất ít khi phải tham gia. Mọi người cứ tưởng mình rảnh rỗi lắm, không phải đi làm khác gì ông hưu trí, lại khỏi phải đàn đúm nhậu nhẹt, nếu không tỉ phú cũng nghìn phú thời gian. Thật ra không phải, có khi còn bận rộn hơn cả lúc đi làm, từ sáng đến tối chỉ tiếp khách hàng xóm, khách vãng lai cũng hết thời gian, đừng nói đến chuyện khác.
Phàm làm nghề văn khó có thể trốn được khách, vả chăng đó cũng là cái phúc của người cầm bút, người ta còn nhớ tên tuổi, còn viếng thăm là phúc phận lắm. Thực ra mình chẳng có nhiều fan, viết lách từ năm cà cuống, những thứ gọi là hay ho cũng đã mấy chục năm rồi, người đọc được cũng đã quên, đa phần lớp trẻ thời nay chẳng thèm mất công tìm đọc văn mình, thậm chí cũng chẳng buồn nghe nói tới. Năm 2003, Quỹ Ford mở lớp đào tạo biên kịch trẻ cho VN, mình được thuê đến dạy. Học trò đều đã tốt nghiệp khoa văn, có đứa thạc sĩ văn chương, nhưng cái tên Nguyễn Quang Lập chúng nó nghe lạ hoắc, như tên tuổi mấy ông gác chợ vậy. Một hôm có đứa nhìn mình cười tít, nói thầy ơi, em vào google “sớt” tên thầy, té ra thầy còn viết văn nữa cơ, chời chời chẹp chẹp. Hi hi, mới biết vì sao ông Đỗ Trung Quân thỉnh thoảng vẫn trêu mình, nói fan của bọ Lập gái thì tiền mãn kinh, trai thì đái ướt quần.
|
Cho nên khách văn đến nhà mình hầu hết không phải là người hâm mộ, họ là những người có máu làm thơ viết văn, đa phần là các cụ già đã hưu trí, thời gian rảnh rỗi vô biên. Chắc thời trẻ các cụ chẳng màng gì sự nổi danh, nổi danh nhờ văn chương thơ phú lại càng không. Đến khi già mới nổi máu văn thơ, thích nổi tiếng. Lắm ông chẳng hề để ý văn chương đương đại như thế nào, hiện thời người ta viết lách ra sao. Trò chuyện với họ mình mới ngẩn tò te, thì ra thế gian lắm người có chữ nghĩa đàng hoàng nhưng chưa khi nào đọc hết một cuốn sách (là nói sách của người khác, sách của mình thì còn khuya). Với họ, thơ ca nước mình là Tố Hữu, văn chương thế giới là Maxim Gorky, chấm hết. Ngoài ra đều là những loại bất tài, hi hi. Chẳng hiểu sao họ lại nghiện sáng tác văn thơ, thế mới khổ.
Tất nhiên chẳng ai biết mình viết cái gì, viết thế nào, chỉ biết mình là ông nhà văn, giỏi lắm cũng chỉ biết ông nhà văn viết Đời cát, thế thôi. Hễ gặp mình, ông nào cũng hồ hởi thân thiện lắm, bắt tay ôm vai hót cổ, nói a, chào nhà văn Ngô Quốc Lập… A, chào nhà văn Bùi Tiến Lập. Khổ thân, toàn nhầm tên mình với tên mấy ông đâu đâu, sao chẳng chịu nhầm là Ngô Bảo Lập, Nguyễn Tấn Lập có phải oách không, he he.
Mình khốn khổ vì khách văn như thế. Ở đâu cũng khốn khổ. Huế khổ đằng Huế, ra Quảng Trị càng khổ, mò tới Hà Nội tưởng rằng phố rộng người đông chẳng ai thèm để ý đến mình, rốt cuộc vẫn không thoát được, có khi còn khổ hơn, khổ nhất, hu hu. Mới dời nhà đến chừng vài ba hôm, thế nào cũng có vài ba người gặp mình chào hỏi niềm nở, nói chà chà khu phố mình lại có thêm nhà văn nhà báo, hay quá vui quá. Mình ngoài mặt cười tươi, vâng vâng dạ dạ, bụng thì giật thót, ôi thôi bỏ mẹ rồi, thế nào mấy ông này cũng mò đến nhà.
Quả nhiên hôm sau các ông tới liền. Màn giao đãi đã chết khiếp. Người khoe con ông nọ cháu bà kia, chí ít cũng cùng họ cùng làng, với ai đó là danh sĩ nước Nam. Bí thì khoe học cùng trường, bạn của thằng bạn của thằng bạn của ai đó. Người khoe ngày xưa học giỏi văn, giải văn tỉnh giải văn huyện. Nếu không cũng bảo thằng nọ con kia xưa học với tôi, nó học hành có ra gì đâu, chẳng qua số nó nổi tiếng. Người nửa kín nửa hở khoe trợ lý ông này, thư ký bà kia, mấy bài diễn văn của họ là tôi viết cả đấy. Hết màn giao đãi đến màn phô diễn kiến thức, hết Hồ Xuân Hương đến Cao Bá Quát, hết Xuân Diệu đến Tố Hữu, râu ông nọ cắm cằm bà kia tùm lum tùm la, nói lia xia đến tối cũng chưa chịu về. Cơm dọn ra rồi cũng mặc kệ cơm, ông nói chưa xong tất nhiên chưa về.
Trước khi ra về thể nào cũng lôi ra một tập dày, nói tôi viết cho vui, ông đọc thử xem. Đừng tưởng người ta đưa thế, mình muốn đọc thì đọc chả đọc thì thôi. Vài ba hôm sau tới hỏi liền, nếu bảo chưa đọc thì hôm sau lại đến. Phải liều chết đọc cho xong, khen lấy lệ vài ba câu, không khen không được, chẳng ai đưa văn cho mình để ngồi nghe chê cả. Khen xong đừng tưởng là xong, ngay sau lời khen thể nào người ta cũng nhờ mình đem đi gửi báo, nói ông quen biết nhiều gửi giùm tôi. Chết thế. Rút kinh nghiệm lần sau mình chê thẳng cánh. Cũng chẳng thoát thân, người ta lại dúi bản thảo vào tay, nói đấy, anh giao cả cho chú mày, muốn sửa thế nào thì sửa, miễn sao đăng được. Hu hu.
Như thế còn khá. Lắm kẻ đặt đít xuống là thơ phú tuôn ào ào. Đọc một câu diễn giải xuất xứ cả chục câu, thêm chục câu giải thích câu thơ sâu xa thâm thúy như thế nào. Bài thơ hơn chục câu có thể mất toi cả tiếng đồng hồ. Lại còn người này khen như này người kia khen như kia, miệng nói tay khua sung sướng y chang vừa trúng số độc đắc. Có ông chuyên sản xuất diễn ca, bài nào bài nấy tràng giang đại hải. Mỗi lần ông đến chơi đều ôm theo cả tập bản thảo diễn ca vừa mới xong, ngồi nghe ông đọc đến đau lưng mỏi cổ, ông chả thèm chấp, cứ thế chân rung đầu lắc miệng ngân nga. Mót tiểu quá vừa chực đứng lên ông lập tức đè dúi xuống, nói chưa xong, thơ hay không cần đi đái.
Thế cũng không ăn thua, có ông còn vác cả tiểu thuyết mấy trăm trang đến nhà, miệng nói tôi đọc qua vài trang ông xem nhé, chỉ vài trang thôi, nhưng ông chơi luôn mấy chương, văn không ra văn khẩu hiệu không ra khẩu hiệu. Ông lim dim mắt đọc văn như ngâm thơ, thỉnh thoảng vỗ đùi đánh đét xuýt xoa, nói sao mà hay thế. Còn mình thì ngồi nhắm nghiền mắt ra chiều chăm chú lắm, kỳ thực bụng thì thở than, nói kiếp sau có đánh chết mình cũng không theo nghề văn.
Viết văn làng nhàng như mình mà còn lâm nạn khách văn khốn khổ đến thế, các văn tài chắc còn khốn nạn nữa. Mình nhớ một hôm mình đến Hội nhà văn, hồi này còn ở 65 Nguyễn Du. Đến cổng gặp Bùi Hiển dắt xe đạp đi ra, mặt mày xớn xác ngó ngược ngước xuôi. Mình chưa kịp chào ông đã vội vàng xua tay, nói mình đi đã nha, xin lỗi xin lỗi. Dứt lời Bùi Hiển lên xe đạp lao đi, y chang trốn chạy kẻ cướp. Hỏi ra mới biết có ông thâm thấp đen đen đang tìm Bùi Hiển. Ông này thì mình biết, suốt ngày lân la các nhà xuất bản, tòa soạn báo, trụ sở các hội nghệ thuật để gặp các người nổi tiếng. Ai đã từng tiếp chuyện ông này một lần đến chết còn hãi. Không ai có thể lì lợm hơn ông, hễ gặp người nổi tiếng nào là ông coi như ông ngang hàng, thân hữu với người đó, tha hồ nói năng bỗ bã cợt nhả cả tiếng đồng hồ chưa xong. Có người cáu, xẵng giọng đuổi ông đi, ông cứ cười nói như không, coi như người ta đùa hoặc là đuổi ai đó chứ không phải ông, hi hi, đến chịu.
Khi đó Bùi Hiển trốn rồi. Ông thâm thấp đen đen loanh quanh tìm không được, gặp cô bé văn thư ông túm tay cô bé kéo giật, nói cháu có biết người nào là Nguyễn Tuân. Cô bé chỉ Nguyễn Tuân đang đứng nói chuyện với ai đó ở góc sân, cách ông có một quãng. Ông chạy tới chỗ Nguyễn Tuân vỗ vai cái cực mạnh, nói chào bác Nguyễn Tuân, tìm mãi mới thấy bác. Nguyễn Tuân nhìn lại (hình như cụ nhớ ra ông này) liền mỉm cười, nói anh hỏi Nguyễn Tuân nào. Tôi là Nguyễn Tuân kế toán, Nguyễn Tuân nhà văn ở trên gác kia kìa. Ông này trố mắt nhìn Nguyễn Tuân, nói thật a? Nguyễn Tuân tỉnh như không, nhẹ nhàng gật đầu thân thiện, nói ừ, thật. Anh lên gác mau lên, không ông ấy sắp đi họp rồi. Ông này vội đi lên gác, Nguyễn Tuân cũng vội vàng chuồn lẹ ra cổng. He he.
Nguyễn Quang Lập
Bình luận (0)