“Du lịch hạt nhân” tại Chernobyl

23/04/2011 23:04 GMT+7

Đã qua 1/4 thế kỷ nhưng người dân sống quanh khu vực Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl vẫn đang phải nỗ lực khắc phục hậu quả của thảm họa.

Rạng sáng ngày 26.4.1986, trong lúc kiểm tra an toàn tại Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, Ukraine, các kỹ sư đã để xảy ra cháy nổ tại lò phản ứng số 4. Phóng xạ rò rỉ cùng xác các thanh nhiên liệu bị vụ nổ "phóng" ra ngoài đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trong suốt 10 ngày, mức phóng xạ đo được xung quanh Nhà máy Chernobyl vào khoảng 12 tỉ tỉ becquerel, bằng 30.000 lần lượng chất phóng xạ thải ra bởi toàn bộ các cơ sở hạt nhân trên thế giới khi đó trong vòng 1 năm, theo tờ Le Figaro. Các đám mây phóng xạ đã lan ra khắp châu u, nhưng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vẫn là Belarus (Chernobyl chỉ cách khu vực biên giới với nước này 20 km), Ukraine và Nga. Ngay sau tai nạn, 330.000 người đã phải sơ tán và 2.044 km2 đất đai quanh Chernobyl hoàn toàn bị bỏ hoang.

 
Một du khách chụp ảnh trước lò phản ứng số 4 của Nhà máy Chernobyl - Ảnh: AFP

Trong vòng 5 năm sau đó, khoảng 600.000 người đã được huy động để khắc phục hậu quả của thảm họa, bao gồm xây dựng vỏ bọc bao trùm nhà máy để ngăn chặn rò rỉ, chôn vùi các loại rác thải nhiễm xạ... Rất nhiều người trong số họ phải chịu di chứng về sức khỏe, đặc biệt là 1.000 người tham gia công tác cứu hộ khẩn cấp tại nhà máy trong những ngày đầu xảy ra sự cố.

Sau 25 năm, khó khăn vẫn đè nặng lên chính quyền và người dân Ukraine. Vỏ bọc cũ của Nhà máy Chernobyl đã xuống cấp nhưng việc xây dựng vỏ bọc mới đang bị chậm trễ do thiếu kinh phí. Nguyên nhân là do nhà chức trách đã không đánh giá đúng mức tính chất phức tạp của công trình này. Trong môi trường nhiễm xạ nặng, các công nhân, kỹ sư phải được cung cấp trang phục bảo hộ đặc biệt và làm việc luân phiên 15 ngày làm, 15 ngày nghỉ để hạn chế độ phơi nhiễm... Công trường xây dựng cũng phải được che chắn rất cẩn thận. Kinh phí cho vỏ bọc mới, một mái vòm bằng thép khổng lồ cao 105m, nặng 30.000 tấn, vì thế đã tăng lên hơn 3 lần so với mức dự tính 432 triệu euro ban đầu. Dù được cộng đồng quốc tế hỗ trợ, đến nay Ukraine vẫn chưa kiếm đủ 1,54 tỉ euro cần thiết để có thể hoàn thành công trình vào năm 2015 như dự kiến.

Hy vọng mới

Thị trấn Narodytchi cách Chernobyl 70 km tuy không nằm trong vòng bán kính 30 km của "vùng cấm" nhưng vẫn thuộc "vùng bắt buộc di tản". Trên nguyên tắc, không ai được sống tại đây nhưng trong số 10.000 dân Narodytchi trước thảm họa 1986, vẫn còn 3.000 người quyết tâm bám trụ quê hương. Hàng ngàn héc-ta đất nông nghiệp ở khu vực này vẫn bị đe dọa bởi các chất phóng xạ như cesium, strontium... Tháng 3.2011, các nhà khoa học thuộc Tổ chức Hòa bình xanh đã đến lấy mẫu thử nghiệm tại Narodytchi và phát hiện nồng độ cesium-137 trong một số loại nấm lên đến 288.000 becquerel/kg, gấp 115 lần mức an toàn của Bộ Y tế Ukraine.

Nhà máy hạt nhân tại Ukraine

Hiện vẫn còn 15 lò hạt nhân hoạt động tại Ukraine. Điện hạt nhân chiếm 46,6% sản lượng điện của quốc gia này. Ukraine là nước phụ thuộc vào điện hạt nhân cao thứ nhì thế giới, chỉ sau Pháp (77,1%) và xếp trên Thụy Điển (42,6%).

Nhật báo Den dẫn lời bác sĩ Natalya Klymtchouk của cơ quan y tế địa phương cho biết, tỷ lệ mắc các bệnh có liên quan đến nhiễm xạ tại Narodytchi khá cao. Chỉ có 1-2% trẻ em sinh ra tại đây có sức khỏe thật sự tốt. Nhiều người dân khu vực này bị các bệnh về máu, nội tiết, có hệ miễn dịch suy giảm hoặc thường gặp các rối loạn trong các cơ chế chuyển hóa… Nguyên nhân chủ yếu, theo bác sĩ Klymtchouk, là do họ vẫn dùng nông sản trồng tại các vùng đất nhiễm xạ.

Thực tế đáng lo ngại này đã thu hút được sự quan tâm của nhiều tổ chức nhân đạo. Trong số ấy, Hội Chernobyl - Chubu của Nhật Bản đã phối hợp với các cơ quan, hiệp hội địa phương và Đại học Nông nghiệp - Sinh thái Jytomir (Ukraine) thực hiện chương trình "dùng cải dầu để cải tạo vùng Narodytchi". Theo ông Tomiyo Hara, một trong những người chủ trì chương trình, cây cải dầu có khả năng hấp thụ phóng xạ cao hơn các loài thực vật khác nên sẽ giúp làm giảm độ nhiễm xạ trong đất nông nghiệp quanh khu vực Chernobyl. Nhờ vậy có thể giảm thiểu nguy hại cho sức khỏe trong nông sản được trồng trên các vùng đất đã trồng qua cải dầu. Còn cải dầu sau khi thu hoạch có thể dùng để sản xuất nhiên liệu và khí đốt sinh học.

Khó khăn đáng kể trong việc áp dụng rộng rãi phương pháp này là điều kiện máy móc, kỹ thuật cũng như nhân lực trong việc trồng cải dầu và sản xuất nhiên liệu sinh học vẫn còn rất hạn chế. Khởi động từ năm 2007, hiện cải dầu chỉ mới được trồng thử nghiệm trên diện tích vài héc-ta vì cần phải qua nhiều vòng luân canh để đánh giá kết quả. Tuy nhiên, nhiên liệu sinh học thu được dù chỉ ở số lượng nhỏ, cũng đã được áp dụng thành công để chạy máy kéo.

Từ những tia hy vọng này, người dân Narodytchi càng có thêm niềm tin để tiếp tục "bám đất bám làng". Theo tờ Den, ngày càng có nhiều người con xa xứ quay về sinh sống tại quê hương Narodytchi. Họ quay về để tìm lại cội nguồn và cũng vì tại thị trấn này dễ kiếm việc làm hơn nhờ hàng loạt công trình xây dựng đang được khởi công. Số liệu chính thức cho thấy Narodytchi hiện có khoảng 9.800 dân trải đều ra 8 ngôi làng. Chính quyền Kiev đang xem xét đưa thị trấn này ra khỏi danh sách "vùng bắt buộc di tản" trong thời gian tới.

Tiềm năng du lịch

Chính quyền Ukraine gần đây đã quyết định mở cửa "vùng cấm" thuộc bán kính 30km quanh Nhà máy hạt nhân Chernobyl để phát triển du lịch. Cuối năm ngoái, Bộ Tình trạng khẩn cấp Ukraine trình lên chính quyền sơ đồ các tuyến đường "không có nguy cơ" tại Chernobyl, theo tờ Nezavissimaia Gazeta. Kể từ năm nay, các cơ quan du lịch có thể giới thiệu chương trình khám phá vùng đất lịch sử này với du khách, đặc biệt khi Ukraine sắp chào đón hàng triệu lượt khách nhân giải vô địch bóng đá Euro 2012. Tạp chí Forbes dẫn lời đại diện Bộ Du lịch Ukraine Dmitri Zarouba dự đoán Chernobyl có thể trở thành một trong những khu du lịch thu hút nhất trên thế giới, có thể đón đến 1 triệu khách mỗi năm.

Cho đến nay, dù chưa chính thức nhưng vẫn có một số hãng du lịch tổ chức tham quan cho từng nhóm nhỏ du khách ưa thích mạo hiểm. Không khó khăn lắm để đăng ký một chương trình như vậy trên internet. Điều kiện để đến Chernobyl là khách phải trên 18 tuổi và trả khoản phí tham quan từ 110 - 370 euro.

Theo Bộ Tình trạng khẩn cấp Ukraine, do phóng xạ rò rỉ thành từng "mảng" tại Chernobyl nên nếu đi đúng các tuyến đường đã được kiểm tra trước sẽ không gây nguy hiểm cho sức khỏe. Để tăng thêm tính an toàn, chính quyền địa phương dự định lắp đặt thêm nhiều trạm đo mức phóng xạ tại đây. Tờ Nezavissimaia Gazeta dẫn lời Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về Chernobyl Serguei Gachtchak nhận định: "Nếu được quản lý chặt chẽ, du lịch tại Chernobyl sẽ không dẫn đến nguy cơ nào cả. Trong suốt chuyến tham quan, du khách chỉ nhiễm một lượng phóng xạ rất nhỏ, không thể ảnh hưởng đến sức khỏe". Trong khi đó, theo ông Gachtchak, du lịch "chui" đáng lo ngại hơn nhiều vì khách không biết những khu vực có độ nhiễm xạ cao để tránh, đến gần những tòa nhà có nguy cơ đổ sụp và không được cảnh báo về các loài động vật hoang dã đã chiếm cứ Chernobyl từ 25 năm nay… 

"Thành phố ma" Pripyat

 
Tàn tích Pripyat - Ảnh: AFP

Được xây dựng chỉ 16 năm trước khi thảm họa xảy ra, Pripyat từng là nơi sinh sống lý tưởng tại Ukraine. Cách Nhà máy hạt nhân Chernobyl vài km, nơi đây đã trở thành một "thành phố ma" khi toàn bộ 50.000 dân phải bỏ lại tất cả để sơ tán khẩn cấp sau khi lò phản ứng số 4 phát nổ. "Thiên đường" ngày nào giờ đây hoàn toàn vắng bóng người. Những nhà trẻ, công viên vừa mới xây, có nơi chưa kịp khánh thành giờ cây cỏ mọc um tùm, chen cả vào thềm nhà. "Thành phố ma" Pripyat chắc chắn sẽ là một trong những điểm tham quan gây nhiều cảm xúc nhất nếu du lịch Chernobyl được phổ biến.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.