Thi làm... bộ trưởng

24/04/2011 17:43 GMT+7

Tối 22.4, 3 bộ trưởng giả định là những sinh viên (SV) Học viện Hành chính cơ sở TP.HCM đã trải qua hơn 60 phút tranh luận, trả lời những chất vấn gay cấn tại phiên họp Quốc hội giả định khóa 2.

“Phiên họp” đêm

20 giờ 15, người dẫn chương trình trịnh trọng thông báo: “Hôm nay, tại Hội trường lớn Học viện Hành chính cơ sở TP.HCM, Quốc hội (QH) giả định khóa 2 mở phiên họp thứ 2. Đến dự phiên họp có sự tham dự của: Bộ trưởng giả định Bộ Tư pháp Hồ Thanh Hảo; Bộ trưởng giả định Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Khánh; Bộ trưởng giả định Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lê Việt Phương cùng 99 đại biểu QH giả định dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH giả định Nguyễn Đức Thuận”.


Chủ tịch QH giả định Nguyễn Đức Thuận (thứ hai từ trái sang) đang điều hành phiên họp - Ảnh: Như lịch

Không khí trang nghiêm, mô phỏng phiên họp Quốc hội thật sự khiến những người dự khán có lúc quên bẵng đây chỉ là vòng chung kết cuộc thi “Sinh viên Hành chính - Người cán bộ, công chức tương lai” lần VI - năm 2011 (còn gọi là cuộc thi QH giả định) do Đoàn Học viện Hành chính cơ sở TP.HCM tổ chức.

Được biết, 3 bộ trưởng và chủ tịch QH giả định nói trên được tuyển chọn từ 1.700 thí sinh tham dự cuộc thi, diễn ra từ ngày 29.3. Trải qua rất nhiều phần thi. Trước đó, các thí sinh tìm hiểu cơ chế một cửa tại các UBND: Q.Ô Môn, Thốt Nốt, TP Cần Thơ và tiếp xúc với đoàn đại biểu QH tại TP.HCM .

Chủ tịch QH giả định Nguyễn Đức Thuận đã phát biểu khai mạc phiên họp. Lần lượt 3 bộ trưởng giả định trình bày tham luận của mình...


ĐBQH giả định Huỳnh Thị Kim Loan chất vấn các bộ trưởng

Tôi sẽ từ chức, nếu...

Gay cấn và hấp dẫn nhất chính là phần những bộ trưởng giả định trả lời chất vấn của ĐBQH giả định. Mỗi bộ trưởng chỉ có 3 phút chuẩn bị cho 3 câu hỏi.

Bộ có quyết sách gì để bảo vệ cũng như giúp đỡ người nông dân vượt qua cơn bão giá? Nếu bộ trưởng giải quyết không tốt vấn đề này thì bộ trưởng chịu trách nhiệm như thế nào?

ĐBQH giả định Lê Hoàng Sang
Bộ trưởng giả định Tư pháp Hồ Thanh Hảo đăng đàn đầu tiên. Đại diện Đoàn đại biểu KS11 Quản lý công - Xã hội, ĐBQH giả định Võ Văn Hưởng mở phát pháo: “Tình trạng tham nhũng ngày càng diễn ra tinh vi và nguy hiểm hơn. Chúng ta còn chưa có cơ chế thật rõ ràng và thích hợp trong việc động viên và bảo vệ những người đứng ra tố cáo tham nhũng khiến họ chịu không ít thiệt thòi. Phải chăng Luật Phòng chống tham nhũng chưa chặt chẽ, công tác điều tra, xét xử còn chưa nghiêm minh? Xin bộ trưởng hãy cho biết nguyên nhân của những vấn đề trên và đưa ra các giải pháp quyết liệt hơn”. Hai đại biểu khác đặt câu hỏi về biện pháp chấn chỉnh hoạt động của công chứng tư và về bảo vệ tính tối cao của Hiến pháp. Đến phần trả lời của “Bộ trưởng” Hảo, Chủ tịch Quốc hội giả định Nguyễn Đức Thuận đã lên tiếng nhắc nhở: “Yêu cầu bộ trưởng trả lời nhanh, không nói lòng vòng và đi thẳng vào trọng tâm vấn đề”.

Chất vấn Bộ trưởng giả định Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Khánh, ĐBQH Lê Hoàng Sang (sinh viên KS10C) hỏi: “Bộ có quyết sách gì để bảo vệ cũng như giúp đỡ người nông dân vượt qua cơn bão giá, an tâm phát triển sản xuất cũng như thực hiện thắng lợi chính sách tam nông của Đảng và Nhà nước đã đề ra? Nếu bộ trưởng giải quyết không tốt vấn đề này thì bộ trưởng chịu trách nhiệm như thế nào?”. Sau khi nêu một số giải pháp như: quy hoạch sản phẩm của nông dân; giảm lãi suất cho vay; phối hợp với các đơn vị cho vay phân bón trước và trả tiền sau; xuất khẩu nông sản…,“Bộ trưởng” Khánh hứa hẹn: “Nếu bộ trưởng không thực hiện được những kế hoạch, những chính sách đã đề ra thì phải chịu trách nhiệm trước toàn thể nhân dân. Cụ thể, tôi sẽ từ chức!”. Tới đây, những tràng vỗ tay tỏ vẻ hài lòng.

Nếu bộ trưởng không thực hiện được những kế hoạch, những chính sách đã đề ra thì phải chịu trách nhiệm trước toàn thể nhân dân. Cụ thể, tôi sẽ từ chức!

Bộ trưởng giả định Bộ NN-PTNT Nguyễn Khánh
ĐB Nguyễn Thị Hồng Quyên (KS10B) nêu vấn đề: “So sánh với phim lịch sử Trung Quốc, Hàn Quốc và nhiều nước khác thì lịch sử của họ còn ghi dấu sâu trong tâm trí của người Việt hơn. Ví dụ: Thanh niên VN biết rõ về nàng Dae Jang Geum hơn là Ngọc Hân công chúa; hoặc có những người nhầm Lê Lợi là anh trai của Lê Duẩn...”. ĐB Quyên nói tiếp: “Bác Hồ đã nói: Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà VN. Vậy bộ trưởng có kế hoạch gì để mọi người có thể học tập theo lời dạy của Bác?”.

ĐB Huỳnh Thị Kim Loan (KS10B) đề nghị Bộ trưởng giả định Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lê Việt Phương “giải trình và đưa ra những giải pháp xử lý” về vấn đề buông lỏng trong quản lý, để số lượng lễ hội quá nhiều gây tốn kém, trong đó có không ít lễ hội còn nặng tính hình thức và nảy sinh tiêu cực. “Bộ trưởng” Lê Việt Phương giải đáp: “Trung bình mỗi ngày ở nước ta có khoảng 21 lễ hội. Lễ hội gồm phần lễ và phần hội nhưng hiện nay phần lễ lại nhiều hơn phần hội. Phải trả lễ hội về với nhân dân, xem phần hội là quan trọng hơn vì ở phần này người dân được trực tiếp tham gia vui chơi...”. “Ai làm sai thì người đó chịu trách nhiệm, kể cả bộ trưởng!” - “Bộ trưởng” Phương nhấn mạnh.

Phiên họp diễn ra căng thẳng cho đến 21 giờ 35 phút, Chủ tịch QH giả định Nguyễn Đức Thuận đọc diễn văn bế mạc phiên họp, trước khi những ĐBQH bỏ phiếu bầu chọn thí sinh đóng vai bộ trưởng xuất sắc nhất.

Kết quả: Bộ trưởng giả định Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lê Việt Phương đã đoạt giải nhất cuộc thi “QH giả định” năm 2011. Hai “Bộ trưởng” Hồ Thanh Hảo và Nguyễn Khánh lần lượt nhận giải nhì và giải ba. Giải thưởng “ĐBQH giả định đặt câu hỏi hay nhất” thuộc về ĐB Huỳnh Thị Kim Loan.

Như Lịch - Tuyết Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.