Thứ sáu 29-4, đám cưới sẽ diễn ra tại nhà thờ tu viện Westminster ở thủ đô London. Mối tình kéo dài tám năm, trải qua nhiều sóng gió, thử thách giữa chàng hoàng tử xứ sở sương mù và một cô gái xuất thân từ tầng lớp bình dân cuối cùng đã đơm hoa kết trái. Đây không chỉ là ngày lễ trọng đại của vương quốc Anh, mà còn là sự kiện lớn mang tính toàn cầu.
BBC đã cử ít nhất 550 nhà báo để tường thuật lễ cưới này, bởi đây sẽ là “sự kiện được theo dõi nhiều nhất của thế kỷ”. Hàng trăm nhà báo từ Mỹ, Canada, Úc, châu u, Brazil, Mexico đến Malaysia, Philippines, Trung Quốc... đã đặt vé máy bay tới London ngày này để đưa tin. Buổi lễ sẽ được truyền hình trực tiếp tới hàng chục quốc gia trên thế giới. Ước tính khoảng 2 tỉ người sẽ theo dõi qua truyền hình.
|
Danh sách 1.900 khách mời tham dự buổi lễ cũng vừa được công bố, bao gồm 40 hoàng thân các quốc gia, chính trị gia, ngôi sao giải trí, vận động viên thể thao danh tiếng... (có ca sĩ Elton John, cầu thủ bóng đá David Beckham cùng vợ, diễn viên hài Rowan Atkinson hay vận động viên bơi lội Úc Ian Thorpe).
Đáng ngạc nhiên là không có cựu thủ tướng Anh Tony Blair và đương kim Thủ tướng Gordon Brown. Các nguyên thủ quốc gia như Tổng thống Mỹ Barack Obama không được mời tham dự do đám cưới hoàng gia Anh không phải là sự kiện quốc gia chính thức.
Cơ hội kích cầu?
Đám cưới hoàng gia Anh diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội Anh còn ảm đạm hơn cả bầu trời đầy sương mù của thành phố London. Quý 4-2010, GDP giảm 0,5%, còn trong quý 1-2011 chỉ tăng vỏn vẹn 0,5%. Khoảng 2,53 triệu người đang thất nghiệp, cao nhất kể từ năm 1994, trong khi chính phủ đang phải vật lộn với thâm hụt ngân sách ở mức kỷ lục thời bình.
Do đó, đám cưới được xem như “liều thuốc an thần” để dân Anh tạm quên đi những khó khăn, u ám trước mắt. “Trong thời điểm đất nước không có gì để vui, đám cưới hoàng gia đã thổi bùng lại niềm tự hào quốc gia” - sử gia Philip Ziegler đã bình luận như vậy về đám cưới giữa công chúa Elizabeth và hoàng tử Philip năm 1947. Và đối với nhiều người Anh, lễ cưới của hoàng tử William cũng mang ý nghĩa tương tự.
“Sự kiện này đã gây sự háo hức lớn đối với người dân nhiều khu vực” - ông Chris White, chủ tịch Hiệp hội Chính quyền địa phương Anh, cho biết.
Giới chuyên gia kinh tế cho rằng đám cưới hoàng gia sẽ là dịp kích thích tiêu dùng, qua đó thúc đẩy nền kinh tế Anh đang ì ạch. Vào ngày 29-4, người dân Anh sẽ mở 5.500 bữa tiệc trên đường phố để chúc mừng chú rể và cô dâu. Liên minh bán lẻ Anh ước tính người dân Anh sẽ chi khoảng 800 triệu USD cho thực phẩm, đồ uống, quà cáp nhân ngày này.
Cơ quan quảng bá du lịch Anh VisitBritain cho biết khoảng 600.000 du khách trong và ngoài nước sẽ đổ về thủ đô London và họ sẽ mở hầu bao chi khoảng 66-82 triệu USD.
Gánh nặng kinh tế?
Tuy nhiên, không phải ai cũng tỏ ra hào hứng với đám cưới hoàng gia này. “Với mọi ồn ào quanh đám cưới, ở London giao thông và an ninh sẽ trở thành cơn ác mộng - cô Susie Cleary, một công dân London, bày tỏ - Tôi cũng chả quan tâm gì đến đám cưới này, chỉ tốn thời gian vô bổ”.
Theo khảo sát của Hãng tư vấn Yougov, khoảng 36% người dân Anh tỏ ra không hài lòng với việc người dân đóng thuế sẽ phải thanh toán các khoản chi phí cho đám cưới. Khoảng 29% cho rằng đám cưới xa hoa, lãng phí này không phù hợp với tình hình kinh tế ảm đạm hiện tại của nước Anh.
“Dù người dân ủng hộ hoàng tử William và cô dâu Kate, rất khó để công chúng phớt lờ yếu tố tài chính của đám cưới” - biên tập viên Tom Flack của trang WalletPop.co.uk bình luận.
Ước tính chi phí cho đám cưới lên tới 48 triệu USD. Trước đó, BBC đưa tin hoàng gia Anh và nhà Middleton sẽ gánh chi phí đám cưới, nhưng gần đây một số nguồn tin cho biết chính quyền Anh sẽ trích ngân quỹ để chi trả. Ngày 29-4, chính quyền Anh cũng sẽ điều động khoảng 5.000 cảnh sát bảo vệ an ninh cho đám cưới. Công tác an ninh sẽ tốn kém khoảng 35 triệu USD.
Đáng kể hơn, do chính quyền tuyên bố ngày 29-4 trở thành ngày lễ quốc gia nên người dân được nghỉ. Một ngày người dân không làm việc, nền kinh tế sẽ thiệt hại 9,6 tỉ USD, tương đương 1,5% GDP toàn quý.
Do lễ cưới diễn ra giữa hai dịp nghỉ lễ cuối tuần kéo dài ở Anh, nên người dân chỉ cần xin nghỉ phép ba ngày là có tổng cộng 11 ngày phép. “Đương nhiên việc nghỉ lễ kéo dài sẽ dẫn tới sụt giảm sản xuất” - nhà kinh tế Philip Shaw thuộc Hãng Investec cho biết. Ước tính nền kinh tế Anh có thể thiệt hại tổng cộng 50 tỉ USD, một con số khổng lồ.
“Một trận mưa kinh tế nặng hạt sẽ đổ lên đám cưới của William và Kate” - báo Financial Times nhận định.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)