Sau khi thu hồi một số mặt bằng, kho bãi dọc Bến Bình Đông (Q.8) vào năm 2009, UBND Q.8 đã lên kế hoạch đầu tư xây dựng trường Tiểu học Lý Thái Tổ. Mặc dù dự án đã được phê duyệt vào tháng 8.2010 và dự kiến khởi công xây dựng trường vào quý 4/2010, song đến nay mọi sự vẫn nằm… trên giấy!
|
Cho thuê tràn lan
Đầu tháng 4.2011, có mặt tại khu đất được Q.8 quy hoạch xây dựng trường Lý Thái Tổ, bao gồm cụm kho bãi: 275-281-287-291-297-301-305-307 Bến Bình Đông (tổng diện tích khoảng 5.300m2), chúng tôi nhận thấy bầu không khí yên ắng, chưa có dấu hiệu gì của một công trình lớn. Cả 3 kho bãi (số 281-297-301) đã được cơ quan chức năng thu hồi trong năm 2010 đều cửa đóng im ỉm, bên trong cỏ mọc um tùm. Cạnh đó, các mặt bằng còn lại nằm trong cụm kho trên vẫn đang tiếp tục cho thuê làm nơi kinh doanh, xưởng sản xuất hoặc chứa hàng. Điển hình, 3 mặt bằng số 275-287-291 Bến Bình Đông, do Công ty nông thổ sản II quản lý, sử dụng bị đem cho tư nhân thuê làm kho chứa hàng và cửa hàng trưng bày, bán các sản phẩm nội thất từ nhiều năm qua.
Tương tự, tại dự án trường THPT ở P.13, Q.8, dù đã được TP ghi vốn, phê duyệt quy hoạch đầu tư xây dựng trên khuôn viên đất bao gồm các mặt bằng nhà đất 42-44-46 Mạc Vân, 627-629-641-681 Bến Bình Đông và 27 Nguyễn Chế Nghĩa, Q.8 dự kiến khởi công xây dựng vào cuối năm 2010, nhưng đến nay người dân chờ mãi vẫn chẳng thấy đâu. Trong số các mặt bằng, kho bãi này, Q.8 chỉ mới thu hồi được mặt bằng số 641 Bến Bình Đông, nhưng sau đó lại bỏ phế từ hai năm qua.
|
Đặt chân đến địa chỉ này, không khỏi xót xa khi nhà kho rộng gần 5.000m2 bị bỏ phế trong tình trạng xuống cấp trầm trọng, nhiều khu vực trong nhà kho bị sập, tường nghiêng ngả, mái nhà có nhiều lỗ thủng. “Đừng vào đó. Chỉ cần một cơn gió mạnh thổi qua là một mảng tường sập theo ngay!”, một người dân cản chúng tôi leo vào nhà kho 641 để chụp ảnh.
Cách đó không xa, tại 2 mặt bằng số 627-629 nằm ở vị trí khá đẹp trên Bến Bình Đông (do Tổng công ty thương mại Sài Gòn quản lý, sử dụng) vẫn tiếp tục cho cơ sở chế biến trứng gia cầm Châu Thục Ái thuê làm nơi sản xuất, kinh doanh. Mặt bằng 681 Bến Bình Đông, do Công ty CP thương mại Sài Gòn kho vận quản lý, sử dụng, cũng đem cho Cơ sở Thiên Hồng thuê làm xưởng sản xuất…
Điều khiến người dân P.13, Q.8 bức xúc hơn là tại 3 mặt bằng số 42-44-46 Mạc Vân giao Công ty TNHH một thành viên dệt may Gia Định quản lý, sử dụng, dù đang bỏ trống từ nhiều năm qua, nhưng vẫn chưa chịu bàn giao cho địa phương xây trường học.
Một cán bộ Phòng TN-MT Q.8 cho biết mặc dù UBND TP đã có quyết định thu hồi và UBND Q.8 đã nhiều lần làm việc, đề nghị các đơn vị trên giao lại mặt bằng, kho bãi để quận xây dựng trường học, song các cơ quan này luôn nại lý do chờ được bồi thường, hỗ trợ theo quy định hoặc ra điều kiện hoán đổi vị trí khác… để tìm cách kéo dài thời gian.
|
Chưa quyết liệt thu hồi
Từ 2009 đến nay, Q.8 phối hợp với Ban chỉ đạo 09 TP và Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) thu hồi được 13 kho bãi sử dụng không đúng mục đích, cho thuê. Tất cả số kho bãi, mặt bằng này đều được quận quy hoạch xây dựng các công trình phúc lợi xã hội. Thế nhưng, tiến độ thực hiện quy hoạch này đã chậm lại khi quận chưa thu hồi được các kho bãi liền kề những mặt bằng đã thu hồi.
Theo UBND Q.8, việc các cơ quan, đơn vị chậm bàn giao kho bãi (đã có quyết định thu hồi của TP hoặc Bộ Tài chính) đã ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng trường học vốn đang thiếu tại địa phương. "Sắp tới, quận sẽ mạnh tay trong việc thu hồi mặt bằng, kho bãi sử dụng không đúng mục đích, cho thuê…, để xây dựng trường học. Hiện các cơ quan chức năng Q.8 đang khẩn trương lập phương án bồi thường, hỗ trợ di dời cho các cơ quan, đơn vị trên để thu hồi lại các địa chỉ nhà đất. Trường hợp các cơ quan, đơn vị không nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, quận sẽ gửi vào ngân hàng và sau 45 ngày, nếu đơn vị không di dời, thì quận sẽ tiến hành cưỡng chế thu hồi kho bãi”, ông Nguyễn Hồ Hải, Phó chủ tịch UBND Q.8, nói.
|
Về việc các cơ quan, đơn vị ra điều kiện được hoán đổi vị trí đất khác khi giao mặt bằng, kho bãi hiện nay cho quận, ông Hải khẳng định đề nghị này sẽ không được quận giải quyết.
Ông Đặng Văn Khoa, đại biểu HĐND TP.HCM, khẳng định thu hồi các kho bãi, mặt bằng sử dụng lãng phí để xây dựng công trình phúc lợi công cộng là chủ trương đúng. Thế nhưng, thực tế một số sở, ngành vì những lý do nào đó đã chùn tay, khi không cương quyết xử lý theo chỉ đạo của lãnh đạo TP, gây bức xúc trong nhân dân. “Có những đơn vị không giao trả đất xuất phát từ những lợi ích chằng chịt xung quanh việc sử dụng, kinh doanh kho bãi này. Nhiều cơ quan, đơn vị sẵn sàng đặt quyền lợi cục bộ lên trên nhu cầu bức thiết của xã hội, đây là hành vi cần đáng lên án", ông Khoa nói.
Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết sẽ yêu cầu UBND Q.8 báo cáo việc thu hồi các địa chỉ nhà đất, đồng thời chỉ đạo Ban chỉ đạo 09 về sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà đất trên địa bàn TP cùng phối hợp, tìm hướng tháo gỡ.
Nhà đất công chưa thu hồi còn rất lớn Sau khi công luận và Báo Thanh Niên lên tiếng về thực trạng lãng phí kho bãi trên địa bàn TP, các cơ quan chức năng của T.Ư và TP.HCM đã vào cuộc. Đợt thu hồi mặt bằng, kho bãi lãng phí mạnh mẽ nhất tại TP.HCM diễn ra vào tháng 4.2009 với việc Bộ Tài chính, UBND TP cùng phối hợp thu hồi 31 mặt bằng, nhà xưởng do các doanh nghiệp nhà nước sử dụng lãng phí, bỏ trống, cho thuê... suốt nhiều năm qua, gây bức bức xúc trong dư luận. Diện tích thu hồi đất công trong đợt này là hơn 37.200m2, sau đó được bàn giao cho các quận, huyện quản lý, sử dụng để đầu tư xây dựng các công trình công cộng, phục vụ nhân dân. Từ khi triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ về sắp xếp, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước (2001), đến nay, TP đã thu hồi hơn 200 địa chỉ nhà đất và bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng 1.455 địa chỉ, thu về ngân sách TP hơn 16.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá của các cơ quan chức năng, khối lượng nhà đất công chưa thu hồi trên địa bàn TP vẫn còn rất lớn. |
Minh Nam
Bình luận (0)